Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:10:00 PM Lượt xem: 561

         TUYÊN QUANG KHAI THÁC TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN 

 Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học
 
            Là tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hang động đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên rất đa dạng, phong phú về hệ sinh thái; vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú và hấp dẫn… Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là phát triển du lịch nông thôn.
            Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ nhằm phát triển du lịch nói chung và du lịch nông thôn nói riêng, gắn với đó là việc thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cụ thể: ngày 18/5/2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 28- KL/TU về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; ngày 27/6/2017 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/W ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 23/6/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 11/3/2019  thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…
             Cụ thể hóa chủ trương, chính sách đó các địa phương tích cực thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, doanh nghiệp xã trong toàn tỉnh đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông sản chất lượng cao. Tính đến năm 2021, toàn tỉnh có 130 sản phẩm được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, đây được xác định là những lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn; đồng thời tích cực tổ chức quảng bá giới thiệu các điểm du lịch thông qua các Trang thông tin điện tử như: Cổng thông tin điện tử tỉnh (tuyenquang.gov.vn), Trang thông tin đối ngoại tỉnh (doingoai.tuyenquang.gov.vn), Trang thông tin điện tử các huyện, thành phố, trang thông tin điện tử chuyên đề du lịch (mytuyenquang.vn, lehoithanhtuyen.com.vn, dulichtuyenquang.com.vn); Trang thông tin điện tử các Ban Quản lý Khu du lịch (suoikhoangmylam.tuyenquang.gov.vn,dulichsinhthainahang.gov.vn,dulichtantrao.com.vn), Báo Tuyên Quang (tuyenquang.com.vn)... và các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ Du lịch - Thương mại hàng năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Thường xuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch nắm bắt thông tin về các điểm du lịch khách đến thăm quan.
            Đến nay, các địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện trên 100 video clip quảng bá về du lịch trên youtube, các trang mạng. Tăng cường hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn thông qua việc thực hiện các Đề án: “Bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình” tại xã Kim Bình, “Điểm dừng chân Đèo Gà gắn với du lịch cộng đồng” tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa; hỗ trợ kinh phí ban đầu để đầu tư cơ sở vật chất cho 15 hộ thực hiện mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình; triển khai đề án xây dựng 19 nhà sàn bê tông tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào để bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Từ nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức NPOAVENUE Nhật Bản, đã thực hiện triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Homestay tại xã Tân Trào; xây dựng kế hoạch phát triển Làng Văn hóa - Du lịch tại thôn Nà Khá, xã Năng Khả, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái huyện Na Hang và thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên. Đồng thời nghiên cứu Đề tài khoa học cấp tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng văn hóa Giếng Tanh, thành phố Tuyên Quang gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang. Phục dựng hoạt động văn nghệ và tổ chức các lễ hội, làng nghề truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ như: Lễ hội Động Tiên - Chợ quê, lễ hội Chợ Thụt (huyện Hàm Yên), Lễ hội Lồng Tông (huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Lâm Bình), Lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình).
             Bên cạnh đó, các địa phương tập còn tập trung tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình tại các điểm du lịch cộng đồng, cụ thể: tính đến hết năm 2021, đã tổ chức 08 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hơn 400 học viên là các hộ gia đình tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên; tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang và huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên... toàn tỉnh có 68 hộ gia đình tham gia làm du lịch Homestay.
             Có thể thấy, trong thời gian qua các hoạt động du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, khai thác và bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch gắn với du lịch nông thôn như: dịch vụ lưu trú cộng đồng Homestay, tham quan, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng đồng bào dân tộc bản địa, thưởng thức ẩm thực, làng nghề truyền thống...; một số sản phẩm nghỉ dưỡng gắn với sinh thái nông thôn như (Khu du lịch sinh thái Na Hang; Khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào; Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba và các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Lâm Bình, huyện Na Hang, huyện Chiêm Hóa...). Qua đó, đã hình thành các tour trải nghiệm phong cảnh ruộng bậc thang xã Hồng Thái, huyện Na Hang; hái quả cam sành Hàm Yên và lễ hội cam sành Hàm Yên, huyện Hàm Yên; trải nghiệm hái chè tại làng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; nông trại cây và hoa xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương... Các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã đưa vào khai thác một cách sáng tạo để phục vụ khách du lịch, khuyến khích nhân dân xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo phong cách truyền