Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Di chúc
Ngày Đăng: 18/2/2019 14:2 Lượt xem: 593
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4 khóa XII
Từ khi chuẩn bị sáng lập Đảng - đội tiền phong của Đảng và dân tộc cho đến khi đi xa trở về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn không ngừng quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG LÀ NỀN TẢNG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”[2]. Để làm tròn nhiệm vụ đó, người cách mạng nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng phải luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, vì: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[3].
Thấm nhuần lời dạy của cổ nhân: đức là cội gốc, tài là ngọn cành; kế thừa và phát triển những yếu tố đạo đức truyền thống của dân tộc và tinh hoa của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cách mạng phải hội đủ 2 yếu tố: đức và tài, hồng và chuyên để có thể hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó. Trong khi khẳng định đạo đức là gốc, là nền tảng, Người không vì thế xem nhẹ tài năng; bởi theo Hồ Chí Minh, có đức mà không có tài thì vô dụng, nhưng nếu có tài mà không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy, người cán bộ, đảng viên cũng không quy tụ, lãnh đạo được nhân dân. Đạo đức phải gắn liền với năng lực; cùng với việc trau dồi năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ,v.v.. mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự mình rèn luyện đạo đức, hoàn thiện bản thân để quy tụ và hấp dẫn được quần chúng - từ đó, lãnh đạo, tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng có thể khái quát thành bốn nội dung cơ bản là: 1) Trung với nước, hiếu với dân; 2) Yêu thương con người; 3) Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; 4) Tinh thần quốc tế trong sáng. Những nội dung cơ bản về đạo đức đó “không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới. Đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng cá nhân mà là vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Trong đó, trung với nước, hiếu với dân và cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là hai nội dung được Người đề cập nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của mình về vấn đề đạo đức cách mạng. Là 4 nội dung cơ bản, song theo Người, tựu trung lại: “Đạo đức cách mạng là quyết tấm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[4]… Vì thế, ngay từ những ngày hoạt động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu rõ yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực của người cán bộ cách mạng bao gồm 23 điều răn: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[5]. Sau đó, ở trong những thời điểm khác nhau, Người nói nhiều về các phẩm chất đạo đức, song nhấn mạnh đạo đức cách mạng biểu hiện cụ thể ở những phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng…
Cũng theo lời Người, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, việc rèn luyện đạo đức cách mạng là yêu cầu nội tại, thường xuyên, liên tục và “không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những đức tính tốt như sau ngày càng thêm”[6].
Những đức tính tốt mỗi cán bộ, đảng viên cần phải rèn luyện, tu dưỡng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: |
Làm cách mạng là để tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những điều tốt đẹp, xây dựng nền dân chủ mới, song không phải cứ lật đổ chế độ thực dân phong kiến là những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu cũng mặc nhiên mất theo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù chế độ thực dân phong kiến đã bị tiêu diệt, nhưng các tật xấu của nó như tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu,v.v..; những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, hữu danh vô thực, óc lãnh tụ, thiếu kỷ luật, coi khinh quần chúng, kéo bè kéo cánh, cận thị, hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa; nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, diễn gương chứ không phải nêu gương… thì vẫn còn. Do đó, chừng nào, mỗi cán bộ, đảng viên chưa quét sạch những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng, thì chừng đó, cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công: vì hệ lụy của các tật xấu ấy vẫn ngấm ngầm ngăn trở, gặm nhấm và làm suy thoái đạo đức của người cán bộ, đảng viên, dẫn đến phá hoại sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong gần 90 năm xây dựng và trưởng thành, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Đó là những con người luôn lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, luôn đi đầu trên mọi trận tuyến, trong thời chiến cũng như trong thời bình, xứng đáng với vai trò vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Họ là những người đã luôn nỗ lực học tập, trau dồi tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ và luôn vì Đảng, vì nhân dân mà hết lòng, hết sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Họ luôn tu dưỡng đạo đức, sống cần, kiệm, liêm, chính, làm việc chí công vô tư; không công thần, không lo kèn cựa chế độ đãi ngộ; không quan liêu, kiêu ngạo, tham ô, tham nhũng, lãng phí, chạy tuổi, chạy bằng cấp; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; luôn nghiêm khắc, thường xuyên tự phê bình và phê bình... để ngày càng tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, của lợi ích nhóm… nên đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước… Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”. Đó là những người sa vào “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”[8], trở thành những con sâu mọt “thoái bộ, lạc hậu”, “ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng” đã và đang đưa lại những tổn thất rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Với họ, lời nói không đi đôi với việc làm, nói giỏi về đạo đức cách mạng nhưng thực tế thì rời xa những phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng, “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”[9]… Họ luôn đe nẹt, phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, coi khinh người ngoài Đảng, tự cho mình nhiều đặc quyền, đặc lợi, hưởng thụ một cách xa hoa từ vị trí được giao phụ trách,v.v.. và cuối cùng họ đã rời xa lý tưởng của người cộng sản, không còn năng lực quy tụ và lãnh đạo quần chúng. Điều đáng lo ngại là những sai phạm của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ấy, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã bị đưa ra xét xử, đưa ra khỏi Đảng gần đây không những làm thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm rạn vỡ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân...
