Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 9:23:00 AM Lượt xem: 326

THẦY GIÁO TÔI, CÂY CỔ THỤ NỞ HOA

Cử nhân Trịnh Thị Thứ
Giảng viên phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học
 
           Trên những rẻo cao, dã quỳ đã bắt đầu khoe sắc vàng giữa bồng bềnh sương núi. Tháng 11 tiết trời vùng cao đã vào lạnh, sớm mai tiếng trẻ thơ ríu rít những bước vui hoà cùng tiếng suối, tiếng chim tới trường trên con đường uốn lượn theo chân núi. Nhìn nụ cười trong trẻo của mấy đứa trẻ trong làng tôi lại rưng rức nhớ tuổi thơ. Có câu nói Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống và càng trưởng thành chúng ta càng thấm thía. Tôi tự hào mình là người con của núi, trong những chặng đường theo đuổi ước mơ được đến trường dù còn nhiều khó khăn đã có lúc nghĩ đến việc từ bỏ bởi chứng kiến sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ nhưng thật may mắn tôi đã gặp được một người Thầy, người đã tiếp lửa, truyền cho tôi hi vọng để cố gắng để ngày hôm nay tôi đã thực hiện được ước mơ của riêng mình.
            Trong những câu chuyện về kí ức khi nhắc đến quãng thời gian của tuổi học trò kỷ niệm đầu tiên mà tôi luôn muốn gợi nhớ đó là về mái trường Tiểu học Khuôn Hà, huyện Lâm Bình, về bạn bè, về thầy cô và đặc biệt là Thầy chủ nhiệm năm lớp 4 của tôi.
           Tôi là thế hệ của đời đầu 9x, thế hệ đã có nhiều sự phát triển và thay đổi về mọi mặt nhưng có lẽ với những học trò vùng cao như chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những năm đầu tiểu học chúng tôi phải học bằng đèn dầu, nhà nào khá giả hơn chút thì có máy phát điện chạy bằng nước. Những ánh đèn dầu leo lắt đó đã nuôi dưỡng biết bao ước mơ của lớp lớp thế hệ học trò. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của bảng đen, phấn trắng với những chiều cuối tuần ríu rít rủ nhau mang rau lang, bắp bi chuối và những quả pin đã hỏng để đánh bảng. Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của những ngôi trường nền đất, vách nứa, mái cọ mùa hè thì nóng, mùa đông gió lùa. Mỗi mùa tựu trường chuẩn bị năm học mới chúng tôi lại cùng cha mẹ chặt tre, nứa để kiên cố lại lớp học, đó có lẽ là kí ức đẹp đẽ nhất mà chúng tôi có được.
            Các thầy cô giáo trường tôi chủ yếu là các thầy cô ở các xã lân cận, sáng lên lớp chiều lại tất bật với ruộng nương vì thời chúng tôi không có học thêm, chỉ học buổi sáng. Thầy Từ Khắc Sáu là thầy giáo miền xuôi đầu tiên của trường tôi, Thầy chuyển từ một trường ở thị trấn lên trường tôi và cũng đã có nhiều năm trong công tác giảng dạy. Khi đến nhận công tác, Thầy được Ban Giám hiệu giao chủ nhiệm lớp tôi. Lúc đó chúng tôi rất dụt dè vì từ trước tới giờ chúng tôi đã quen với các thầy cô là người dân tộc Tày, đến lớp chúng tôi cũng nói tiếng Tày với các thầy cô nhưng từ khi Thầy chủ nhiệm Thầy yêu cầu lớp phải nói tiếng phổ thông, dần chúng tôi cũng quen và trau dồi được nhiều vốn từ hơn từ Thầy. Chúng tôi cũng rất vui vì biết được nhiều điều thú vị, mới mẻ từ Thầy với chúng tôi Thầy như một làn gió mới mang theo những hương thơm diệu kì đánh thức niềm tin của lũ học trò nghèo chúng tôi.
            Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta ai cũng có những điều để trân quý, để giữ gìn, để biết ơn. Ví như ta trân quý vì có một gia đình, biết ơn vì có bố mẹ yêu thương đó là những tình cảm thiêng liêng muôn đời. Nhưng cuộc sống này, trên nấc thang trưởng thành ta trải qua vô vàn khoảnh khắc, gặp rất nhiều người, sống ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong những trải nghiệm ấy sẽ có những người có thể rồi ta sẽ lãng quên, có những người trở thành tri kỉ, có những người như ruột thịt một nhà, có những người khiến ta vấp ngã, có những người lại cho ta động lực… Và Thầy tôi chính là người đã truyền động lực để cho tôi cố gắng.
