Nội san >>  Nội san năm 2015  >> So 2_2015

Ngày Đăng:5/1/2016 10:20:00 PM Lượt xem: 2778

BÁC HỒ VỚI TUYÊN QUANG – NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ
                          Phùng Thị Hà
                          Khoa Xây dựng Đảng

 
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tuyên Quang vinh dự và tự hào được Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng và Thủ đô kháng chiến của cả nước. Là nơi chứng kiến và tham gia vào những sự kiện trọng đại của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân  tộc tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Khắc ghi lời dạy của Bác, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã luôn nỗ lực cố gắng, đoàn kết, thống nhất, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao mọi mặt đời sống cho nhân dân.
Tháng 2- 1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ quyết định về nước để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên và chọn để xây dựng căn cứ địa cách mạng là Pác Bó (Cao Bằng). Đến tháng 5-1945, tình hình cách mạng thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, hé mở thời cơ có lợi cho việc giành chính quyền về tay nhân dân. Lúc này cần một căn cứ địa cách mạng đảm bảo được các yếu tố “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Bác đã tìm thấy các yếu tố đó ở Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) và  Người quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào, chọn nơi đây làm trung tâm để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sau cuộc hành trình 16 ngày, ngày 21-5-1945, Bác Hồ về tới Tân Trào, sau khi  dừng chân nghỉ ở đình Hồng Thái, Bác về ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Một tuần sau, Bác chuyển lên ở trên lán Nà Nưa và ở tại đây để chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đầu tháng 6-1945, tại Tân Trào, Bác Hồ chỉ đạo thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 6 tỉnh Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà. Trong 6 tỉnh Tuyên Quang là nơi có địa hình, địa thế hiểm trở, “thuận lối tới Trung ương”, nhân dân Tuyên Quang có truyền thống cách mạng và có cơ sở cách mạng hình thành sớm, nên Bác  Hồ đã quyết định chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm trung tâm để lãnh đạo cách mạng, xây dựng chính quyền và quân đội cách mạng. Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng.
Cuối tháng 7-1945, tại lán Nà Nưa, khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp bằng lời quyết tâm sắt đá: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lời hiệu triệu của Bác Hồ đã trở thành ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Bác chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tại Tân Trào đưa ra những quyết định quan trọng, thay đổi cả vận mệnh dân tộc đó là quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền  trong cả nước.
Tại Tân Trào, ngày 16,17-8-1945 Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc - Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trước đình Tân Trào, đứng bên Hòn đá thề, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hô vang lời thề giành độc lập dân tộc trước quốc dân đồng bào. Đình Tân Trào đã chứng kiến sự kiện mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, lời thề của Bác đã trở thành hiện thực, cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã được thành lập ngày 2-9-1945.
Có thể khẳng định, hơn 3 tháng ở Tuyên Quang, Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách lịch sử lãnh đạo cả dân tộc bước vào cuộc khởi nghĩa giành độc lập tự do cho dân tộc, đưa người dân Việt Nam từ địa vị nô lệ thành người làm chủ đất nước. Nhân dân Tuyên Quang vinh dự là nơi chở che cho cách mạng, nơi bảo vệ Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ. Không phụ lòng tin của Bác và sự lựa chọn của lịch sử, Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình là Thủ đô Khu giải phóng. 
Tháng 9/1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2.  Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 2-4-1947, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Tuyên Quang, tiếp tục chọn nơi đây làm nơi ở, làm việc, chỉ đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Tân Trào - Thủ đô Khu giải phóng đã trở thành Thủ đô kháng chiến, là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 11 bộ, 65 cơ quan, ban ngành, đoàn thể Trung ương.
Cuối năm 1949 đến năm 1952 là khoảng thời gian Bác ở lán Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại đây, Bác Hồ lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến, đi thăm các đơn vị bộ đội, động viên tinh thần của cán bộ chiến sỹ, đồng bào, Bác ký nhiều sắc lệnh, nhiều mệnh lệnh, chỉ thị để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thời gian này đã ghi dấu 2 hoạt động quan trọng của Bác:
 Tháng 1/1950 từ Hang Bòng Bác Hồ lên đường sang Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô, sau đó về nước Bác cùng với Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Biên Giới - 1950 giành thắng lợi, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từ thế bị phòng ngự chuyển sang thế tấn công và giành toàn bộ quyền chủ động trên chiến trường chính ở Bắc Bộ.
 Từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, từ Hang Bòng Bác đến khu rừng Bó Củng xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, cùng với Trung ương Đảng tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đây cũng là Đại hội đầu tiên của Đảng diễn ra ở trong nước. Đại hội đã hoàn chỉnh và bổ sung đường lối kháng chiến, đề ra những quyết sách đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đi đến thắng lợi, một lần nữa Tuyên Quang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ, là nơi che chở vững chắc cho cách mạng.
Năm 1953 – 1954  Bác ở và làm việc tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Tại đây Bác đã chủ trì các cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ chuẩn bị, hoàn thiện các văn bản và ban hành nhiều văn kiện quan trọng. Tại căn hầm bí mật ở Kim Quan Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quân dân cả nước thi đua chiến đấu, sản xuất chuẩn bị cho Đông Xuân 1953-1954 và đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Cũng tại đây diễn ra nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các tổ chức đoàn thể đưa ra những chủ trương, chính sách quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Bác đã trở lại sống và làm việc tại Tuyên Quang 5 năm, 11 tháng, 25 ngày với 16 địa điểm thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa. Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… quyết định những quyết sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi.
Cũng tại Tuyên Quang, Bác Hồ đã có những hoạt động ngoại giao quan trọng như: Làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, đoàn cố vấn Trung Quốc; đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô... là nơi chở che cho cách mạng, Tuyên Quang vinh dự là nơi ghi dấu những áng thơ bất hủ, những bài viết, bài phát biểu về đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên.
Ngày 19 và 20-3-1961, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vinh dự  được đón Bác về thăm. Bác đến dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III; nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang; thăm và nói chuyện với nhân dân xã Tân Trào (Sơn Dương) nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra Bác còn đến thăm xóm Hợp Hòa 2, xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang), Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Thiếu nhi vùng cao, Trường Sư phạm cấp I Bình Thuận, Trường Bổ túc văn hóa tỉnh, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Tại Sân vận động thị xã Tuyên Quang, trước hàng vạn đồng bào, Bác đã căn dặn đồng bào, chiến sỹ tỉnh Tuyên Quang: “Phải đoàn kết chặt chẽ trong và ngoài Đảng, phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải xây dựng con người mới”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Bác về thăm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn khắc ghi lời dạy của Bác, phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực và phấn đấu vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng tỉnh Tuyên Quang là một tỉnh giàu, mạnh, văn minh, nhân dân hạnh phúc. 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8086952

Đang Online : 2823