Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:07:00 PM Lượt xem: 635

HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ,
GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
           Những năm qua, công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu ngay tại các vùng quê khó khăn.
           Khơi dậy nội lực từ những chính sách đúng
          Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có 2 huyện được hưởng cơ chế như huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ ban hành về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo là huyện Na Hang và huyện Lâm Bình. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 121/138 xã, phường, thị trấn  khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó có 50 xã thuộc khu vực III (chiếm 36,2%), 15 xã thuộc khu vực II (chiếm 10,9%) và 56 xã thuộc khu vực I (chiếm 40,6%). Số thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn là 120 thôn. Trên địa bàn tỉnh có 22 dân tộc cùng chung sống. Dân tộc thiểu số chiếm 56,7 % tổng dân số, gồm các dân tộc Tày, Dao, Sán Chay, Mông, Nùng, Sán Dìu… Tuyên Quang cũng là nơi cư trú của một số dân tộc rất ít người như Pà Thẻn, Cờ Lao, Pu Péo, Ngái, Bố Y, Lô Lô.
          Trên cơ sở những đặc điểm sẵn có về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, đặc điểm dân cư, dân tộc, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững… Các chính sách được triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng lợi ích thiết thực của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng địa phương. Nhờ đó, đồng bào được hỗ trợ trực tiếp về tiền, nguồn vốn, công cụ lao động, các giống vật nuôi, cây trồng để đầu tư phát triển sản xuất. Tỉnh cũng đã tiến hành phân  loại các hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
          Để các chính sách thực sự có hiệu quả và được triển khai sâu rộng, tỉnh Tuyên Quang tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế. Điều đó không chỉ làm thay đổi nhận thức của đồng bào mà còn khơi dậy trong hộ nghèo dân tộc thiểu số ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có các hộ đồng bào dân tộc Mông đang cư trú tại một số xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh như xã Minh Hương, Yên Lâm (huyện Hàm Yên), xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa), xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn), xã Côn Lôn (huyện Na Hang), xã Bình An (huyện Lâm Bình) đã được nâng cao nhận thức, chủđộng tham gia thực hiện các dự án kinh tế như chăn nuôi trâu, bò sinh sản, từ đó từng bước cải thiện đời sống.
            Bình quân hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3%/ năm, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm  trên 5%/ năm. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 43,45% thì đến nay giảm xuống còn 15,03%. Điều này đã thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong việc nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với khu vực thành phố, trung tâm của tỉnh. Kết quả này không chỉ được thể hiện trên các con số mà còn thể hiện hết sức sinh động trong đời sống nhân dân. Tại những xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Tuyên Quang đã ít dần những ngôi nhà tranh vách đất. Thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Nhiều mô hình kinh tế giỏi đã ra đời, có sức lan tỏa và được nhân rộng trong nhân dân góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
           Những điểm sáng kinh tế
          Nhờ thực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực lao động sản xuất, hình thành phong trào thi đua sôi nổi trên khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều cá nhân, hộ gia đình đã trở thành những điểm sáng kinh tế, được coi là điển hình trong việc giảm nghèo.
             Minh Khương là xã miền núi phía Bắc của huyện Hàm Yên, cách trung tâm huyện Hàm Yên 25 km. Nơi đây có 9 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 90%. Là một xã thuộc khu vực III, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy công tác giảm nghèo được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Căn cứ điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, ban chấp hành Đảng bộ xã Minh Khương đã xác định cây cam là cây trồng mũi nhọn giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
              Bà Nguyễn Thị Bình, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết: Phong trào trồng cam trên đất Minh Khương đã có từ những năm 1990 với con số ban đầu khoảng 15 hộ trồng thử nghiệm cây cam trên những sườn đồi cheo leo và đã đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Vì thế chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân tập trung vào các vùng đất đồi cây tạp, chân núi đá, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào phát triển mạnh cây cam sành. Đến nay, trên địa bàn xã Minh Khương đã có hơn 600 hộ trồng cam với diện tích trên 438 ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 6.500 tấn. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia vào việc thâm canh vươn lên thoát nghèo và làm giàu với thu nhập xấp xỉ ngưỡng 1 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2016 là là 48,79% đến nay đã giảm xuống còn hơn 20%. Con số đó đã thể hiện thành quả, sự nỗ lực không ngừng của Đảng ủy, chính quyền trong việc vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành, đảm bảo điều kiện đầu ra và giá cảổn định cho sản phẩm, xã Minh Khương tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng giống cam sành đạt tiêu chuẩn, được nhân giống tại cơ sở nhân giống của Trung tâm cây ăn quả huyện, xây dựng các vườn cam theo hướng thâm canh hàng hóa, khuyến khích nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo quản góp phần phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên.
          Câu chuyện thoát nghèo của gia đình bà Trần Thị Sen, dân tộc Sán Dìu ở thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương được người dân khâm phục. Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số sống ở đây, cuộc sống của gia đình bà Sen hết sức khó khăn. Mặc dù rất chăm chỉ, cần cù lao động nhưng gia đình bà cũng chỉ tạm đủ ăn. Với hoàn cảnh khó khăn, bà Sen luôn trăn trở suy nghĩ làm cách nào để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình. Sau khi tìm tòi và đi học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trang trại lớn ở Vĩnh Phúc và một số huyện trong tỉnh, bà bàn với chồng đầu tư vào chăn nuôi lợn. Số tiền ban đầu gia đình bà vay mượn để đầu tư chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên năm đầu gia đình bà chăn nuôi không có lãi. Khó khăn là vậy nhưng gia đình bà quyết tâm không cam tâm chịu đói nghèo. Bà cùng chồng vay thêm tiền để xây chuồng trại, khoan giếng, xây hầm biogas, mua con giống, học hỏi kinh nghiệm và tham gia lớp học thú y chăn nuôi tại Ủy ban nhân dân xã Sơn Nam. Kinh tế gia đình bà từ đây cũng ngày càng khấm khá hơn.
          Những năm gần đây, do tác động của dịch bệnh Covid 19, tình hình kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng có nhiều khó khăn. Giá thịt lợn trên thị trường cũng vì thế mà không ổn định, lên xuống thất thường. Dịch bệnh ở lợn cũng bùng phát nên nhiều hộ chăn nuôi thất bại, phải bán chạy vì bị tư thương ép giá. Nhưng gia đình bà Sen, vì có kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc và tiêm phòng vacxin, chủ động được con giống và nguồn thức ăn nên vẫn đảm bảo duy trì được số lợn nái và lợn thịt đã đầu tư. Do chăm chỉ lao động sản xuất, có những năm, sau khi trừ chi phí gia đình bà đã thu được số tiền lãi từ chăn nuôi lợn trên 600 triệu đồng.
          Ngoài ra, gia đình bà Sen còn mở xưởng mộc, tạo công ăn việc làm ổn định cho 03 lao động. Bình quân thu nhập của mỗi người lao động đạt 40 triệu đồng/ người/ năm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, trung bình gia đình bà Sen thu về trên 300 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, gia đình bà đã mua sắm được nhiều đồ dùng gia đình có giá trị trong đó có xe ô tô cá nhân trên 700 triệu đồng.
          Có thể thấy, nhờ thực hiện tốt công tác vận động, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những kết quả đạt được đã khẳng định tính tích cực của đồng bào trong việc chủ động vươn lên thay đổi cuộc sống của chính mình và gia đình mình chứ không chỉ trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ của Nhà nước, từ đó góp phần xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp.  

             Tài liệu tham khảo:
            1. Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
           2. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
 
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8580880

Đang Online : 425