thống, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường như: nhà sàn ở Làng văn hóa - du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; nhà sàn truyền thống dân tộc Tày gắn với khu di tích lịch sử Kim Bình và phát triển dịch vụ du lịch tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình...; hoạt động du lịch tạo nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người dân Xứ Tuyên như: mắm cá chép ruộng, rượu ngô Na Hang, rượu men lá ATK, thịt trâu khô, cam sành Hàm Yên, lê Hồng Thái, bưởi Xuân Vân, vịt bầu Minh Hương… Nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn đã tham gia vào dịch vụ hàng hóa du lịch, được tiêu thụ tại chỗ đem lại nguồn thu cho nhân dân. Đồng thời các đặc sản địa phương còn là công cụ quảng bá địa danh cho điểm đến như: Cam Sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, bánh gai Chiêm Hóa, bánh trứng kiến Lâm Bình, cá Lăng Na Hang, rượu ngô Na Hang, gạo Kim Phú và bưởi Xuân Vân của Yên Sơn... Mô hình du lịch cộng đồng nông thôn đã phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa vùng miền của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, thu hút nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, tạo thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
              Có được kết quả trên là do sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương; đặc biệt là do các cấp, ngành đã tập trung huy động nguồn lực để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án của nước ngoài (ADB), tỉnh Tuyên Quang đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như: nâng cấp đường Tỉnh lộ ĐT.187, ĐT.189 với các tỉnh miền núi phía Bắc; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Km187+610 - Km209+00... vào các khu du lịch (Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang và Khu du lịch sinh thái thuộc huyện Lâm Bình). Việc phát triển hệ thống hạ tầng du lịch đã tạo thuận lợi cho loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh. Ngoài ra còn nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới. Các tuyến du lịch có kết nối với các điểm du lịch nông thôn đã được các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch xây dựng, hình thành các tuyến du lịch trong các tour đón khách như: Tuyến Tân Trào - rừng đặc dụng Cham Chu - trải nghiệm vườn cam Hàm Yên; Thành phố Tuyên Quang - Lâm Bình (trải nghiệm du lịch cộng đồng Homestay; tham quan tuyến du lịch sinh thái lòng hồ Na Hang - Lâm Bình)...
              Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn gặp nhiều khó khăn như: việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch ở nông thôn còn hạn chế. Các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, cơ sở lưu trú, mua sắm du lịch ở khu vực nông thôn còn ít; chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí cho khách du lịch; hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thiếu đồng bộ; nguồn kinh phí dành cho hoạt động du lịch chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư phát triển; hệ thống công trình vệ sinh tại các khu, điểm du lịch có nơi còn thiếu đồng bộ và chưa đạt tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch. Sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch khu vực nông thôn chưa thường xuyên, hiệu quả. Nguồn nhân lực ở địa phương chủ yếu là người lao động nông nghiệp thuần túy, khi phục vụ các đoàn khách du lịch (đặc biệt khách nước ngoài) chưa đáp ứng yêu cầu trong việc giao tiếp, quảng bá, giới thiệu về điểm tham quan du lịch. Kỹ năng, nghiệp vụ và khả năng tiếp nhận, bồi dưỡng, đào tạo người hướng dẫn du lịch trực tiếp tại các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là 01 trong 03 khâu đột phá để đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng được tỉnh Tuyên Quang vận dụng sáng tạo, cụ thể vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tạo ra sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh mang tính nền tảng để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành mục tiêu trong thời gian tới, đồng thời để du lịch nông thôn phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số giai pháp sau:
             Một là, ưu tiên phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn để phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, nổi trội như: Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình gắn với du lịch cộng đồng; điểm du lịch cộng đồng thôn Bản Ba, xã Trung Hà và thôn An Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa gắn với việc tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Dao kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm hát Then, đàn tính - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
             Hai là, nâng cao chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho người nông dân tham gia làm du lịch; cung cấp các kiến thức trong văn hóa giao tiếp ứng xử, kỹ năng phục vụ khách du lịch, kiến thức về phát triển sản phẩm du lịch, kiến thức về an toàn thực phẩm…
             Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức xây dựng môi trường du lịch trong việc bảo tồn, phát huy và gìn giữ bẳn sắc văn hóa dân tộc theo phong tục tập quán của các địa phương.
             Bốn là, phát triển các làng nghề sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng, sản xuất, chế tạo các sản phẩm, quà tặng, hàng lưu niệm du lịch, ẩm thực truyền thống mang thương hiệu Tuyên Quang. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống gắn với các trang trại nông nghiệp hàng hóa phục vụ du lịch; tích cực hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp và các hộ sản xuất hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
             Năm là, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân, các doanh nghiệp lữ hành với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao./.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8070618

Đang Online : 9064