Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 10:00:00 AM Lượt xem: 243

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀM YÊN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
 
Ths, GVC Bùi Hữu Thêm
Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
            Hàm Yên là một huyện miền núi, dân số chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm và tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng: Tính đến hết tháng 12/2021 toàn huyện có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã: 15,0 tiêu chí/xã. Bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt; kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 còn bộc lộ những hạn chế như: Kết quả thực hiện chưa đồng đều giữa các xã; chất lượng một số tiêu chí chưa thật sự bền vững; sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao… Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu “phát triển Hàm Yên toàn diện, bền vững, đạt chuẩn huyện nông thôn mới”, cụ thể là “17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”. Đồng thời thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Tuyên Quang tại Kết luận số 170-KL/TU, ngày 17/3/2021, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang (Kỳ họp thứ 7, nhiệm kỳ 2020-2025) giao huyện Hàm Yên đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.
            Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ huyện Hàm Yên trong xây dựng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu huyện Hàm Yên đến năm 2025 về đích huyện nông thôn mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
           Một là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới
           Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện là một nội dung quan trọng, cần thiết trong công tác xây dựng Đảng góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới.
              Trong thời gian tới nội dung công tác lãnh đạo của Đảng bộ huyện trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào các nội dung sau: Công tác rà soát, đánh giá thực trạng trên cơ sở đó xác định việc duy trì, nâng cấp các tiêu chí tại các xã đã đạt NTM trước đây, đồng thời đặt ra mục tiêu cho 09 xã chưa đạt nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới tại Quyết định số 318, ngày 8/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm hoàn thành vào năm 2025. Xác định các giải pháp để giải quyết những tiêu chí khó như y tế, hộ nghèo, thu nhập, bảo vệ môi trường… Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các vấn đề trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện: nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất; vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường; việc xây dựng hệ thống chính trị đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội nông thôn. Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện. Lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo kiểm tra, giám sát đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
              Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện theo hướng: Đổi mới và nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, kế hoạch, chương trình về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng quy chế phối hợp và phân rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt việc chỉ đạo công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo; trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt có cách thức để phát huy vai trò của người dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân dám sát và dân thụ hưởng”.
             Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới
            Huyện ủy cần chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, các cơ quan, ban, ngành của huyện, đảng ủy các xã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào việc nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; để mỗi người dân đồng thuận, tự giác, tích cực tham gia và thụ hưởng kết quả xây dựng nông thôn mới.
           Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền: thông qua hội nghị, các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thi, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội,…; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, trong đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt.
            Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01-CT/HU ngày 18/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Hàm Yên về tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở cơ sở. Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của các bộ đảng viên, chú trọng xây dựng, vinh danh, lan tỏa các mô hình, gương cá nhân điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới.
           Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
           Thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ, lựa chọn những cán bộ có năng lực, uy tín để giao nhiệm vụ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động để kịp thời thay thế những cán bộ năng lực, uy tín hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chú trọng rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, cử cán bộ có năng lực đi tập huấn, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu; lấy kết quả xây dựng nông thôn mới là tiêu chí quan trọng nhất trong đánh giá, xếp loại, khen thưởng tập thể, cá nhân và quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
          Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới
          Huyện ủy cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của cấp ủy là hạt nhân chính trị ở cơ sở, trung tâm tập hợp, đoàn kết sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong huyện điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nông thôn mới; cải tiến phương pháp, lề lối, tác phong làm việc của các phòng, ban và đội ngũ công chức, viên chức, không để xảy ra trì trệ, chậm trễ, thụ động. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới; mỗi tổ chức đảm nhiệm từng phần việc cụ thể bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân; tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội.
          Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm của người dân, vừa là người thực hiện vừa là người được hưởng lợi. Phát huy dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến là người dân trong thực hiện phát triển kinh tế, hiến đất, ngày công, tài sản… để xây dựng nông thôn mới. Huy động và phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới
           Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quá trình lãnh đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới.
           Huyện ủy cần tập trung lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy xã về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt kiểm tra, giám sát các các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên trong thực hiện nội dung về nông thôn mới. Tăng cường giám sát chuyên đề về xây dựng nông thôn mới tập trung vào việc huy động các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, tiến độ thực hiện các tiêu chí đối với các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới. Tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
           Lãnh đạo UBND từ huyện đến cơ sở thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo các nội dung xây dựng nông thôn mới được thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo kế hoạch. Lãnh đạo phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đảm bảo công khai, minh bạch góp phần tạo uy tín cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
          Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Huyện ủy, cấp ủy các xã giữ vai trò trung tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động góp phần hoàn thành mục tiêu Hàm Yên về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8061863

Đang Online : 300