Nội san >>  Thông tin lý luận và thực tiễn năm 2022  >> Số 3 năm 2022

Ngày Đăng:12/24/2022 11:43:00 AM Lượt xem: 249

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC THANH NIÊN
 
Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
Phó Trưởng phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
            Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thành công con đường cách mạng ấy thì giáo dục là vấn đề được Người quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ theo Người, muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa.
            Trong di sản vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, có 5 di sản được công nhận là Bảo vật quốc gia, đó là: Đường Kách Mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Di chúc. Trong đó, bản “Di chúc” đề cập đến nhiều nội dung cần căn dặn trước lúc Người đi xa. Một trong những tư tưởng lớn, đặc biệt quan trọng là vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, được Bác đề cập ngay sau khi nói về Đảng.
            Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng vấn đề chăm lo, bồi dưỡng thanh niên. Chính vì gửi gắm lòng tin vào thế hệ trẻ, vào thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn đoàn viên, thanh niên ra sức phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước. Không chỉ đối với đảng viên, nhìn rộng hơn, xa hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến đoàn viên, thanh niên, đây là trách nhiệm của Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Chữ “rất” ở đây được nhắc lại 2 lần trong một câu văn ngắn gọn, thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác này, nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công tác bồi dưỡng cho thanh niên.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng của cha ông coi trọng vai trò của tuổi trẻ và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để phát triển thành những tư tưởng mới sâu sắc, toàn diện về thanh niên. Trong tư tưởng và hành động thực tiễn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người nhận trọng trách trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Chính Người cũng là tấm gương ra đi tìm đường cứu nước khi còn ở độ tuổi thanh niên.
           Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam và càng nhận thấy tính cấp thiết của việc khơi dậy phong trào cách mạng trong thanh niên Việt Nam, thấy được sự sống còn của quốc gia dân tộc là do thanh niên quyết định. Tháng 11-1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã tiếp xúc ngay với những thanh niên Việt Nam yêu nước, xúc tiến mở các lớp huấn luyện, gieo hạt mầm cách mạng trong thanh niên. Bắt đầu từ thanh niên là nét độc đáo sáng tạo và nhạy bén trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
           Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thanh niên, luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Vì vậy, Người dành nhiều thời gian và công sức để chăm lo bồi dưỡng các lớp thanh niên kế tục sự nghiệp cách mạng.
            Giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trước hết là xây dựng lý tưởng, niềm tin cho thế hệ trẻ. Trong bài nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Người cụ thể hóa những chuẩn mực của đạo đức cách mạng và vận động: “Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:
             - Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
           - Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.
           - Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”.
           Qua đó, chúng ta thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn thế hệ trẻ yêu Tổ quốc, kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc, yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với lý tưởng của Đảng, về đạo đức phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi để “làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đảng, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Trong vận động thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phương châm kết hợp rèn luyện “đức” và “tài”, phấn đấu vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đạo đức cách mạng tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên, là cơ sở để vận động, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân. Đạo đức cách mạng là nền tảng để người cán bộ, đảng viên phát huy tài năng, trí tuệ, vượt khó để hướng tới việc thực hiện các mục tiêu vì nước, vì dân. Bên cạnh nhấn mạnh phải chú trọng cả hai mặt đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đạo đức là gốc của người cách mạng. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cách mạng rất quan trọng, phải thực hiện lâu dài, thường xuyên, liên tục. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
             Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên là những chỉ dẫn tuyệt vời góp phần, soi đường, chỉ lối cả về lý luận lẫn thực tiễn cho thế hệ thanh niên Việt Nam, qua đó giúp cho các thế hệ thanh niên Việt Nam thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8060547

Đang Online : 1116