Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 11:13:00 AM Lượt xem: 265

SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC -VẤN ĐỀ KHÔNG CỦA RIÊNG AI
 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

          Đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng-đó là một nội dung quan trọng, là một trong những vấn đề quan tâm hằng đầu trong sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người coi đạo đức cách mạng là gốc, nền tảng, là sức mạnh của người cách mạng. Đạo đức cách mạng chính là một trong những yêu cầu rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên bởi đạo đức cách mạng sẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và luôn luôn xác định rõ mục tiêu phấn đấu đó là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc[1].

          Sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ đảng viên đang là một thách thức lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hiện nay, sự suy thoái về đạo đức biểu hiện ở những mức độ và tính chất khác nhau, từ những đảng viên thường đến những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cấp cao. Suy thoái đạo đức ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Đảng, tới niềm tin của nhân dân. Người cán bộ thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng dễ dàng đi “xuống dốc không phanh”, dễ nẩy sinh những tiêu cực, tha hóa; đồng thời cũng sẽ trở thành “công cụ đắc lực” để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ và hạ bệ uy tín của Đảng trước nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng từ đó dễ dàng chia rẽ khối đoàn kết thống nhất để thực hiện những âm mưu thấp hèn.
          Chưa khi nào và có lẽ chưa bao giờ vấn đề đạo đức được đề cập và bàn luận sâu sắc trên nhiều góc cạnh như hiện nay. Một vấn đề mang tính thời sự và rất “nóng”, thuộc về trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (ngày 16/1), Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII (ngày 30/10) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ  đã thẳng thắn nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Năm 2021, tại Nghị quyết HNTW 4 khóa XIII, cụ thể Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ..các nghị quyết đã cho thấy Đảng ta đã nghiêm khắc nhìn nhận, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó nêu cao quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
          Để ngăn chặn sự suy thoái ấy theo quan điểm của tác giả cần thực hiện một số giải pháp như sau:
          Một là, đối với “tự mình”
          Tiền nhân xưa đã dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi phán xét mọi chuyện hay đổ lỗi cho ai đó thì cần phải xem xét mọi nguyên nhân, trong đó trước hết là tự bản thân mình nhận ra khuyết điểm của mình trước, từ đó mới có thể tự mình rèn luyện, tự mình sửa mình.  Yêu cầu đối với “tự mình” thuộc về bản lĩnh, ý thức, là yêu cầu, mệnh lệnh, là những chỉ dẫn bản thân mỗi người cần phải thực hiện được. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã đặt lên hàng đầu 23 tiêu chí về tư cách một người cách mệnh, trong đó có yêu cầu đối với “tự mình” với những điểm: “Cần kiệm, Cả quyết sửa lỗi mình, Không hiếu danh, Không kiêu ngạo, Nói thì phải làm, Hy sinh, Ít lòng tham muốn về vật chất”. Chính vì thế mà việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, thực hiện yêu cầu đối với tự mình có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người. Càng được tín nhiệm với chức vụ và vị trí càng cao thì việc rèn luyện “tự mình” càng cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bởi nếu chỉ lơ là một chút thôi thì sẽ để chủ nghĩa cá nhân nhanh chóng “ngóc đầu dậy” từ đó sẽ căn nguyên của việc sinh ra nhiều chứng bệnh nguy hại khác như: tham ô, hủ hóa, quan liêu… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ đi lên.
          Làm tốt “tự mình” đối với mỗi người không chỉ là rèn luyện bản lĩnh chính trị mà còn cần phải thực hiện việc “tự soi, tự sửa”. Hai từ “tự” thể hiện trong nội dung “soi và sửa” có nghĩa là việc làm này là của bản thân mỗi người, không ai có thể làm thay được. “Tự soi, tự sửa” là mỗi người tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy,, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác, thật thà, trung thực, nhất là khi tự soi những hạn chế, yếu kém của bản thân. Việc nhận ra khuyết điểm của bản thân luôn khó hơn nhiều so với việc phê bình người khác và để tự sửa lại càng khó hơn. Nhưng nếu bản thân mỗi người làm tốt “tự mình” được xuất phát từ tấm lòng và một tình cảm cách mạng luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của đồng bào lên trên hết thì việc to cũng hóa nhỏ, việc khó cũng hóa dễ.
          Đại hội XIII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII nhấn mạnh yêu cầu: “Chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu”.  Thiết nghĩ, làm tốt được yêu cầu đối với “tự mình”, thực hiện việc “tự soi, tự sửa”, nêu gương… là giải pháp rất quan trọng hàng đầu, quyết định để ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Bản thân mỗi người phải tự nghiêm túc với chính mình, tự mình soi xét, phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục nếu “tự soi” có biểu hiện về sự suy thoái dù còn là ít nghiêm trọng.
Hai là: tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức trong tổ chức Đảng, với mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các giá trị chuẩn mực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
          Tổ chức Đảng, đảng viên cần phải nhận thức đúng đắn vấn đề cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đó là “Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng”[2]. Đồng thời, “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ”.
           Phẩm chất đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng quan trọng để Đảng ta xây dựng những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nếu không có những tiêu chí mới, phẩm chất mới đưa vào trở thành quy định đối với cán bộ thì không thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ chủ trương: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Kết luận số 21 cũng nêu quan điểm “nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Điều này không chỉ thể hiện sự kế thừa có chọn lọc các giá trị đạo đức cách mạng mà còn là sự tiếp nối phù hợp với sự phát triển mới, là một yêu cầu thiết thực để góp phần ngăn chặn sự suy thoái.
          Sự suy thoái về đạo đức đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp tới văn hóa ứng xử của mỗi người trong xã hội. Do vậy, nhận diện suy thoái đạo đức, tìm cách ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức là trách nhiệm, là yêu cầu đặt ra không của riêng ai, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Đảng là đạo đức, là văn minh./.
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 11, tr.603
[2] Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060511

Đang Online : 1080