Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 9:49:00 AM Lượt xem: 443

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 92 NĂM CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930-15/10/2022) TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
 
Thạc sỹ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
         Tại hội nghị thành lập Đảng (2/1930), đã xác định đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ rõ nội dung, nhiệm vụ cách mạng và định hướng công tác vận động quần chúng nhằm vào mục tiêu chung của dân tộc. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (từ ngày 14 -31/10/1930), tại Hồng Kông đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế… làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà giành được độc lập, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới, đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
         “Dân vận” hay công tác dân vận là từ viết gọn của công tác vận động nhân dân tham gia cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[1]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận là vận động nhân dân làm cách mạng. Toàn Đảng phải làm công tác dân vận, phụ trách công tác dân vận và chịu trách nhiệm cao nhất đối với công tác này bởi Đảng có trọng trách lãnh đạo và cầm quyền. Như vậy, công tác dân vận không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, cán bộ, đảng viên hay tổ chức nào mà mọi cấp chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, viên chức, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đều phải có trách nhiệm và phải thường xuyên làm công tác dân vận.
          Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận", theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là ngày "Dân vận" của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận. Nhìn lại chặng đường 92 năm thực hiện công tác dân vận của Đảng, từ năm 1930 cũng là sự đồng hành cùng bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, công tác dân vận của Đảng luôn được xác định rõ ràng như trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), qua đó phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh và động lực to lớn ghi dấu những chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp kháng chiến, giải phóng dân tộc.
Bước vào thời kỳ mới, công tác dân vận của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến năm 2020) đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc vào cuộc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao ý thức trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trước nhân dân đối với công tác dân vận. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức vận động, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, nhiều nghị quyết, chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, các giới, các giai tầng xã hội như: Công đoàn, công nhân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn; người Việt Nam ở nước ngoài; công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các vùng, miền…được ban hành đồng bộ, là nền tảng để công tác dân vận ngày càng phát huy vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc. Như vậy, có thể thấy, công tác dân vận đã góp phần rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước qua 35 năm đổi mới, cũng như có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
          Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì viêc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công[2], các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) về công tác dân vận; Nghị quyết số 25-NQ/TW về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2022 gắn với nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình, đề án; các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
            Phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận tại tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả to lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong những năm qua, như: việc thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, tham gia giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án tính đến ngày 15/6/2022 đã có 1.160 lượt chi bộ, đảng bộ với 59.063 lượt cán bộ, đảng viên và 145.065 lượt Nhân dân tham gia, giúp 196 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới. Tặng các phần quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên 1,29 tỉ đồng.[3]; Măt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã vận động nhân dân tham gia ủng hộ nguồn lực phòng chống dịch Covid -19 với số tiền trên 1,646 tỉ đồng tiền mặt, hiện vật quy ra tiền trên 8,6 tỉ đồng. Ủng hộ quỹ vắcxin; thăm, hỗ trợ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, khu cách ly tâp trung, động viên các y, bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch với số tiền trên 3,5 tỉ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì thực hiện nhóm “Phụ nữ Tuyên Quang giúp nhau viên gạch hồng và phát triển kinh tế” qua đó đã vận động ủng hộ được 26.500 viên gạch, hỗ trợ xây dựng 92 công trình vệ sinh trị giá 86,67 triệu đồng cho 92 hội viên phụ nữ nghèo; hỗ trợ làm 01 công trình vệ sinh tại nhà văn hóa thôn trị giá 2 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 37 mô hình phát triển kinh tế trị giá 343,6 triệu đồng.
           Thực hiện Đề án số 02 - ĐA/TU (23/5/2021) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, được các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc. Tính đến nay đã có 247 chi bộ, đảng bộ các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện được phân công phụ trách 122 xã; có 1.287 lượt chi bộ, đảng bộ được phân công phụ trách xã tham gia hoạt động với nhân dân, với 64.148 lượt cán bộ, đảng viên và 154.602 lượt người dân hưởng ứng tham gia hoạt động tại 888 lượt xã và 1.958 lượt thôn, bản[4]… việc thực hiện Đề án bước đầu đã tạo được sự chuyển biến trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
            Đặc biệt, trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” - đây là nội dung quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, gắn thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Trọng tâm là vận động nhân dân hưởng ứng, đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm; các nghị quyết, đề án, chương trình của tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để đưa vào cuộc sống; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bầu cử; thực hiện các giải pháp phòng, chống, dịch Covid-19; thực hiện chủ trương vận động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham gia các hoạt động với nhân dân tại cơ sở… đã có 38 tập thể và 44 cá nhân được Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh tặng giấy khen vì đã có thành tích trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2020-2022. Có thể thấy, những kết quả thực hiện công tác dân vận góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
            Năm 2022 đang diễn ra với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, cũng là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cần phải nhận thức và học tập tư tưởng, đạo đức phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn xuất phát từ thực tiễn, tiếp tục đổi mới công tác dân vận, gắn bó với nhân dân, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, thực lòng quan tâm tới đời sống nhân dân, gắn việc làm tốt công tác dân vận cùng với trách nhiệm nêu gương từ đó nỗ lực rèn luyện để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước./.
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2022) và 23 năm ngày Dân vận của cả nước (15/10/1999-15/10/2022)
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, HN.2011, t.6, tr. 232
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2011, tập 5
[3] Ban dân vận Tuyên Quang: Báo cáo số 219-BC/BDVTU ngày 21/6/2022: Báo cáo kết quả công tác dân vận 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022
[4] Ban Dân vận: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060110

Đang Online : 679