Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 2_2015

Ngày Đăng:5/1/2016 10:12:00 PM Lượt xem: 2364

ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU
THỰC TẾ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH TUYÊN QUANG
  
  Phí Thị Ngọc Anh
Phòng NCKH-TT-TL
 
                                                 Đoàn cán bộ, giảng viên nhà trường dâng hương tại Di tích lịch sử                                                        
đền thờ Hai Bà Trưng - huyện Mê Linh - Hà Nội
          Thực hiện nhiệm vụ chính trị được Tỉnh uỷ - UBND tỉnh giao, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác với phương châm: gắn lý luận với thực tiễn.    
          Để nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT - BNV - BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2011 về “Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 268/QĐ – HVCT – HCQG ngày 3 tháng 2 năm 2010 về “Quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố thuộc Trung ương” (gọi tắt là Quy chế giảng viên trường chính trị).
       Nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên trường chính trị hiện nay. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không những giúp cho giảng viên tự cập nhật thông tin thực tiễn ở cơ sở, tạo điều kiện cho giảng viên có thêm bề dày kinh nghiệm đảm bảo cho công tác giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu lý luận gắn liền với thực tiễn. Nghiên cứu thực tế còn là môi trường tốt để mỗi giảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm và nghiên cứu nhiều vấn đề mới của đời sống xã hội. Thông qua nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên sẽ tích lũy được nhiều thông tin thực tế ở cơ sở và chắt lọc những thông tin đó phù hợp vào bài giảng một cách hiệu quả nhất. Những kinh nghiệm thực tiễn tích luỹ được từ đi nghiên cứu thực tế đã giúp cho nhiều giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình. Qua đó đã tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo cho không khí buổi lên lớp sinh động và hấp dẫn hơn.
       Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm và xác định đây là một hoạt động chuyên môn thường xuyên có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho mỗi bài giảng của giảng viên. Chính vì xác định tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế cho nên Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí cho giảng viên các khoa, phòng khi đi nghiên cứu thực tế. Điều này thể hiện rõ qua việc hằng năm  nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên các đơn vị khoa, phòng đăng ký đi nghiên cứu thực tế tại cở sở xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; nhà trường còn phối hợp với công đoàn tổ chức cho các cán bộ, giảng viên nhà trường đi nghiên cứu thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước và một số nước trong khu vực. Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu thực tế còn một số hạn chế cần khắc phục như sau:
         Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế ở một số giảng viên còn hạn chế. Hằng năm ngay từ quý I đầu năm, Phòng NCKH-TT-TL đều tham mưu cho Ban Giám hiệu triển khai đến các giảng viên các khoa, phòng thực hiện lập danh sách đăng ký kế hoạch đi nghiên cứu thực tế về phòng NCKH-TT-TL để tổng hợp trình Ban Giám hiệu quyết định phê duyệt. Trong những năm qua cán bộ, giảng viên các đơn vị khoa, phòng có đăng ký nội dung và địa điểm nghiên cứu thực tế về phòng NCKH-TT-TL. Tuy nhiên nội dung đăng ký nghiên cứu thực tế còn chung chung, chưa nêu rõ trọng tâm nghiên cứu phù hợp với công tác chuyên môn, bài giảng, kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên còn chưa được cụ thể hóa và thường được lồng ghép với các hoạt động khác của khoa. Một số ít cán bộ, giảng viên nhất là những giảng viên trẻ còn chưa nhận thức rõ về vai trò và nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế của mình, chưa có ý thức tự giác lên kế hoạch và dành nhiều thời gian cho việc đi nghiên cứu thực tế, còn chưa coi trọng vốn kiến thức có được từ công tác nghiên cứu thực tế là vốn thực tiễn rất bổ ích cho công tác giảng dạy lý luận chính trị. Đặc biệt, đối với giảng viên kiêm giảng ở các phòng, việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế còn hạn chế.
       Thứ hai, chất lượng báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cuối năm còn chưa cao, chưa chú trọng đến tổng kết, phân tích, đánh giá và rút ra được những vấn đề giải quyết của cá nhân thu được sau đợt nghiên cứu đó.
         Thứ ba, việc lấy kết quả công tác nghiên cứu thực tế là một trong các tiêu chí để đánh giá việc thi đua, khen thưởng hằng năm chưa thường xuyên, chưa triệt để.
         Để đổi mới và nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới, với chức năng nhiệm vụ là tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học của toàn trường, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa nhiệm vụ nghiên cứu thực tế:
