Nội san >> Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022 >> Số 3 năm 2022
Ngày Đăng:12/24/2022 11:30:00 AM Lượt xem: 561
QUAN ĐIỂM VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC - THỊ TRƯỜNG - XÃ HỘI TẠI ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Ths.Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt hướng tới một mục đích cuối cùng là làm sụp đổ chế độ XHCN, làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam, thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng ở nước ta. Để đạt được mục đích này chúng luôn rêu rao quan điểm “đã là kinh tế thị trường thì không thể hòa hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa” hay chúng cổ súy cho việc xây dựng “xã hội dân sự” ở Việt Nam...
Nhằm làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, vấn đề đầu tiên đặt ra là chúng ta phải nâng cao nhận thức về hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhất là lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, nhận thức về Nhà nước, thị trường và dân chủ xã hội có mối quan hệ mật thiết, tương tác với nhau, tạo thành mối quan hệ có tính quy luật giữa Nhà nước - thị trường - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) lần đầu tiên Đảng ta xác định: phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó đề cập đến các mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ… Tuy nhiên, phải đến Đại hội XII của Đảng mới đặt ra yêu cầu “giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường”[1]. Cùng với đó, Đảng ta đã bổ sung vào mối quan hệ “giữa Nhà nước và thị trường” tạo thành mối quan hệ thứ chín cần được nhận diện, nghiên cứu, giải quyết. Trong đó, thị trường đóng vai trò chủ yếu huy động và phân bố nguồn lực, là động lực chủ yếu giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng, hoàn thiện thể chế thị trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; nhà nước sử dụng công cụ chính sách, nguồn lực định hướng, điều tiết nền kinh tế; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển.
Tiếp tục phát triển lý luận của Đảng về mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường, tại hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã bổ sung yếu tố xã hội để hình thành mối quan hệ thứ chín với đầy đủ ba thành tố là Nhà nước - thị trường - xã hội, trong đó Đảng yêu cầu: “Xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”[2].
Từ yêu cầu trên, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển, hoàn thiện hơn về mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng của các thành tố trong mối quan hệ này. Đảng khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ”[3].
Trong đó, vai trò của Nhà nước là: “xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh”[4].
Một trong những chức năng của Nhà nước là “quản lý nền kinh tế” và để thực hiện chức năng của mình, Nhà nước cần sử dụng các công cụ “luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường”[5] .
Trong mối quan hệ này, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của thị trường trong “tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực” ở Đại hội XII. Bên cạnh đó, Đảng bổ sung, hoàn thiện vai trò của thị trường trong quyết định các vấn đề như: “xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ;… điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém”[6].
Từ yêu cầu “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” trong mối quan hệ giữa Nhà nước - thị trường- xã hội tại Đại hội XII. Đến Đại hội XIII, Đảng đã bổ sung, phát triển hoàn thiện hơn về vai trò của các tổ chức xã hội “tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật”[7].
Quá trình nhận thức, phát triển quan điểm của Đảng về giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa Nhà nước - thị trường - xã hội ở Đại hội XIII của Đảng xuất phát từ luận cứ khoa học và thực tiễn sau:
Về luận cứ khoa học, trước hết: Nhà nước với tư cách là một thiết chế chính trị đặc biệt, có chức năng kinh tế, xã hội, do vậy, mặc nhiên có mối quan hệ thường xuyên với thị trường và xã hội. Nhà nước, thông qua các công cụ như pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức… để kiến tạo, định hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả, phát triển xã hội hài hòa.
Thứ hai, thị trường bao gồm các loại thị trường, các yếu tố thị trường, các chủ thể kinh tế… vận hành theo quy luật giá trị, cung - cầu, cạnh tranh. Thị trường là sự tương tác giữa các chủ thể (nhà nước, doanh nghiệp, người dân) trong việc hình thành giá cả, phân bổ nguồn lực. Thị trường tạo động lực, kích thích lao động, sáng tạo của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và Nhà nước làm phong phú diện mạo và đời sống của xã hội.
Thứ ba, xã hội là không gian kết nối người dân trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng, tổ chức; là không gian hoạt động của nhà nước, thị trường, do vậy, môi trường xã hội, các thành tố xã hội có quan hệ và tác động hai chiều đối với nhà nước, thị trường. Xã hội là nền tảng, là chỗ dựa và sức mạnh Nhà nước, có khả năng bổ sung nguồn lực, hỗ trợ hoạt động, tham gia quản lý, xây dựng, giám sát Nhà nước giúp Nhà nước hoàn thiện chức năng, sứ mệnh của mình.