Hiểu sâu sắc rằng, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[10] và Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những tấm gương sống động trong thực tiễn chứ không phải chỉ là những tấm gương trên lời nói, là sự tiên phong, gương mẫu trên mọi lĩnh vực chứ không chỉ dừng ở chương trình hay, bản báo cáo thành tích tốt... Với quần chúng, người cán bộ đảng viên phải “đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc”; “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân”, nghĩ đến công việc chứ đừng vội nghĩ đến hưởng thụ, để từ đó mà khéo nâng cái tốt, khéo sửa chữa cái xấu thì nhất định sẽ tiến bộ từng ngày, sẽ trở thành mẫu mực để quần chúng noi theo. Những điều Hồ Chí Minh căn dặn, những việc Người đã gương mẫu thực hành trong cả lời nói và việc làm luôn toả sáng, in đậm trong tái tim mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đó chính là giá trị và ý nghĩa của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN PHẢI THẬT SỰ THẤM NHUẦN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
Thấu triệt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lời Người để lại trong bản Di chúc lịch sử: “Trước hết nói về Đảng” và yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…, trong các văn kiện của Đảng, nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, yêu cầu về rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu để Đảng "là đạo đức, là văn minh"; trong đó, tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là nội dung cần thiết, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nghị quyết khẳng định xây dựng Đảng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ (2016-2020), với nội dung cơ bản là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[11]; “Tập trung thực hiện mục tiêu: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[12]…
Bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Để đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần và rèn luyện đạo đức cách mạng hiệu quả, thiết thực, trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã và đang triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” cùng các Quy định “Về những điều đảng viên không được làm”, Quy định số 101-QÐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 124-QĐ/TW về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, Quy định số 109-QĐ/TW về “Công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” và gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương"... Thông qua đó, tạo sự chuyển biến, từ nâng cao nhận thức sang hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên, tại mỗi tổ chức cơ sở đảng bằng cách gắn thực hành đạo đức cách mạng với phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phát huy cái tích cực, đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần quan trọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song cuộc đời, sự nghiệp của Người là một mẫu mực của đạo đức cách mạng, luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, gương mẫu đi đầu, đặc biệt là tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời. Người luôn khẳng định đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng là nhu cầu tự thân; đồng thời là yêu cầu tất yếu, khách quan của người cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng. Không chỉ nêu ra, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. |
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc; để việc rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của đội ngũ cán bộ, đảng viên trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Một là, ngày mỗi ngày, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực học tập lý luận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng… Thông qua đó, giúp mỗi người rèn luyện và giữ vững bản lĩnh chính trị, sự kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết; đồng thời, thiết thực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quần chúng nhân dân đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể chú trọng: 1) Phòng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, bè phái, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm… 2) Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân… 3) Yêu thương con người, đồng bào, đồng chí; gần dân, trọng dân, chăm lo đời sống nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả trên tinh thần tự nguyện và tự giác, thường xuyên và lâu dài…
Hai là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường để làm mẫu mực cho quần chúng. Trong đó, mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải nêu gương về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm, cao hơn là làm rồi mới nói, làm nhiều nói ít...; xây đi đôi với chống, trong xây có chống và ngược lại, xây dựng và bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp gắn liền với chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người tùy chức năng, nhiệm vụ được giao phải tận tâm, tận lực thực hiện đúng và tốt chức trách được giao; đi trước, làm gương cho quần chúng noi theo, tránh kiểu “đánh trống bỏ dùi”; phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám “cả quyết sửa lỗi mình; làm gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, tránh vì lợi ích cá nhân mà vi phạm tư cách, đạo đức, lối sống. Thông qua đó, tự soi và sửa mình, nghiêm túc tự phê bình và phê bình nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của bản thân.
Ba là, rèn luyện đạo đức cách mạng là việc phải làm thường xuyên, liên tục, suốt đời; là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống và đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, việc rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải ở trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[13]. Quá trình rèn luyện đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong mọi mối quan hệ với tổ chức và cá nhân, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; phải được sự theo giám sát của cấp ủy, của nhân dân trên tinh thần: dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có 24 năm đứng ở vị trí đỉnh cao của quyền lực, song với Người - đó chỉ là nhận sự ủy thác của nhân dân để tận tâm, tận lực cống hiến. Tấm gương của vị lãnh tụ xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng và hành động, “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[14] đã hấp dẫn, quy tụ mọi người xung quanh mình và ngời sáng cho muôn đời các thế hệ con cháu mai sau suy ngẫm, học tập, noi theo./.
Ths. Văn Thị Thanh Hương
Trưởng ban Sách Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật
Nguồn: tuyengiao.vn
-------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15 tr.611-612
[2], [3], [6], [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5 tr.293, 292-293, 291, 291-292
[4],[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603, 612
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280-281
[8], [9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, ngày 30/10/2016
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16
[11], [12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.217, 202
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187
Các tin liên quan:
- ❧ 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: Thi đua phải là vì yêu nước -
- ❧ Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
- ❧ Không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh -
- ❧ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở huyện Lâm Bình -
- ❧ Tự soi để nhận diện các loại “bệnh cá nhân” -