Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022 >> Số 2 năm 2022
Ngày Đăng:8/8/2022 2:06:00 PM Lượt xem: 669
TUYÊN QUANG CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO VĂN HÓA CÔNG VỤ
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA TỈNH
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỦA TỈNH
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
Văn hóa công vụ (VHCV) là sự thấm nhuần các giá trị văn hóa vào hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong một nền công vụ. VHCV chính là sự tổng hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố:đạo đức công vụ (trách nhiệm cao trong thực thi công vụ), tri thức công vụ (sự chuyên nghiệp trong thực thi công vụ) và hành vi công vụ (tính hiệu quả trong thực thi công vụ). Xây dựng và nâng cao VHCV, hiện nayđang là vấn đề cần thiết và cấp bách trong tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia và chuyển đổi từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ. Để xây dựng nền công vụ thực sự hiện đại, trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đòi hỏi mỗi cơ quan nhà nước phải thực sự là một thiết chế VHCV; mỗi cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải thay đổi tích cực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân, tạo nên nét đẹp văn hóa của một nền hành chính văn minh, hiện đại.
Thực hiện Quyết định số 319/QĐ-BNV, ngày 18/4/2019 của Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án văn hóa công vụ;Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số: 38/KH-UBND, ngày 31 tháng 12 năm 2019,Kế hoạch thực hiện Đề án văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnhTuyên Quang. Sau 03 năm thực hiện,VHCV trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, được thể hiện qua một số nội dung sau:
Thứ nhất, về công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa công vụ
Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh bám sát các nội dung của Đề án tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội nghị; lồng ghép vào các cuộc họp triển khai công tác tại cơ quan, đơn vị; tổ chức các lớp tập huấn; tổ chức rà soát các văn bản có liên quan về VHCV thuộc phạm vi thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc...Góp phần nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức của đội CBCCVC về xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức
Kế hoạch đào tạo đội ngũ CBCCVC các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng được tỉnh Tuyên Quang xây dựng một cách đồng bộ, toàn diện nhiều năm qua. Trong đóchú trọng tới cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nhóm đối tượng cán bộ thuộc quyền quản lý... Gần đây nhất, căn cứ 3 nhóm mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) và 20 nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 6-6-2018 của Bộ Chính trị, BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 208-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Theo đó, tích cực đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm,sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV“Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020”, trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,3%, tăng 27,2% so với 2011.Giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 4.300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo chuyên môn từ đại học trở lên. Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức tham mưu, nghiên cứu, tổng hợp của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học, trên đại học; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 99,4%, từng bước đáp ứng yêu cầu chức danh vị trí việc làm của CBCCVC.
Thứ ba, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ
Xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, hiện đại, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cải cách nền hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ, công chức của tỉnh Tuyên Quang.Thông quađó, đội ngũ CBCCVC ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp, tác phong làm việc khoa học, kỷ cương, kỷ luật hành chính; tôn trọng, lắng nghe, tận tình với người dân; hợp tác chặt chẽ, tương trợ với đồng nghiệp. Cấp trên phải công tâm, khách quan, lắng nghe và tôn trọng cấp dưới. Cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công của cấp trên theo đúng quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công sở.CBCCVC thực hành “4 xin, 4 luôn” – Xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Phong cách giao tiếp, ứng xử ngày càng có những tiến bộ rõ rệt. CBCCVC ở nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị cơ sở trong giao tiếp với người dân đã có thái độ cầu thị hơn trong lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng bằng việc tận tình giải thích và hướng dẫn về quy trình xử lý công việc.
