Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 11:16:00 AM Lượt xem: 460

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỐI VỚI VIỆC TUYÊN TRUYỀN,
THỰC HIỆN VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC
Ở TỈNH TUYÊN QUANG
 
Ths, GVC Bùi Trung Dũng
Khoa Xây dựng Đảng
 
          Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, người có uy tín có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Nói một cách hình tượng, người có uy tín chính là lực lượng quần chúng đặc biệt, là nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng với lòng dân và là trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư.
          Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, diện tích đất tự nhiên 5.868 km2. Tỉnh có 07 đơn vị hành chính cấp huyện, với 138 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh là 784.811 người, trong đó đồng bào DTTS có 445.488 người, chiếm 56,76% tổng dân số toàn tỉnh, với 46 thành phần DTTS. Giai đoạn 2018-2021, tỉnh Tuyên Quang có 4.727 lượt người có uy tín, trong đó, giới tính Nữ là 476 người; dân tộc Kinh là 165 người. Đồng thời, hàng năm thực hiện rà soát, công nhận bổ sung và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín theo quy định. Về tiêu chí, đối tượng, điều kiện, quy trình lựa chọn người có uy tín được thực hiện thống nhất từ thôn, bản, có sự tham gia cấp ủy, chính quyền, Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể của thôn và đại diện hộ gia đình trong thôn, đảm bảo dân chủ, công khai. Vì vậy, trong thời gian qua ở các địa phương không xảy ra tình trạng khiếu nại, thắc mắc về việc lựa chọn, công nhận người có uy tín.
           Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; là hạt nhân nòng cốt đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các thôn, bản, tổ nhân dân và từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào người DTTS còn là lực lượng tích cực trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chính quyền trong việc giải thích, vận động nhiều hộ dân hiến đất mở đường giao thông liên thôn, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu có tấm gương bà Giàng Thị Chía, thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn; ông Vàng Seo Kênh, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình...
Tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho gia đình và xã hội, người có uy tín trong đồng bào người DTTS luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đồng thời còn làm tốt vai trò động viên con cháu, cộng đồng tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm bán ra thị trường. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có ông Hoàng Văn Chung, dân tộc Sán Chay, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương; ông Ma Quốc Huy, dân tộc Tày, xã Công Đa, huyện Yên Sơn đã gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển trang trại chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, người có uy tín đã tích cực vận động cộng đồng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, góp phần huy động hiệu quả các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nhà văn hoá, sửa chữa trường, lớp học, các công trình kênh mương, đập thủy lợi, làm mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã và các công trình phúc lợi... Kết quả, từ năm 2011-2020 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 1.279,1 tỷ đồng, chiếm 8,68 % tổng số vốn của cả giai đoạn, để cùng với nguồn lực của Nhà nước, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đã đề ra.
          Tiêu biểu trong phong trào này có các tấm gương: Ông Hoàng Văn Thông, dân tộc Dao, trú tại thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn đã vận động gia đình hiến 190 m2 đất ruộng, 430 m2 đất vườn, 120m2 đất rừng để làm đường giao thông nông thôn; ông Vương Văn Bình, là người uy tín tiêu biểu của thôn Tân Hải, xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân trong thôn tham gia hiến đất và tài sản trên đất để thi công đường trục xã, gia đình ông đã tự nguyện hiến 50m2 đất vườn và 40 m tường rào xây để thi công đường trục xã; ông Triệu Văn Tá, dân tộc Dao, trú tại thôn Pắc Khoang, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, đã tuyên truyền vận động nhân dân trong thôn hiến 4,1 ha đất, đóng góp 120 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn, vận động người thân trong gia đình hiến 900 m2 đất làm nhà lớp học và Nhà văn hóa thôn; vận động 08 hộ gia đình trong thôn hỗ trợ đất và giải phóng mặt bằng 9,0 ha đất làm đường giao thông phục vụ du lịch sinh thái, trong đó gia đình ông tự nguyện hiến 1,2 ha đất.
          Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nội dung phong phú, toàn diện hướng vào các mục tiêu chăm lo cho cuộc sống của nhân dân. Người có uy tín trong đồng bào người DTTS đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các qui ước thôn, bản; ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại gia súc ra xa nơi ở; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
