Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 10:48:00 AM Lượt xem: 479

ĐƯA NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY TRONG VĂN KIỆN
 ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
 
  Th.s, GVC, Hoàng Bằng Giang
 Quyền Trưởng khoa Lý luận cơ sở
 
          Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong tám đặc trưng của xã hội chủ nghĩa, đó là: “ Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo” (1), sau đó được cụ thể hóa thành: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật” (2). Những nội dung trên có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển đất nước. Đồng thời Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng, Nhà nước cũng khẳng định: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và năng lực kiến tạo phát triển. Thực hiện tốt chức năng nhà nước, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Nhà nước điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết khác trên cơ sở các quy luật của thị trường. Chú trọng phát triển xã hội, quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia…
         Sau 35 năm đổi mới đất nước, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011), việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có bước phát triển mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kì Đại hội XII của Đảng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giảm biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá. Tổ chức bộ máy của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan bổ trợ tư pháp tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
         Song, vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội;  giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
         Từ thực trạng về những hạn chế trên, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần được bổ sung những điểm mới sau:
         Một là, về chủ trương, Văn kiện của Đảng khóa XIII nhấn mạnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động “Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững” (3). Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định.       
          Hai là, về Quốc hội, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
         Ba là, về Chính phủ, Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ, ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy  hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là: “Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết trên cơ sở các quy luật thị trường, không can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường” (4) và “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ với các bộ, ngành với chính quyền địa phương,…bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất” (5). Đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công.
         Bốn là, về tư pháp, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự  Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là Văn kiện đã bổ sung thêm nội dung: “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năn 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp” (6). Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định. Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
         Năm là, về chính quyền địa phương, so với Văn kiện Đại hội XII thì Văn kiện Đại hội XIII bổ sung, làm rõ hơn nội dung: tiếp tục hoàn tiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành mô hình chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động  hiệu lực, hiệu quả. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước theo hướng phân định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương. Gắn kết và tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp.
         Sáu là, về xây dựng đội ngũ cán, công chức, so với Đại hội XII thì Đại hôi XIII đã bổ sung: tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước, có cơ chế tuyển chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với cái khó, dám chiụ trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường kỉ luật, kỉ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển. Đưa ra yêu cầu, cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với nhân dân.
         Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.
         Có thể nói rằng, so với Đại hội XI và XII thì Đại hội XIII của Đảng  đã có bước phát triển đột phá, nhảy vọt về chất trong tư duy lý luận về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - ngày càng tiến đến hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới Việt Nam. Những quan điểm trên là thể hiện tư duy lý luận hoàn chỉnh về mô hình Nhà nước phù hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn ở Việt Nam chúng ta - đó là những điểm hoàn toàn mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nói chung, giảng dạy bài “Giai cấp - Nhà nước - Cách mạng xã hội” thuộc “Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin” và phần  “ Nội dung cơ bản về nhà nước và pháp luật Việt Nam” trong chương trình trung cấp lý luận chính trị, cần quán triệt sâu sắc và nắm vững 06 điểm mới  được phân tích ở trên về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, kịp thời cập nhật những điểm mới này trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng để vận dụng, liên hệ, đưa vào các bài giảng dạy một cách phù hợp, nhằm đảm bảo thông tin, tri thức mới, thể rõ tính đảng, tính giai cấp, tính chiến đấu trong bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương, cương lĩnh của Đảng, củng cố lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin tuyệt đối vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho cán bộ, đảng viên, học viên và nhân dân, đáp ứng tốt việc nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay./.
 
(1), (2) -Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội dại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t1, tr, 70, 80.
(3) -Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội dại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t1, tr, 175.
(4) -Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội dại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t1, tr, 285.
(5), (6) -Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội dại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t1, tr, 177.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060895

Đang Online : 1465