Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Đôi điều suy nghĩ về bài học "giữ nước" từ lời Bác Hồ căn dặn năm xưa tại Đền Hùng

Ngày Đăng: 17/5/2018 8:23 Lượt xem: 640

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở lại Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Đền Hùng. Đêm 18-9-1954, Bác Hồ nghỉ lại tại Đền Giếng, một di tích trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng. Tại đây, ngày 19-9-1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) trên đường về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.[1]
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn song hành cùng nhau, với tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, độc lập dân tộc ta đã tạo nên một tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng, kiên cường, đánh bại kẻ thù lớn mạnh hơn mình gấp trăm lần. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên cũng như ghi nhận công lao to lớn của bậc tiền nhân, do vậy:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
                                                         (Lịch sử nước ta)
 Vậy nên, tưởng nhớ và biết ơn các Vua Hùng chính là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của mỗi con dân nước Việt, “Các vua Hùng đã có công dựng nước cũng là sự thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc. Bởi vậy, lời nhắn nhủ: “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là lời nhắc nhở mỗi người về truyền thống dân tộc, lời khẳng định quyết tâm cần phải thực hiện tốt chữ ”đồng”, để bảo vệ từng ngọn núi, từng tấc đất quê hương, bởi mỗi tấc đất này đều phải đánh đổi bằng xương, bằng máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh ”giữ nước” trước hết là sự quyết tâm chiến đấu, quyết chiến đấu hy sinh đến hơi thở cuối cùng giành độc lập, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất và chủ quyền của đất nước, là “… Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”. Và như vậy, khi Tổ Quốc gọi tên, mỗi công dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc. Ta nghe “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - 1946 còn vang vọng: Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc..[2] Từ sự quyết tâm, sự nhất trí đồng lòng của cả dân tộc nên “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[3].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “giữ nước” còn là sự kế thừa từ những bài học lịch sử cha ông để lại - bài học “lấy dân làm gốc”. Bởi “Người chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” (Nguyễn Trãi) và khi có lòng dân là có tất cả. Với Hồ Chí Minh sau khi đất nước giành được độc lập thì dân phải được hưởng hạnh phúc. Để hạnh phúc ấy có được thì phải thực sự “lấy dân làm gốc”, luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình. Đối với cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở rằng, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh "chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"[4]. Đặc biệt, cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của dân. Người phê phán những thói mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp nhân dân, xa dân, không chú ý giải quyết những kiến nghị của nhân dân. Bài học về lấy dân làm gốc đã được chứng minh trong thực tế, giữ được lòng dân cũng là giữ được sự vững mạnh của đất nước.
Đã 64 năm từ ngày lời Bác dạy nơi Đền Hùng linh thiêng, càng suy ngẫm lời Bác, chúng ta càng thấm thía tình cảm của Người dành cho quê hương, cho dân tộc. Đồng thời, càng thêm ngưỡng mộ sự tư duy lỗi lạc, tầm nhìn xa trông rộng của vị lãnh tụ thiên tài.
Thực hiện lời dạy giữ nước của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền Chủ nghĩa xã hội - đây là bài học đầu tiên và xuyên suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Đại hội XII (2016) của Đảng khẳng định: “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc... Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước[5]. Đặc biệt, khi nước ta bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp với nhiều cơ hội và nhiều thách thức thì ”giữ nước” còn là hành động của mỗi cá nhân trong giữ vững và kiên định lập trường tư tưởng, lên án và dám đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Kiên quyết giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cùng với việc đấu tranh gìn giữ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì cũng cần phải kiên quyết đấu tranh, đánh trả và chiến thắng với “giặc nội xâm”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình[6]. Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm tồn tại ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Nếu như giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện thì giặc ở bên trong tiềm ẩn và không dễ nhìn thấy. Giặc nội xâm còn là sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nghiêm túc chỉ ra: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.”[7]. Chính sự tha hóa, biến chất ấy đã gây ra một số vụ án tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng, cùng với khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” đã nêu cao quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng. Trước pháp luật nghiêm minh, tất cả mọi người đều bình đẳng, công - tội phân minh, sai đến đâu sửa đến đó. Khi lò đã nóng là do tất cả mọi người cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng, để đánh thắng “giặc nội xâm” lấy lại niềm tin nơi dân.
Bên cạnh đó, thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cũng chính là một yêu cầu tự rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập và làm theo Bác ở những công việc thiết thực nhất, gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người. Trong đó, trước hết là trách nhiệm gắn bó với nhân dân, lấy dân làm gốc. Gắn bó với nhân dân cũng là một yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, việc gắn bó với dân để phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm quý báu trong dân và huy động mọi nguồn lực để xây dựng đất nước. Gắn bó với nhân dân là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Sức mạnh của Đảng nằm ngay trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân[8]. Thực tế đã chứng minh khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì trở thành vô địch. Thiết nghĩ, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên hiện nay không thể thành công nếu như không dựa vào lực lượng nơi dân.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải kiên quyết bảo vệ giang sơn gấm vóc, phấn đấu xây dựng và đưa nước ta sánh ngang với các cường quốc năm châu. Những lời chỉ dạy quý báu của Người đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc, là tài sản tinh thần to lớn, vô giá của Đảng và dân tộc ta trên con đường phát triển vững mạnh.
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
          Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.59
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia,  Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia,  Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.65
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 145 - 146
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 360
[7] ĐCS Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư-BCHTW khóa XII, tr.22
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, Hà Nội., 2011, tập 10, tr. 453
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8001194

Đang Online : 4668