          Với sự hiểu biết về văn hóa truyền thống, nhiều người có uy tín và đồng bào DTTS tiêu biểu đã không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó có các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày; Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, các hoạt động tín ngưỡng dân gian như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao; tham gia bảo tồn các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề may mặc, nghề rèn… Tiêu biểu trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc có các cá nhân: Ông Hà Văn Thuấn, sinh năm 1942, dân tộc Tày ở thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa đã tích cực khai thác sưu tầm những bài hát Then, hát Cọi, hát Phong Slư theo lời cổ và sưu tầm dịch phổ nhạc hơn 10 bài lời cổ, sáng tác lời mới theo các làn điệu của dân tộc được trên 50 bài như hát theo làn điệu Then. Đồng thời mở lớp dạy đàn hát Then cho các cháu thanh thiếu nhi, nhằm lưu giữ lại vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc; ông Lục Văn Bảy, sinh năm 1954, dân tộc Sán Dìu ở thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương đã có thành tích trong bảo tồn làn điệu hát Soọng cô và bảo tồn các bài thuốc dân gian truyền thống.
          Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã tích cực tham gia, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức vận động con cháu trong gia đình và cộng đồng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt với vai trò và uy tín của cá nhân, những người uy tín và đồng bào DTTS tiêu biểu còn thực hiện tuyên truyền, vận động nhân tham gia hưởng ứng các cuộc vận động, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu trong cuộc vận động này có ông Ma Văn Hàn, sinh năm 1964, thôn Bản Man, xã Bình Phú huyện Chiêm Hóa; ông Sùng A Lầu, thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang.
          Với vai trò trách nhiệm của mình, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia thực hiện tích cực trong các đợt phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội tại các điểm khu dân cư. Vận động người thân, gia đình, cộng đồng ký cam kết không vi phạm pháp luật. Tiêu biểu trong phong trào này là ông Lý Văn Sự, thôn Tân An, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Tuyên truyền nhân dân không tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
           Những kết quả đạt được nêu trên đã cho thấy vai trò tích cực của người có uy tín trong việc tuyên truyền, thực hiện và bảo vệ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, họ đã góp phần hỗ trợ hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, tăng cường nội lực, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng góp phần vào thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
          Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, như việc quán triệt, triển khai, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn chưa được quan tâm; Việc phát huy vai trò của người có uy tín, người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở một số nơi còn hạn chế, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người có uy tín đôi khi còn chưa kịp thời; Điều kiện kinh tế, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn; hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hộ chưa đáp ứng được với yêu cầu; công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
          Để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp sau:
         Một là: tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để người có uy tín phát huy hết khả năng của mình trong việc tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo và cùng cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở vận động đồng bào tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.
          Hai là: người có uy tín tuy không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhưng vai trò của họ đối với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng đặc biệt quan trọng. Do đó, cần xác định phát huy vai trò người có uy tín là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp để có kế hoạch đào tạo, sử dụng dài hạn, hợp lý.
            Trong công tác nhân sự, cần quan tâm, ủng hộ xu hướng “trẻ hóa” để tận dụng thế mạnh về sức khỏe, trình độ của người có uy tín trẻ tuổi, nhằm khắc phục những hạn chế này ở người có uy tín quá cao tuổi. Sau khi phát hiện những nhân tố trẻ, tích cực, có nhiệt huyết, cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cả về năng lực, đạo đức, thậm chí hỗ trợ tạo dựng uy tín cho những người tích cực và có khả năng nhưng còn bị hạn chế một số điều kiện nhất định, nhằm chuẩn bị nguồn nhân sự người có uy tín trong tương lai. Nên khuyến khích chọn người có điều kiện kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi, thường giúp đỡ mọi người và được đồng bào tín nhiệm làm lan tỏa hiệu ứng tiên phong hướng dẫn cộng đồng phát triển sản xuất. Có như vậy thì vai trò của người có uy tín mới được mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở nhiều thôn bản trong xã chứ không bó hẹp chỉ trong cộng đồng người có uy tín đó đang sinh sống.
            Ba là: cần biên soạn bộ tài liệu, giáo trình chung phục vụ cho công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín để tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cần đảm bảo tối thiểu cho người có uy tín được trang cấp phương tiện nghe, nhìn, đọc để tiếp cận thông tin; được quan tâm động viên cả về vật chất và tinh thần./.

            Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 345/BC-UBND ngày 24/4/2021 về kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín; công tác phát huy vai trò của người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2011-2021.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060978

Đang Online : 1548