       Một là, cần nâng cao nhận thức về công tác nghiên cứu thực tế cho tất cả cán bộ, giảng viên, phải coi đây là hoạt động thực tiễn mà nhà trường tham gia cùng xã hội. Những vấn đề trong đời sống xã hội ở cơ sở rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và phát triển. Vì vậy qua nghiên cứu thực tế là để nhằm nắm bắt, cập nhật tình hình thông tin kinh tế - xã hội liên quan đến sự phát triển của từng địa phương, cơ sở.Với ý nghĩa đó, nhận thức đúng vai trò và nhiệm vụ của việc nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức tự học tập, tự nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống. Qua đó ta sẽ thu nhận được những thông tin bổ ích trong thực tiễn và biết lồng ghép, xử lý thông tin đó áp dụng vào tình huống trong bài giảng sao cho hợp lý, để cùng trao đổi với học viên tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương.
        Hai là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tăng cường chỉ đạo hoạt động nghiên cứu thực tế, đảm bảo gắn liền hoạt động nghiên cứu khoa học với giảng dạy, để giảng viên  nâng cao nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của hoạt động nghiên cứu thực tế.
       Ba là, tiếp tục thực hiện tốt công tác duyệt kế hoạch nghiên cứu thực tế ngay từ đầu năm. Để nâng cao hoạt động này, Ban Giám hiệu và lãnh đạo các khoa, phòng khi duyệt kế hoạch nghiên cứu thực tế cần cụ thể hóa hơn nữa việc lập kế hoạch nghiên cứu thực tế của từng cá nhân giảng viên đến tập thể các khoa, phòng. Giảng viên phải chủ động lập kế hoạch nghiên cứu thực tế, trong kế hoạch phải nêu rõ nội dung cần nghiên cứu, địa điểm nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và từng thời gian thực hiện cụ thể và có báo cáo định kỳ thực hiện về phòng NCKH-TT-TL để trình lãnh đạo nhà trường theo dõi tiến trình thực hiện công tác đó. Trường hợp có thay đổi nội dung đăng ký kế hoạch nghiên cứu thực tế đã phê duyệt từ đầu năm, lãnh đạo các khoa, phòng phải báo cáo bằng văn bản với Ban Giám hiệu thông qua Phòng NCKH-TT-TL nơi quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trình Ban Giám hiệu đồng ý phê duyệt.
         Bốn là, đa dạng hóa hình thức tổ chức nghiên cứu thực tế. Ngoài hình thức tổ chức đi nghiên cứu thực tế theo đơn vị, theo nhóm đi trong ngày. Phòng NCKH-TT-TL quản lý các hoạt động khoa học của nhà trường, có thể tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu tổ chức thêm hình thức đưa cán bộ, giảng viên đi xuống cơ sở nghiên cứu thực tế dài ngày theo đợt (có thể là 1 tháng, 1 quý ...) tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để nghiên cứu, thâm nhập thực tế. Như vậy chất lượng nghiên cứu thực tế sẽ được nâng lên rất nhiều. Để tổ chức được như vậy thì nhà trường phải xây dựng chương trình, nội dung cụ thể cho mỗi đợt đi nghiên cứu thực tế. Trong xây dựng chương trình nghiên cứu, cần tìm hiểu sâu sát tình hình của từng địa phương, cơ sở, từ đó lựa chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với địa phương, cơ sở và phù hợp với lĩnh vực cần nghiên cứu.
         Năm là, tăng cường mối quan hệ phối kết hợp giữa nhà trường với cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu của giảng viên.Việc nhà trường phối hợp với các cơ sở xã, phường, thị trấn trong tỉnh tạo mọi điều kiện cho giảng viên nghiên cứu tìm hiểu các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở, tạo môi trường làm việc, sinh hoạt,... để giảng viên yên tâm đến nghiên cứu tại địa phương. Với hoạt động nghiên cứu thực tế, việc tăng cường mối quan hệ phối kết hợp giữa nhà trường với địa phương, cơ sở là đặc biệt quan trọng, quyết định đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu thực tế. Giảng viên đi nghiên cứu thực tế phải thường xuyên cập nhật các thông tin tích lũy được từ địa phương. Báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cuối năm phải có sự phân tích, đánh giá, tổng kết thực tiễn những vấn đề đã được nghiên cứu và đưa các thông tin đó vào bài giảng một cách phù hợp, để mỗi bài giảng đều phải được lồng ghép nội dung lý luận với kiến thức thực tiễn đã được nghiên cứu.
       Sáu là, kết quả nghiên cứu thực tế phải được coi là một trong những tiêu chí để xác định việc thi đua, khen thưởng hằng năm. Trên cơ sở tổng hợp tất cả các tiêu chí thi đua, trong đó có việc hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế để bình xét khen thưởng, kỷ luật đối với giảng viên. Các khoa, phòng cần quán triệt đến giảng viên về yêu cầu nhiệm vụ đi nghiên cứu thực tế, lấy kết quả nghiên cứu thực tế để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên hằng năm, thực hiện chế độ khen thưởng kịp thời để động viên khuyến khích giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trường hợp giảng viên không hoàn thành nghĩa vụ nghiên cứu thực tế, phải tiến hành quy đổi trừ vào giờ giảng dạy, giảng viên đó không được bình xét ở danh hiệu thi đua cao nhất. Đối với các khoa, phòng có cá nhân giảng viên không hoàn thành nghĩa vụ nghiên cứu thực tế cũng không được xét danh hiệu thi đua cao nhất.
         Bảy là, không ngừng hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu thực tế. Việc xây dựng một quy chế, quy định cụ thể về hoạt động nghiên cứu thực tế là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chỉ đạo, tổ chức triển khai, quản lý và đánh giá hoạt động nghiên cứu thực tế của nhà trường hằng năm.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8085933

Đang Online : 1722