Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một nhà báo kiệt xuất

Ngày Đăng: 19/6/2017 16:41 Lượt xem: 1680

          Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam mà Người còn là một cây bút xuất sắc cả trên lĩnh vực báo chí và văn học, đồng thời là người đặt viên gạch đầu tiên khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
          Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là một chiến sĩ cách mạng. Trang giấy, cây bút là vũ khí sắc bén của họ”[1] . Báo chí góp công sức của mình trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Cũng bởi lẽ đó, cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời hoạt động báo chí, đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta qua các giai đoạn cách mạng.
          Nhận thấy vai trò to lớn của báo chí nên trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã tự học cách viết báo, làm báo. Người sử dụng báo chí để làm công cụ tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, vạch rõ bản chất bóc lột, tàn bạo của chúng đối với quần chúng nhân dân lao động.  Người sử dụng ngòi bút chính luận sắc bén của mình để tấn công trực diện kẻ thù, tố cáo, vạch trần bộ mặt bóc lột, tàn ác của chúng; vạch trần âm mưu xuyên tạc sự thật của báo chí thực dân, dã tâm đen tối của bè lũ thực dân Pháp đang cai trị quê hương xứ sở và nhiều nước khác trên thế giới.
          Viết về kẻ địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng lối văn châm biếm ý nhị nhưng ý tứ sâu xa, sắc sảo, thông minh đến kỳ lạ; văn phong vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật văn chương. “Đã từ lâu, chủ nghĩa tư bản phương Tây như con rắn nhiều đầu, thấy Châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ dồi dào để thỏa mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất… Nước Pháp thì, núp sau lá cờ ba sắc tự do, bình đẳng, bác ái, đang đưa vào các thuộc địa của nó rượu, thuốc phiện, mại dâm và gieo rắc nghèo đói, lụn bại và chết chóc cho dân bản xứ bên cạnh sự giàu sang kiến được bằng cách bất lương của nó [2] hay khi viết về số phận của người dân lao động ở thuộc địa: “Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca”; “Một bên là người bản xứ bị dìm trong cảnh dốt nát và suy yếu…họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong những lao tác nặng nhọc nhất và bạc bẽo nhất để kiếm sống một cách chật vật, và hầu như chỉ bằng sức của họ thôi, để nuôi mọi ngân quỹ của chính quyền”[3] (Báo Nhân Đạo, tháng 8/1919).
          Trước Cách mạng tháng Tám/1945, ngòi bút của Hồ Chí Minh đã “tung hoành” trên mặt trận báo chí ở phạm vi quốc tế. Cũng chính Người đã sáng lập và trở thành “linh hồn” của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta và trên thế giới. Tờ báo đầu tiên “Le Paria” (Người cùng khổ - 1922) Người vừa làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, vừa là người biên tập, nhiếp ảnh, vẽ tranh châm biếm, tổ chức, quản lý, phát hành, vừa là người cổ động bán báo, gửi báo về các thuộc địa.. Qua “Le Paria” Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngòi bút của mình làm vũ khí, là tiếng nói của nhân dân các nước thuộc địa đã hiên ngang cất lên đấu tranh ngay giữa hang ổ của chủ nghĩa thực dân. 95 năm đã trôi qua nhưng “Le Paria” là dấu mốc quan trọng khẳng định những cống hiến đầu tiên của chiến sĩ cách mạng quốc tế Nguyễn Ái Quốc trên hành trình đi tìm đường cứu nước khi dừng chân tại Pháp.
         Thời gian hoạt động ở Trung Quốc và khi về nước, Người sáng lập báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Việt Nam độc lập... Đặc biệt, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên - khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam.
          Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (4/1959), Người nói: Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội[4]. do vậy, nghiên cứu những bài báo Người viết chúng ta đều nhận thấy một chủ đề chính xuyên suốt. Đồng thời, Người cũng xác định rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”[5]. Hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên báo chí cách mạng trước tiên phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
          Để viết một bài báo với những yêu cầu như trên, Người luôn đặt ra cho mình những câu hỏi, xác định rõ câu trả lời sẽ giúp cho bài viết đi đúng hướng, đạt hiệu quả: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm[6]. Trả lời các câu hỏi đó, theo Hồ Chí Minh là viết vì nhân dân, vì sự nghiệp chung của toàn dân tộc Việt Nam, vì độc lập tự do… Người chỉ rõ: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”. Chỉ khi hướng đến cái đích đó, báo chí mới khẳng định được vị thế của mình trong nhân dân, được nhân dân mến yêu và tin tưởng. Người phê bình lối viết dài dòng, “dây cà ra dây muống, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng” và khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng[7]. Do vậy, khi viết cho quần chúng nhân dân, Người dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, cách cảm của quần chúng nhưng có sức tuyên truyền rất cao:
“Hỡi ai con cháu Hồng Bàng
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau
Yêu nhau xin nhớ lời nhau
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào”

