Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết đồng bào tôn giáo ở Việt Nam hiện nay vào bài giảng “Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về dân tộc, tôn giáo”

Ngày Đăng: 27/11/2018 21:0 Lượt xem: 1191

          Đồng bào tôn giáo ở Việt Nam hiện nay (với khoảng ¼ dân số) chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc đổi mới chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua vừa là thành quả quan trọng của sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc đang nảy sinh những vấn để phức tạp, đòi hỏi phải có sự giải quyết hài hòa, thỏa đáng và hợp lý.
          Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo là nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải phóng con người, thống nhất đất nước, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”
[1].
           Hồ Chí Minh khẳng định trong mỗi một giai đoạn các mạng, mục tiêu cụ thể của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết tôn giáo cần có sự phát triển phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, mục tiêu xuyên suốt của đoàn kết tôn giáo là góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Năm 1955, phát biểu trong Hội nghị Mặt trận Liên Việt, Người đã nhấn mạnh: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”
[2]
          Bởi vì, theo Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải tạo ra được lực lượng tiến bộ trong các tôn giáo, đồng thời chống lại các hoạt động phản động lợi dụng tôn giáo, cô lập bọn phản động, làm thất bại mọi hoạt động của bọn tay sai, đế quốc. Chúng ta phải làm cho giáo hội Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu hòa bình và đoàn kết dân tộc hơn”[3]
          Như vậy, đoàn kết tôn giáo là một tư tưởng lớn rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu của đoàn kết tôn giáo chính là đoàn kết được lực lượng đồng bào tôn giáo khác nhau, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính nhờ những mục tiêu đó mà Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.
          Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta luôn khẳng định tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật, nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời Đảng ta nhấn mạnh: Tuyên truyền, giáo dục khắc phục mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo thục hiện ý đồ chính trị xấu.
          Đối với giảng viên giảng dạy Phần học IV trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nhất thiết phải được trang bị và quán triệt sâu sắc kiến thức lý luận và thực tiễn liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có bài “Đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam về dân tộc, tôn giáo”. Thông qua bài học giảng viên cần làm rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo và đi sâu vào phân tích làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo trong hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Trong tư tưởng đoàn kết lương – giáo phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, khắc phục được những mặc cảm, định kiến với nhau và chống âm mưu chia rẽ lương giáo của bọn phản động; Phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo với lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo của các phần tử phản động. Đồng thời không chỉ đoàn kết những người có đạo và không có đạo mà còn giáo dục tinh thần đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau.
          Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến tôn giáo và có chính sách tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Văn kiện đã trở thành nền tảng chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo và đoàn kết tôn giáo thể hiện rõ trong bài giảng: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật.
          Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống dân tộc. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.
          Trong khối đại đoàn kết các dân tộc, chúng ta không thể không đoàn kết đồng bào tôn giáo. Vì vậy nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam hiện nay là rất quan trọng, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn sâu sắc.
          Với ý nghĩa đó, người giảng viên phải giúp cho học viên nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đoàn kết tôn giáo trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa xã hội, các quan điểm, chính sách xuyên suốt về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Củng cố niềm tin vững chắc cho người học về tính khoa học, cách mạng, tiến bộ của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, góp phần giải quyết vấn đề tôn giáo ở địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, sớm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thạc sĩ  Đỗ Thị Xuân Anh
Khoa Xây dựng Đảng
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia,H.2011,t4,tr8
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011,t9,tr244
[3] Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu khoa học công an xuất bản, H.1993,t2,tr134

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7998710

Đang Online : 2184