Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát huy giá trị kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay

Ngày Đăng: 27/11/2018 21:58 Lượt xem: 766

          Trong hệ thống di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Người luôn quan tâm đặc biệt đến biển, đảo Tổ quốc và dành nhiều tình cảm cho quân và dân vùng biển, đảo. Điều này không chỉ được thể hiện ở các bức thư, bài viết của Bác mà còn thể hiện ở trong các cuộc đi thăm, nói chuyện với nhân dân vùng biển. Bởi lẽ vị trí, vai trò của biển, đảo là hết sức quan trọng, thể hiện trên một số nội dung sau:
          Thứ nhất, đối với phát triển kinh tế - xã hội:
         
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, biển ta là “biển bạc”, chứa nhiều tài nguyên phong phú và quý hiếm – là một trong những nguồn lực to lớn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Người khuyên mỗi người dân Việt Nam phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
          Người thường xuyên đến thăm nhân dân và chiến sĩ vùng biển, đảo để tìm hiểu, khảo sát và chỉ đạo phát triển kinh tế biển. Người đã đến thăm các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh hóa, Quảng Bình… Ngày 31-3-1959, khi nói chuyện với ngư dân làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng), Bác khuyên: “Ngư dân phải khỏe mạnh hơn nữa mới đi được biển…, nghề cá ở đảo rồi đây phải đưa máy móc vào. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thuyền lưới tốt hơn để phát triển sản xuất”[1]. Đến thăm Quảng Bình, Người căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng”[2].
          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các cảng biển, đề cao phát triển vận tải biển. Ngày 30-5-1957, đến thăm cảng Hải Phòng, Người nhắc nhở: “Cảng ta là cửa ngõ miền Bắc xã hội chủ nghĩa… Muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại”[3].
          Người cũng sớm nhận thấy vai trò của biển đảo đối với sự phát triển của kinh tế du lịch. Khi đến thăm tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Chú có muốn làm giàu kiếm nhiều đô la không? Vị lãnh đạo tỉnh còn chưa kịp hiểu ý, thì Người đã nói tiếp: “Chú dùng trực thăng, sáng chở khách ra đảo chơi, tối chở họ về thì tha hồ hốt bạc”[4].
          Thứ hai, đối với sự phát triển văn hóa - xã hội:
          Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, biển đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vùng trời, dòng sông, vùng biển quê hương là nơi in dấu lòng yêu nước cháy bỏng, trí tuệ, bản lĩnh, lòng tự hào của dân tộc Việt Nam, nơi diễn ra những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông.
          Từ năm 1910, khi dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) – nơi có bãi biển Thương Chánh, Người đã khơi dậy tinh thần yêu nước cho học trò và nhân dân nơi đây.
          Năm 1911, từ một cửa biển cực Nam của Tổ quốc – bến Nhà Rồng (Sài Gòn), Người lấy tên là Văn Ba theo đường biển sang Pháp bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Những cảng biển: Singapore, Sri Lanka, Á’id – Ai Cập, Marseille – Pháp… đã in dấu chân của người thanh niên yêu nước ấy. Chính từ hành trình đó, Người đã tiếp thu tinh hoa của các nền văn hóa để làm hình thành ở Người “nền văn hóa của tương lai” (lời của nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam).
          Thứ ba, đối với đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc:
          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấy rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự phát triển toàn diện đất nước, nhất là đối với sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc.
          Ngày 7-5-1955, Người chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.
         Ngày 15-3-1961, nhân dịp đến thăm bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Ngày 11-8-1965, nhân dịp Binh chủng Hải quân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Bác đã gửi thư cho cán bộ,chiến sĩ: “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc”[5].
          Ngay khi Nghị quyết Trung ương 15 (1959) vừa ra đời, Ðảng ta và Bác Hồ đã quyết định hình thành con đường vận tải chiến lược nối hậu phương với tiền tuyến. Tháng 5-1959, Ðoàn 559 ra đời. Lực lượng nòng cốt đầu tiên của Ðoàn gồm hai Tiểu đoàn 301 và 603. Tiểu đoàn 301 vận tải đường bộ, còn nhiệm vụ của Tiểu đoàn 603 là nghiên cứu chi viện vũ khí cho chiến trường bằng đường biển.
          Đặc biệt, năm 1961, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 125 với mật danh “Đoàn tàu không số” được xây dựng để mở đường chiến lược trên biển để vận chuyển, chi viện cho miền Nam. Chỉ 15 năm (từ 1961 đến 1975), “Đoàn tàu không số” đã cùng với các lực lượng hải quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và phương tiện vũ khí tiến đánh, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
          Từ vị trí quan trọng của biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng các thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo. Ngày 22-10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW).
          Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra tầm nhìn xa nhất so với tất cả các chiến lược hiện có. Tầm nhìn xa là bằng chứng cho thấy mức độ ưu tiên cao và tầm quan trọng tăng lên của vị trí, vai trò cũng như tính chất dài hạn của chiến lược biển giai đoạn mới so với các chiến lược khác trong phát triển kinh tế Việt Nam. Nó còn cho thấy tư duy vượt trội về kinh tế biển trong giai đoạn phát triển mới.
          Bên cạnh tầm nhìn xa hơn đáng kể, giá trị cốt lõi đưa đất nước trở thành quốc gia “mạnh về biển” và “giàu từ biển” trong chiến lược biển 2020 được bổ sung thêm các giá trị cốt lõi khác như “dựa vào biển” và “hướng ra biển” trong Chiến lược kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống giá trị cốt lõi của chiến lược có tính đầy đủ, vững vàng và tính định hướng cao hơn.
          Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn tập hợp, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thế và lực mạnh mẽ trong việc phát huy giá trị kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
          Một là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy giá trị kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
          Hai là, củng cố nhiềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
          Ba là, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
          Bốn là, phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhằm khai thác tốt tiềm năng biển, đồng thời đảm bảo thường xuyên an ninh và chủ quyền biển, đảo.
          Biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong tình hình hiện nay, hơn ai hết mỗi chúng ta cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về biển đảo. Đây là một nội dung rất quan trọng, bởi việc tiến ra biển, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với cả dân tộc Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
Khoa Lý luận Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
 
 
 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 

[1]Bài nói chuyện khi Bác Hồ về thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) ngày 31-3-1959
[2] Ban Nghiên cứu lịch sử - Ty Văn hóa Quảng Bình: Quảng Bình ơn Bác, Nxb.Ty Văn hóa Quảng Bình, 1975, tr.22
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.10, tr.561
[4] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb.CTQG, H.2007 (ghi chép 8 chuyến thăm của Bác Hồ về Quảng Ninh).
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.14, tr.597

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7985718

Đang Online : 1145