Về căn cứ thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đã nhận thức và giải quyết quan hệ Nhà nước - thị trường - xã hội xuất phát từ đặc điểm chính trị kinh tế, xã hội của Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, cụ thể:
Một là, mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam được xây dựng, củng cố, hoàn thiện. Nhà nước hoạt động trên nguyên tắc: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Để thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế - xã hội nhà nước đã đổi mới hoạt động theo hướng tách quản lý về kinh tế của nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của chủ thể kinh tế; tách quản lý kinh tế vĩ mô với chức năng chủ sở hữu tài sản của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước… Mặt khác nhà nước đã hoàn thiện cơ chế thị trường, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hợp tác. Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách để nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội…phát huy quyền làm chủ, quyền tự chủ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội; chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Hai là, thị trường được hình thành và phát triển ở Việt Nam cùng với quá trình đổi mới đất nước. Cùng với việc duy trì, đổi mới kinh tế nhà nước (kinh tế quốc doanh trước đây), doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã vốn đã tồn tại từ lâu. Các chủ thể trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam ngày càng mở rộng phát triển với các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các loại thị trường, các yếu tố thị trường được hình thành phát triển đồng bộ hơn theo hướng hiện đại, hội nhập. Các hình thức sở hữu phát triển đa dạng dựa trên nền tảng của sở toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
Ba là, trong suốt 92 năm lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tiền thân là Mặt trận dân tộc thống nhất) và các thành viên của Mặt trận luôn là thành viên chiến lược của hệ thống chính trị nước ta và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc và các thành viên đã tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng luôn tôn trọng vai trò độc lập, tính tự chủ, chủ động, tự quản, năng động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân, tổ chức xã hội tham gia phát triển, giám sát thị trường; tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước.
Tóm lại, Việt Nam bước vào phát triển kinh tế thị trường trong một thời gian ngắn so với các nước tư bản phát triển phương tây. Song nhìn tổng thể, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã phát triển đúng hướng và giành được những thành tựu quan trọng bước đầu; việc nhẬn thức và giải quyết mối quan hệ Nhà nước – thị trường – xã hội, về cơ bản, hợp lý, có hiệu quả. Nhờ đó, Việt Nam từ một nước kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế như ngày nay”./.
[1] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII, VPTWĐ, H.2016, tr. 176
[2] Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 28
[3] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 130
[4] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 1310-131
[5] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 131
[6] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 131
[7] Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H.2021, tr. 131-132
Các tin liên quan:
- ❧ THẦY GIÁO TÔI, CÂY CỔ THỤ NỞ HOA - Ngày đăng('12/24/2022 9:23:00 AM')
- ❧ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 92 NĂM CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930-15/10/2022) TRONG GIAI ĐOẠN MỚI - Ngày đăng('12/24/2022 9:49:00 AM')
- ❧ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀM YÊN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI - Ngày đăng('12/24/2022 10:00:00 AM')
- ❧ XÂY DỰNG SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI HUYỆN CHIÊM HOÁ - Ngày đăng('12/24/2022 10:15:00 AM')
- ❧ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM GẮN VỚI LỢI THẾ ĐỊA PHƯƠNG - Ngày đăng('12/24/2022 10:23:00 AM')
- ❧ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN - Ngày đăng('12/24/2022 10:29:00 AM')
- ❧ ĐƯA NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM HIỆN NAY TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - Ngày đăng('12/24/2022 10:48:00 AM')
- ❧ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ MÔ HÌNH KINH TẾ TỔNG QUÁT CỦA NƯỚC TA TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI - Ngày đăng('12/24/2022 10:55:00 AM')
- ❧ NHỮNG ĐÓNG GÓP LÝ LUẬN CỦA ĐẢNG TA VỀ MÔ HÌNH TỔNG QUÁT CỦA XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI SAU HƠN 35 NĂM ĐỔI MỚI - Ngày đăng('12/24/2022 11:07:00 AM')
- ❧ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC -VẤN ĐỀ KHÔNG CỦA RIÊNG AI - Ngày đăng('12/24/2022 11:13:00 AM')
- ❧ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐỐI VỚI VIỆC TUYÊN TRUYỀN, THỰC HIỆN VÀ BẢO VỆ ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC Ở TỈNH TUYÊN QUANG - Ngày đăng('12/24/2022 11:16:00 AM')
- ❧ ''NGHĨ MÌNH PHƯƠNG DIỆN QUỐC GIA'' - Ngày đăng('12/24/2022 11:22:00 AM')
- ❧ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN - Ngày đăng('12/24/2022 11:35:00 AM')
- ❧ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC THANH NIÊN - Ngày đăng('12/24/2022 11:43:00 AM')