Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 2_2015

Ngày Đăng:5/1/2016 10:18:00 PM Lượt xem: 1977

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN, HỒ CHÍ MINH
 TRONG GIẢNG BÀI “NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY”
 
                                             Lê Quang Hòa
                                               Trưởng phòng Tổ chức-HC-QT
         
          Bảo vệ Tổ quốc XHCN là một tất yếu khách quan. Điều này đã được lý luận Mác-Lênin khẳng định. Bằng sự vận dụng lý luận Mác vào điều kiện đất nước Xô-viết sau cách mạng Tháng Mười năm 1917, V.I.Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới đã chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ” “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Khẳng định tính tất yếu khách quan của việc bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lê-nin tuyên bố: “Kể từ ngày 25/10/1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, những cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của CNXH” [1]. Trong điều kiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN chủ yếu phải chống lại sự tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động mưu toan lật đổ nhà nước XHCN, thì phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN là phải tiến hành một cuộc chiến tranh vũ trang để bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đề cập đến lực lượng bảo vệ Tổ quốc XHCN, V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh đến lực lượng của quần chúng lao động, của công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sự tổ chức, quản lý của chính quyền Xô-viết. V.I.Lê-nin đã chỉ ra sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần. V.I.Lê-nin đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy sức mạnh tinh thần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN, quan tâm đến việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vai trò tổ chức, quản lý của Nhà nước Xô-viết trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc XHCN. V.I.Lê-nin đã đề cập đến khả năng phòng thủ đất nước, đặc biệt là vấn đề xây dựng và củng cố quốc phòng: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”[2].  V.I.Lê-nin đã đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN đi đôi với nhiệm vụ xây dựng CNXH. V.I.Lê-nin viết: “Một khi chúng ta bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình để tiến hành công cuộc đó không ngừng. Đồng thời,… hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo con ngươi của mắt mình”[3]. V.I.Lê-nin đã chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản cần phải xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là những vấn đề về bản chất giai cấp, tính chất, chức năng, nhiệm vụ; về những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và xây dựng quân đội. Theo V.I.Lê-nin, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc XHCN là sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và của toàn dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo và chính quyền Xô-viết quản lý điều hành tập trung thống nhất, kết hợp với sức mạnh của thời đại, chú trọng phát huy nhân tố chính trị-tinh thần và tính ưu việt của chế độ XHCN.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào điều kiện của đất nước. Người dạy:“các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngay sau khi cách mạng Tháng 8/1945 thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta đề ra nhiều biện pháp thiết thực, cụ thể để giữ vững chính quyền nhân dân chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài. Người khẳng định trong bản Tuyên ngôn độc lập: “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy ”. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Người nói: “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!...”. Khi cuộc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Người đã chỉ ra một chân lý rằng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.   
Ngày nay, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó chính là sự cụ thể hóa mục tiêu chiến lược mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ khi thành lập 3/2/1930: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Trong các giai đoạn cách mạng, cùng với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược sống còn. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, được biểu hiện tập trung ở hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”.[4] Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về bảo vệ Tổ quốc là: Giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”.
Từ những vấn đề lý luận, thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới giai đoạn hiện nay, giảng viên giảng bài 10, phần IV “Những vấn đề cơ bản về chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”  trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính giảng dạy tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung tập trung quán triệt những tư tưởng trên để làm rõ một số nội dung sau:
1. Những quan điểm của V.I.Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là sau khi giai cấp công - nông đã giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cần phải tự tổ chức, tự trang bị vũ khí để tự bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.
2. Quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới với chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển;đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
3. Vấn đề tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả trên đất liền, vùng trời, vùng biển và hải đảo. Giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
4. Những giải pháp tích cực tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện mục tiêu về bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, quy luật phát triển của đất nước ta là dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước, xây dựng luôn luôn đi đôi với bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.102.
[2] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.480 - 481.
[3] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ M.1981, tr.153.
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ XI, CTQG, H, 2011, Tr.321,322.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8087031

Đang Online : 2903