Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Suy ngẫm về bài báo “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc (Số 199) ngày 27/3/1946

Ngày Đăng: 26/3/2019 9:37 Lượt xem: 1944

        Trên báo Cứu quốc số 199 ra ngày 27/3/1946 đăng bài báo với lời tựa “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bài báo ngắn gọn, xúc tích chưa tới 200 từ. Bài báo ra đời trong bối cảnh đất nước ta vừa mới giành được nền độc lập dân tộc, tình hình còn rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng như sự chống đối chính quyền của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Thời điểm đó, khi nói về thể dục thể thao có lẽ dân chúng còn rất thờ ơ, hoặc nếu có thì chỉ có số ít thanh niên tham gia tập luyện, vui chơi giao hữu chứ không có mục đích tích cực mà chỉ là sự ham thích, tùy hứng. Bài báo “Sức khỏe và thể dục” với mục đích kêu gọi toàn dân tập thể dục không chỉ có ý nghĩa kêu gọi đối với mỗi người dân Việt mà có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của ngành Thể dục thể thao Việt Nam.
        Sức khỏe là báu vật quý giá nhất của con người, là yếu tố tạo ra năng lực tiếp thu kiến thức với lao động làm nên mọi giá trị vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển con người với xã hội. Do đó, sẽ không sai nếu nói có sức khỏe là có tất cả. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hiểu rõ vai trò của việc tập luyện thể dục thể thao đối với sức khỏe con người. Chính vì thế Bác luôn lấy việc tập luyện hằng ngày như một lẽ sống và đó cũng là yếu tố quan trọng để Người giữ gìn và tăng cường sức khỏe không ngoài mục đích nào khác là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa.
        Mở đầu bài báo, Người đã chỉ rõ cho đồng bào ta thấy rằng “gìn giữ dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Gìn giữ dân chủ là bảo vệ chế độ mới, xây dựng nước nhà là xây dựng và phát triển các tiềm năng của đất nước, gây đời sống mới tức là xây dựng đời sống văn minh, hình thành nếp sống mới... tất cả những hoạt động ấy đều mang giá trị văn hóa cao đẹp, hướng về con người. Song, để dẫn đến sự thành công ấy cần phải có sức khỏe của nhân dân. Người nhận định “mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Vậy, nhân tố nào để mỗi người dân mạnh khỏe, cả nước mạnh khỏe? Đó chính là đời sống vật chất về ăn, mặc, ở, vệ sinh cá nhân và môi trường, các biện pháp y tế, và thể dục, thể thao.. được thực hiện tốt. Trong đó thể dục thể thao không chỉ tích cực gìn giữ và nâng cao sức khỏe mà còn tăng cường các tố chất thể lực nhằm phát huy năng lực trong mọi hoạt động của con người. Bác nhấn mạnh: “Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. “Bổn phận” tức là việc phải làm đối với mỗi người dân yêu nước vì bản thân mình và vì sức mạnh của cả nước. Như vậy, là người yêu nước phải có trách nhiệm trong việc rèn luyện sức khỏe bởi khỏe mạnh thì mới làm được việc, mới phục vụ cách mạng và phục vụ được cho nhân dân, đó còn là hành vi thể hiện lòng yêu nước.
        Việc rèn luyện sức khỏe theo Bác là “không tốn kém, khó khăn gì”, việc rèn luyện sức khỏe cũng không giới hạn ở lứa tuổi nào hay địa vị nào trong xã hội mà “gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được”. Điều này nói lên việc tập luyện thể dục thể thao là một hoạt động mang tính phổ biến, không từ chối hay lựa chọn một người nào cả. Việc rèn luyện sức khỏe là việc làm hằng ngày chứ không phải tập luyện một cách qua loa, không thường xuyên. Bác khuyên “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Định nghĩa của Người về sức khỏe là khi “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ”, như vậy sức khỏe là biểu hiện hai mặt thống nhất bao gồm sức khỏe của cơ thể và sức khỏe của tinh thần. Định nghĩa này của Bác cũng rất gần với định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO (World Health Oranriztion): “Sức khỏe không chỉ không bệnh tật hoặc không yếu đuối, mà còn là trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội
[1].