             Tôi là một cô học trò rất hay ốm, năm học nào tôi cũng phải nằm viện 5 -7 lần vì bị viêm phổi mãn tính trong khi đó gia đình rất khó khăn vì bố tôi mất sớm,  một mình mẹ phải vất vả nuôi 4 chị em ăn học. Năm tôi học lớp 4, chị tôi học lớp 8 vì mẹ quá vất vả nên chị phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp mẹ nuôi các em. Lúc đó tôi rất buồn và có ý định nghỉ học để mẹ bớt gánh nặng. Biết hoàn cảnh gia đình của tôi, Thầy đến nhà để động viên, tôi nhớ mãi Thầy bảo với tôi rằng: “em muốn mẹ bớt khổ phải cố gắng học thật giỏi, sau này em sẽ có cơ hội để báo đáp mẹ.”
               Thầy vừa ân cần, quan tâm học trò nhưng cũng rất nghiêm khắc trong giáo dục học trò, nhờ có Thầy mà tôi đã thay đổi rất nhiều. Từ một cô học trò năm nào cũng chỉ xếp loại cuối lớp với học lực trung bình, lên lớp 4 Thầy chủ nhiệm với phương pháp và định hướng của Thầy lần đầu tiên tôi được tuyên dương, khen thưởng trước toàn trường. Đó là niềm vui, niềm tự hào và động lực cho tôi thay đổi bản thân để vươn tới chân trời tri thức mới. Con người ai cũng có những điểm mạnh, điểm yếu tiềm ẩn, sẽ thật may mắn khi ai đó thấy điều đó từ chúng ta và đánh thức điểm mạnh để chúng ta phát huy và đạt được những thành công.
                Ngày 20/11 cận kề, không khí rạo rực đang len lỏi khắp các nẻo đường của Tổ quốc, tôi lại nhớ về khoảng sân nhỏ với những lớp học lợp mái cọ xanh rêu mơ màng dưới những hàng phi lao khẳng khiu và người thầy miền xuôi Từ Khắc Sáu. Nhớ những buổi học bị Thầy phạt phải đứng một chân giữa sân trường hanh hao nắng vì không thuộc bảng cửu chương, nhớ những buổi trưa bụng đói meo nhưng vẫn phải ở lại lớp vì không làm bài tập về nhà, nhớ những cái gõ đầu của Thầy vì những cô cậu học trò ngây ngô học mãi không hiểu. Cái thời ấy, dù bị phạt liên tục có những lúc chúng tôi rất buồn nhưng sau mỗi lần bị Thầy phạt chúng tôi thấy bản thân mình tiến bộ hơn. Cái thời vô lo, vô nghĩ ấy chúng tôi cũng chưa thật sự cố gắng và có mục tiêu của riêng mình để thực hiện ước mơ nhưng chính những bài giảng của Thầy đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, để chúng tôi biết con đường tri thức là một trong những con đường mở ra nhiều lối đi nhất.
                Thầy cô giáo vùng cao, những người âm thầm thắp lửa, luyện chữ, rèn người hạnh phúc nhất những ngày tri ân là học trò có đủ áo ấm mặc đến trường, bụng không đói và không có trò nào nghỉ học vì gia đình khó khăn. Những món quà nhỏ ngày tri ân của học trò vùng cao đâu có vật chất gì nhiều chỉ vỏn vẹn là mấy bát gạo, bắp ngô, bó cải nương hay chỉ là những bông hoa dại nhưng đó là tất cả những yêu thương mà học trò nghèo dành cho thầy cô.
              Thời gian trôi qua, học trò đã trưởng thành còn Thầy của chúng tôi vẫn thầm lặng cống hiến tri thức cho nghề giáo. Mỗi khi trở về quê, nhìn ngôi trường được xây dựng khang trang tôi lại nhớ đến năm tháng khó khăn, vất vả mà thầy và trò đã cùng vượt qua. Thầy giáo tôi giống như một cây cổ thụ rộng tán, nở hoa để gieo thêm những niềm tin, hi vọng cho lớp lớp thế hệ học trò. Là bóng mát cho chúng tôi nương mình mỗi khi cuộc đời mệt mỏi, vấp ngã.
                Alexander The Great từng nói: “tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống, nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp” cảm ơn những vất vả của tuổi thơ, cảm ơn những cái gõ đầu của Thầy đã cho tôi cơ hội để chinh phục ước mơ của cuộc đời. Trong sâu thẳm kí ức của mỗi người đều có những kỷ niệm đẹp về năm tháng học trò, hãy giữ những khoảnh khắc tuyệt vời đó để những khi ngoảnh lại ta lại thấy thật trân trọng năm tháng cũ và sống ý nghĩa hơn./.
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8581008

Đang Online : 553