Đồng thời, CBCCVC thi đua thực hiện tốt chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, luôn sẵn sàng chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, các công chức thuộc bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị đã cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau như máy chấm điểm, thư góp ý, phiếu khảo sát…Nhiều ngành, địa phương đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, không gây phiền hà, nhũng nhiễu trong khi giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, doanh nghiệp…
Việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang là bước đột phá để xây dựng nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại. Hiện nay, Trung tâm thực hiện giải quyết 1.427 thủ tục hành chính của 20 cơ quan, đơn vị, gồm 17 sở, ban, ngành và 03 cơ quan ngành dọc. Tất cả các thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm đều được thực hiện qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Như vậy có thể khẳng định, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được bước tiến mới, hướng xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, tính hiệu quả trong thực thi công vụ
Tổ chức thực hiện các nội dung VHCV, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, trong sạch, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Sau 03 năm triển khai thực hiệnĐề án văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, chất lượng đội ngũ CBCCVC được nâng lên: năm 2021, tổng số CBCCVC được đánh giá, xếp loại là 17.584 người,trong đó:hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 3.074 người (17,33%); hoàn thành tốt nhiệm vụ:13.220 người (75,18%); hoàn thành nhiệm vụ:1.216 người (6,92%); không hoàn thành nhiệm vụ: 101 người (0,57%). Thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính tăng khá nhanh, năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 29/63, tăng 02 bậc so với năm 2020; chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR INDEX) xếp thứ 35/63; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 49/63. Góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị tiếp tục kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng, không chồng chéo. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được nâng lên. Cải cách tài chính công có nhiều chuyển biến tích cực. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước.Hiện nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được triển khai, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến tháng 9/2021, cổng dịch vụ công Tuyên Quang thực hiện cung cấp 1846 dịch vụ công, tích hợp được 426 dịch vụ công mức độ 3,4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 38,72%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện VHCV trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn không ít bất cập, cụ thể:nhận thức của đội ngũ CBCCVC về VHCV, về trách nhiệm xây dựng nền hành chính công vụ chưa đồng đều, thiếu nhất quán, thậm chí một số CBCCVC chậm đổi mới tư duy và hành động;ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất;một bộ phận CBCCVC còn thiếu trách nhiệm với người dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, gây bức xúc trong nhân dân…Trước thực trạng trên, việc đẩy mạnh thực hiện VHCV trong các cơ quan, đơn vịtrên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là hết sức cần thiết, theo đó cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và quán triệt thực hiện các nội dung của VHCV cho đội ngũ CBCCVC trong thực thi nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của CBCCVC trong cơ quan, đơn vị để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Chính phủ.
Hai là, các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về VHCV, nghiên cứu, sửa đổi các quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa một cách căn cơ, bài bản những vi phạm về VHCV. Trên cơ sở Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng ngành, từng địa phương phải vừa căn cứ vào các giá trị chung, vừa căn cứ vào điều kiện, yêu cầu đặc thù của mình để xây dựng bộ giá trị VHCV phù hợp.Trong đó, các giá trị chung cần được bảo đảm là: minh bạch đi đôi với công khai; danh dự đi đôi với trách nhiệm giải trình (trách nhiệm được chỉ ra rõ ràng gắn với từng cá nhân cụ thể và cá nhân phải ý thức việc thực thi trách nhiệm chính là bảo vệ danh dự cho bản thân); tự kiểm soát đi đôi với bị kiểm soát (từng cá nhân tự ý thức, tự kiểm soát hành vi đi đôi với những ràng buộc phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý); đạt mục tiêu đi đôi với việc nhân dân được phục vụ tốt nhất (mục tiêu đề ra của tổ chức phải được đánh giá dựa trên hiệu quả phục vụ nhân dân, mức độ hài lòng của nhân dân).
Ba là, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Sẽ không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác… Cần hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo, vì người dân phục vụ. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác, mỗi CBCCVC phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiệnvới đồng nghiệp và người dân.
Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện các quy định về VHCV. Xử lý kịp thời, nghiêm minh CBCCVC có hành vi vi phạm, ngăn chặn những biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân, tổ chức và các cơ quan, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những CBCCVC có thành tích, gương mẫu trong thực hiện VHCV. Công bằng trong khen thưởng, xử lý sẽ tạo ra động lực cho mỗi cá nhân, làm lành mạnh hóa nền công vụ, là cơ sở để xây dựng VHCV hiệu quả mang tính phục vụ Nhân dân.
Các tin liên quan:
- ❧ NHỮNG PHẨM CHẤT CAO QUÝ CỦA ĐỒNG CHÍ PHẠM HÙNG VÀ Ý NGHĨA TRONG XÂY DỰNG LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ - Ngày đăng('8/8/2022 2:01:00 PM')
- ❧ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN - Ngày đăng('8/8/2022 2:02:00 PM')
- ❧ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG - Ngày đăng('8/8/2022 2:03:00 PM')
- ❧ VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN TẠI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('8/8/2022 2:04:00 PM')
- ❧ VẬN DỤNG NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY VÀO GIẢNG DẠY NỘI DUNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC CỦA CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('8/8/2022 2:05:00 PM')
- ❧ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/8/2022 2:07:00 PM')
- ❧ PHÁT HUY TIỀM NĂNG, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/8/2022 2:08:00 PM')
- ❧ MỘT SỐ KẾT QUẢ CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN SƠN DƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CHỈ THỊ 05-CT/TW NGÀY 15/5/2016 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH - Ngày đăng('8/8/2022 2:09:00 PM')
- ❧ TUYÊN QUANG KHAI THÁC TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN - Ngày đăng('8/8/2022 2:10:00 PM')
- ❧ Ý NGHĨA TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN” ĐỐI VỚI RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY - Ngày đăng('8/8/2022 2:11:00 PM')
- ❧ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG MỘT NỀN GIÁO DỤC MỚI CỦA VIỆT NAM - Ngày đăng('8/8/2022 2:12:00 PM')
- ❧ XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('8/8/2022 2:13:00 PM')