 (Báo Việt Nam độc lập, số 122, ngày 1/4/1942)
          Bài “Dân vận (Báo Sự thật, 15/10/1949) là một ví dụ tiêu biểu. Đây là một bài báo ngắn xấp xỉ khoảng 700 từ, được chia thành bốn mục rất rõ ràng, chặt chẽ về logic. Tất cả những vấn đề quan trọng, đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày rõ ràng, cô đọng, dễ hiểu và đặc biệt chính xác, tiết kiệm ngôn từ, Người viết:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.”
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như việc bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người nói: “tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Cũng bởi lẽ đó, văn phong báo chí của Người rất phong phú về hình thức, đa dạng về thể loại, biến hóa về kết cấu, phong cách, giai điệu mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc nên gần gũi trong mỗi lời nói, câu ca, mỗi bài mỗi vẻ, không lặp lại.
Không những vậy, các bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng. Từ lối viết uyên bác, hàn lâm để nói với các chính khách phương Tây đến lối viết hàm súc, ẩn dụ ý tại ngôn ngoại để nói với các bậc đại Nho, lối viết mộc mạc, bình dị cho người ít chữ…, tất cả đều chân thực, chân thành, giản dị, tự nhiên, hấp dẫn.
 “Thương ôi! Những kẻ dân cày
Chân bùn tay lấm suốt ngày gian lao
Lại còn thuế nặng, sưu cao.
Được đồng nào đều lọt vào túi Tây
Dân ta không có ruộng cày
Bao nhiêu đất tốt về tay đồn điền”

 (Báo Việt Nam độc lập, số 103, ngày 21/8/1941)
          Ngòi bút quyết liệt tố cáo tội ác của kẻ xâm lược: “Nhưng bàn tay đẫm máu của đế quốc Mỹ không bưng bít được mặt trời sự thật. Mặt nạ gian dối của đế quốc Mỹ “vừa ăn cướp, vừa la làng” đã bị cả thế giới lột trần” (Bài “Sách trắng của Mỹ” Báo Nhân dân, số 3992, ngày 8/3/1965) hay sự thể hiện ý chí quyết tâm, sự động viên toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc: “Toàn dân ta đoàn kết một lòng, không sợ gian khổ, không sợ hi sinh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chúng ta lại được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ. Cho nên:
Ta nhất định thắng
Mỹ nhất định thua!”
 (Báo Nhân dân số 4319, ngày 1/2/1966)
          Qua mỗi bài viết của mình, Người cẩn thận xem xét, kiểm tra, chọn lọc trong từng con số, sự kiện để mang cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng của Người, dù là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc, người nghe.
          Từ những tác phẩm báo chí đầu tiên khi ở Pháp đến tác phẩm cuối cùng đăng trên báo Nhân dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm báo cả cuộc đời. Nhưng, Người luôn khước từ mọi danh hiệu mà mọi người tôn vinh và chỉ khiêm tốn nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí. Thế nhưng sự nghiệp báo chí mà Người để lại ngày hôm nay là một tài sản hết sức quý giá, hết sức đồ sộ và có giá trị to lớn về cả về mặt lý luận và thực tiễn./.

 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, tr.466, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr. 31, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr. 12, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.171, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, tr.463, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, tr.465, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011
[7] Hồ Chí Minh toàn taai, tập 13, tr. 464,465, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8701350

Đang Online : 5