Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 2 năm 2022

Ngày Đăng:8/8/2022 2:11:00 PM Lượt xem: 522

Ý NGHĨA TÁC PHẨM “NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN”
ĐỐI VỚI RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

 
Thạc sĩ Lưu Thị Thu Hà
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 
             Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và công bố trong dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Đây là một bài viết ngắn gọn, xúc tích chỉ với chưa đầy 700 từ (684 từ), tuy nhiên, lại chứa đựng những tư tưởng lớn, đề cập tới vấn đề quan trọng đối với người cách mạng và đảng cách mạng, nhất là khi đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Đó là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.
            Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra đời vào lúc nhân dân ta đang kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khôi phục kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất, chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là sự hoàn chỉnh tư tưởng đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, chủ yếu hướng vào cán bộ, đảng viên đối tượng mà Người rất quan tâm và lo lắng. Có thể xem đây là lời di huấn của một chiến sĩ cộng sản, một lãnh tụ kính yêu của Đảng đến những đồng chí thuộc các thế hệ kế tiếp nhau, vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng.
            1. Vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
            Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình và thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Về ưu điểm, Người nhấn mạnh trong Đảng ta đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên “đã vì Đảng, vì dân mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[1]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ thanh niên và công tác giáo dục đạo đức cho đoàn viên, thanh niên. Người nêu rõ yêu cầu về mặt đạo đức, đề ra những phẩm chất đạo đức cơ bản cũng như phương pháp giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ. Người chỉ rõ: “Đảng ta đào tạo ra một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dung cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”[2].
            Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn thấy những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên:“Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy còn một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức và phẩm chất còn thấp kém”[3]; làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm sút nềm tin của nhân dân đối với Đảng. Người chỉ ra khuyết điểm nặng nhất là họ “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”[4]; đồng thời chỉ rõ:“Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác và chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng, xuống dốc thì đễ dàng hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”[5]. Người cũng chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa cá nhân việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
           Để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là trách nhiệm của Đảng và kiên quyết yêu cầu: Đảng phải tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó bản thân họ phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tinh thần tập thể, tổ chức kỷ luật, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
            2. Xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh 
            Vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết và thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Nên người cách mạng phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải coi đó là việc làm thường xuyên, giống như rửa mặt sạch sẽ hàng ngày. Bên cạnh đó, việc không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên, cũng giống như việc tạo ra những kháng thể tốt, ngăn chặn, miễn nhiễm, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn quyết liệt chống phá của các thế lực phản động, thù địch đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
            Mỗi cán bộ, đảng viên cần có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức hằng ngày và quan trọng hơn là hằng ngày phải “thực hành đạo đức cách mạng”. Đảng yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để cho cán bộ, đảng viên tự soi mình, sửa mình, tự rèn luyện những phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ để được nhân dân tin yêu, quý mến. Cán bộ, đảng viên không phải chỉ đi tuyên truyền “suông” mà cần thật sự đi đầu, tạo sức lan tỏa trong nhân dân về việc nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
            Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trước thực trạng đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên và những vấn đề đặt ra thì thời gian tới cần tiếp tục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó. Tiếp tục chú trọng việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vô cùng cần thiết, là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tự giác liên hệ, kiểm điểm, sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
            Hơn nửa thế kỷ từ khi tác phẩm ra đời đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên. Tác phẩm là lời căn dặn mà Người để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, quyết tâm phòng, chống và đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc phải làm thường xuyên, liên tục nhất là việc rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi trong  hoạt động thực tiễn, trong các mối quan hệ với tổ chức và cá nhân; và phải được giám sát bởi cấp ủy, bởi nhân dân trên tinh thần dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
              Quán triệt sâu sắc tác phẩm này vào đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) và kỷ niệm 53 năm Ngày ra đời tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Thời gian qua, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta quan tâm đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ các giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận, trách nhiệm của bản thân, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài. Tác phẩm thực sự là kim chỉ nam về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay có nhận thức sâu sắc về lý luận, sinh động trong thực tiễn cách mạng nước ta, để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.
   
 
-Tham khảo:  Về tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhà xuất bản chính trị quốc gia.
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.11, tr.602.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.546.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011; t.15, tr.547.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8069971

Đang Online : 8415