Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:05:00 PM Lượt xem: 245

VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT HUY DÂN CHỦ
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY VÀO GIẢNG DẠY NỘI DUNG
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CỦA CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
                                                                  
Thạc sĩ  Hoàng Bằng Giang
Quyền Trưởng Khoa Lý luận cơ sở
         
          Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011 khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ xã hội ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm” (1). Đây là những quan điểm được tổng kết, có tính chất khái quát cao về dân chủ, khẳng định bản chất của chế độ xã hội ta là “dân chủ”“nhân dân làm chủ”, trở thành một trong tám đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.
          Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng”; “Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế” (2). Quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước được quan tâm. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.
          Song, dân chủ hóa trong các lĩnh vực chưa đồng bộ với yêu cầu đổi mới đất nước. Còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện, một số nội dung về dân chủ, quyền con người chưa được cụ thể hóa thành luật, chính sách; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn bị vi phạm, việc thực hiện dân chủ có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện quan điểm, chủ trương cũng như tổ chức thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống của nhân dân hiện nay.           Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng xác định phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân phải được thực hiện trên các điểm mới sau:
          Một là, bổ sung nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, như thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Làm tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
          Hai là, xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ. Đảng, Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội.
          Ba là, khẳng định: “ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân đân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (3), và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nền tảng chính trị, pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Điều đó đòi hỏi phải phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.
          Bốn là, nêu rõ yêu cầu: “Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội” trong thực hành dân chủ, trong thực hành các nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân” (4). Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế; góp phần quản lý xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hoạt động tự quản cộng đồng; xây dựng, quản lý thụ hưởng văn hóa.
          Có thể nói răng, sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước toàn diện do Đảng khởi xưởng và lãnh đạo, trải qua 8 kì Đại hội, Đảng cộng sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và sâu sắc về tư duy lý luận trong lĩnh vực dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong đời sống của nhân dân, mà đặc biệt là thực hành dân chủ ở cơ sở để quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm thực sự hằng ngày - nhằm hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chế độ mà chúng ta xây dựng là bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân, quyền bính và lực lượng đều ở nơi dân. Do đó, người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng dạy phần chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng cần phải quán triệt, học tập, nắm bắt sâu sắc bốn mới nêu trên trong Văn kiện Đại XIII của Đảng ta về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để vận dụng đưa vào các bài giảng một cách phù hợp, thiết thực nhất, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị, không ngừng xây dựng nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa, củng cố niềm tin vững chắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ xã hội ở Việt Nam cho cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
     
 
      (1) - Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.84-85.
     (2) - Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.167.
     (3) - Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.173.
     (4) - Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t1, tr.174.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8065576

Đang Online : 4014