Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 10:55:00 AM Lượt xem: 361

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ MÔ HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT CỦA NƯỚC TA 
TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
 
 
Thạc sĩ Trần Phương Linh 
Giảng viên Lý luận cơ sở
 
          Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, bằng nhận thức lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành nhận thức tổng quát: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới"[1].
           Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
         Trong đó, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thời kỳ quá độ. Lý luận và thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Đây là khái niệm gồm hai phần rõ rệt, một là kinh tế thị trường, hai là tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường tạo cơ sở vật chất cho sự định hướng xã hội chủ nghĩa; ngược lại, định hướng xã hội chủ nghĩa giữ vai trò định hướng cho nền kinh tế thị trường.
          Nội hàm của khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện mục tiêu mà Đảng ta hướng tới, đó là: nền sản xuất phát triển, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng, vì nghèo không phải là chủ nghĩa xã hội; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là điều tiết định hướng nền kinh tế. Để làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ một số vấn đề cụ thể sau:
         Thứ nhất, mục tiêu cơ bản nhất của kinh tế thị trường ở nước ta là làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nghĩa là, kinh tế phải gắn với xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Trong phát triển kinh tế phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
            Thứ hai, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội.
          Thứ ba, xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.
           Những thành tựu to lớn về kinh tế mà Việt Nam đạt được sau 35 năm đổi mới đã chứng minh tính hợp lý và đúng đắn của sự lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới[2]. “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập[3]. Đường lối đổi mới kinh tế phù hợp với yêu cầu khách quan đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất xã hội, thúc đẩy nền kinh tế của nước ta tăng trưởng vượt bậc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
          Để tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tập trung vào những nội dung sau:
          Một là, tập trung rà soát, sửa đổi những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa hợp lý trong hệ thống luật pháp, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, gây phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tạo nên những rào cản cản trở sự phát triển đất nước. Đồng thời, bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, công khai, minh bạch, thông thoáng để thu hút đầu tư, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
          Hai là, hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ các nguồn lực, về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để việc phân bổ các nguồn lực của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, có sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
          Ba là, Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
          Bốn là, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát huy đầy đủ vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực sản xuất, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp và thanh lọc doanh nghiệp yếu kém. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển.
          Năm là, hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
 
         Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 5/2021.
  
 
[1] Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 5/2021
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 59-60. 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 132.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060653

Đang Online : 1223