        Việc tập luyện thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, để tinh thần thoải mái được Bác lĩnh hội và thực hiện ngay khi Người học ở trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc học Huế. Khi đó, trên bức tường bên lớp học có hai khẩu hiệu viết bằng tiếng Pháp, trong đó có một câu theo nghĩa tiếng Việt được dịch là “Một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể tráng kiện”. Từ ý nghĩa của việc tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, Bác chỉ rõ “Bộ Giáo dục có Nha thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe”. Cuối bài báo Người khẳng định “Dân cường thì quốc thịnh” sự khẳng định ấy dường như là một chân lý. “Dân cường” tức là nhân dân có sức khỏe cả về mặt thể chất và tinh thần, từ đó hăng say trong lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. “Nước thịnh” tức là đất nước giàu mạnh và hưng thịnh chính nhờ sự đóng góp công sức của nhân dân. Điều đó thêm lần nữa khẳng định, sức khỏe là một nhân tố cơ bản quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Từ khẳng định ấy Người thiết tha kêu gọi “tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục” và Người khẳng định“ tự tôi ngày nào cũng tập” tức là việc tập thể dục là một nếp sống văn hóa thường nhật của Người. Do vậy, trong suốt cuộc đời, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nếp tập luyện đều đặn, thường xuyên. Vì vậy, dù thời gian có trôi qua, mái tóc của Bác thêm bạc màu nhưng dường như tuổi tác không làm khó được ý chí rèn luyện, quyết tâm làm việc và cống hiến cho đất nước của Người. Việc tự luyện tập hằng ngày của Bác cũng là một hành động nêu gương thiết thực cho mỗi người để luyện tập thể thao và rèn luyện sức khỏe.
        73 năm đã trôi qua từ ngày Bác viết bài báo “Sức khỏe và thể dục” đăng trên trang nhất báo Cứu quốc số 199 (27/3/1946) cho đến nay chúng ta lại càng thấm thía và thấy được tầm nhìn xa trông rộng của Bác đối với sức khỏe của người dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong những năm qua đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được Đảng ta quan tâm và thể hiện bằng những hành động cụ thể. Văn kiện Đại hội XII của Đảng (2016) khẳng định: “Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân”
[2], cùng Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Sức khỏe Việt Nam”, nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 đến năm 2030 và hướng tới đối tượng được thụ hưởng là toàn dân. Chương trình Sức khỏe Việt Nam đề cập đến 3 mục tiêu cụ thể, một trong các mục tiêu đó là nhấn mạnh tới việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân…
        Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, hiện nay phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được lan tỏa rộng rãi. Từ làng quê đến thành phố nơi nào người dân cũng tích cực tham gia vào các phong trào tập luyện thể dục thể thao; việc đầu tư các thiết bị hỗ trợ được lắp đặt miễn phí trong công viên, dọc các tuyến đường hay sân chơi của nhà văn hóa... được người dân hưởng ứng nhiệt tình, qua đó đã tạo ra những hoạt động thể dục thể thao lành mạnh, có tính cộng đồng cao. 
        Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tấm gương rèn luyện hằng ngày của chính Người có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân Việt Nam. Do đó, việc rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác là hoạt động đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của mỗi cá nhân gắn với phương châm “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng thời còn là việc làm hiệu quả khi toàn dân đang thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh./.
                                                      Triệu Thị Bạch Vân
                                  Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc Gia, HN.2004, tập4
  2. Văn hóa thể chất Hồ Chí Minh,Nxb Thể dục thể thao, HN. 2012
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH ĐBTQ lần thứ XII của Đảng, HN.2016
 

[1] Wikipedia Tiếng việt
[2] ĐCS Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XII (2016), Nxb CTQG, HN, tr. 78

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7983188

Đang Online : 4