Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận- 70 năm vẫn nguyên giá trị

Ngày Đăng: 12/1/2019 10:8 Lượt xem: 529

        Cách đây tròn 70 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15-10-1949. Bài báo chỉ vẻn vẹn 612 chữ, nhưng chưa đựng những giá trị kinh điển, một chân lý, phương thức thực hành dân vận chuẩn mực. Người viết “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1]. Đồng thời, là cẩm nang về công tác vận động quần chúng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và mỗi cán bộ đảng viên hiện nay và mai sau.
        Điều đầu tiên Bác nói đến trong bài báo Dân vận là lý do vì sao chúng ta phải thực hiện công tác dân vận.
       Theo Bác việc cần thiết thực hiện công tác dân vận xuất phát từ hai lý do sau: trước hết là từ thực trạng của công tác dân vận còn có những hạn chế: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại
[2]. Hai là, xuất phát từ thể chế chính trị của nước ta - là “nước dân chủ” với phương châm “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[3].
        Thứ hai, khái niệm về công tác dân vận được Bác diễn đạt một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện
        Bác viết “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho
[4]. Từ khái niệm này Bác cho chúng ta thấy: đối tượng của công tác dân vận là tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào; mục tiêu của công tác dân vận là từ lực lượng nhỏ, lẻ (mỗi một người dân) góp thành lực lượng toàn dân; Nội dung của công tác dân vận là tổ chức tập hợp nhân dân thực hiện đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng mà Đảng, chính quyền, đoàn thể giao cho.
        Đồng thời Bác còn chỉ ra 4 phương thức (cách thức) của công tác dân vận là “
Tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”[5]; khi làm “bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành[6]; Trong khi thi hành phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”; “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”[7]
        Thứ ba, Ai phụ trách dân vận?
        Theo Bác công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ đảng viên. Bác viết: “
Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v...) đều phải phụ trách dân vận”[8].
        Thứ tư, Dân vận phải thế nào?
        Bác đã đặt ra yêu cầu đối với cán bộ làm công tác dân vận là: “
óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”[9]. Và để thực hiện tốt công tác dân vận thì Đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên cần tránh khuyết điểm: “ở nhiều nơi xem khinh việc Dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại[10].  
        70 năm qua tư tưởng của Người trong bài báo “Dân vận” vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối dân vận của Đảng ta, tư tưởng đó đã vạch đường, chỉ lối cho việc tập hợp, đoàn kết lực lượng để đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Chuyển sang thời kỳ đổi mới, trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết về “Đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân” (Nghị quyết này được gọi tắt là Nghị quyết TW 8B) với 4 quan điểm chỉ đạo - là sự cụ thể hóa tư tưởng của Người về công tác dân vận phù hợp với tình hình đất nước, Nghị quyết khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.
        Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết TW 8B đã đạt được một số kết quả nhất định, song trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế cả về chiều rộng và chiều sâu, công tác dân vận của Đảng đang đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết đòi hỏi Đảng phải có đường lối chỉ đạo công tác dân vận cho phù hợp. Trên cơ sở kế thừa, phát triển và đổi mới những nội dung cơ bản về công tác dân vận của Đảng trong Nghị quyết TW 8B, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XI  thông qua Nghị quyết về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới", Nghị quyết xác định: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích, quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân, “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”; công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt; Các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng, khoa học, hiệu quả...Với những quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI tiếp tục thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” trước đây. Nhờ vậy, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng công tác dân vận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể: lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ngày càng nâng lên, dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và phát triển. Những thành tựu đó trước hết là do công tác dân vận đã được chăm lo, chú trong là tiền đề, là cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
        Có thể nói, 70 năm kể từ khi bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Sự thật cho đến nay những giá trị trong tư tưởng của Người vẫn còn giữ nguyên giá trị về cả lý luận và thực tiễn, thực sự là nền tảng tư tương, kim chi nam cho công tác dân vận của Đảng ta.
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận
 
 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 700;
[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 698;
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 698;
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 698;
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 698;
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 698-699
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 699;
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 699;
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 699;
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2000, t5, tr 699;

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7984127

Đang Online : 393