Nghiên cứu - Trao đổi

Tuyên Quang xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày Đăng: 22/10/2019 11:7 Lượt xem: 706

          Đội ngũ trí thức là nguồn lực quan trọng, phản ánh sức mạnh của mỗi quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng và trí tuệ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Khẳng định đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng, đánh giá cao sự cống hiến của đội ngũ trí thức, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 27- NQ/TW, ngày 06-8-2008 "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết đã khẳng định:“Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá trí thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”[1].
          Nhận thức được vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng như xây dựng và phát triển của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đã luôn quan tâm phát triển đội ngũ trí thức. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 27-10-2008 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15-4-2009 thực hiện Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 13-5-2011 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020… HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, kế hoạch... để chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, thu hút cán bộ trình độ cao về tỉnh công tác và cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã chủ động trong công tác chỉ đạo triển khai tại cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo các mục tiêu, giải pháp về xây dựng đội ngũ trí thức theo tinh thần Nghị quyết số 27- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X).
          Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức về nội dung của Nghị quyết, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
          Trong những năm gần đây, công tác xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh được đổi mới toàn diện trên các mặt như: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức của tỉnh đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh có 18.654 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó, về trình độ chuyên môn: Tiến sỹ 37 người, Thạc sỹ 915 người, CKCII 40 người, CKCI 172 người, Đại học 9.790 người, Cao đẳng 3.671 người, Trung cấp 4.030; về trình độ lý luận chính trị, tổng số: 10.013 người, trong đó: Cao cấp 895 người, Trung cấp 5.941 người, Sơ cấp 3.177 người. Việc thành lập và phát huy vai trò của các hội trí thức được đặc biệt quan tâm.  Hiện nay, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh  có 11 hội thành viên, với trên 15 nghìn hội viên, là nơi tập hợp đội ngũ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, đây là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
          Việc khai thác, phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của trí thức có trình độ cao phục vụ trong công tác quản lý trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng. Đội ngũ trí thức của tỉnh đã phát huy vai trò của mình trong nghiên cứu, hoạch định các chính sách, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có nhiều đóng góp vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, trình độ quản lý nhà nước của chính quyền; tích cực nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, vận dụng lý luận vào thực tiễn của tỉnh, đánh giá, tổng kết thực tiễn, xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch, đề tài khoa học, các cơ chế chính sách, những mô hình tiên tiến, cách làm hay... cho tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn đạt 7,9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
          Lực lượng trí thức ở các lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân, để lại dấu ấn đậm nét về vai trò của trí thức trong đời sống xã hội, bước đầu đặt nền móng căn bản cho sự phát triển giáo dục, y tế của tỉnh. Quy mô giáo dục được mở rộng, chất lượng được nâng lên, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đạt kết quả tốt. Mạng lưới trường lớp đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm đảm bảo, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97%, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội 12,71%, có 8,1 bác sỹ/10.000 dân; Trí thức trong các đơn vị khoa học kỹ thuật như Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, đã góp phần xây dựng, chuyển giao, thực hiện tốt nhiều chương trình hoạt động, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, các đề tài, dự án triển khai trên địa bàn đã nghiên cứu thành công đưa ra nuôi trồng đại trà các loại giống cây, con mới, áp dụng công nghệ chế biến và bảo quản nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư đổi mới, nâng cao dây chuyền, thiết bị chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như chế biến chè, mía đường… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
          Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của Tuyên Quang có những hạn chế như: còn thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, thiếu chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực (Khoa học công nghệ, xây dựng, y tế, giáo dục…); trình độ ngoại ngữ của đội ngũ CBCCVC còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thu hút trí thức có trình độ cao về công tác tại tỉnh còn khó khăn; cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về ngành nghề, số lượng đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn chưa nhiều; còn một bộ phận trí thức bằng lòng với hiện tại, thiếu hoài bão, chưa thường xuyên rèn luyện; công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm; việc nắm bắt, khảo sát đội ngũ trí thức trong nhân dân chưa thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để quản lý, sử dụng trí thức trong nhân dân tham gia đóng góp cho địa phương... Thiết nghĩ, để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức của tỉnh phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, trong thời gian tới cần:
          Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết 27-NQ/TW bằng việc đẩy mạnh xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách có liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức, tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài. Tạo môi trường và những điều kiện thuận lợi nhất để đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ trí thức có tài, có đức, phát huy năng lực bản thân, cống hiến cho xã hội.
          Thứ hai, đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, địa phương, đơn vị.
          Thứ ba, tạo cơ hội để đội ngũ trí thức tự nguyện đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ trong cộng đồng, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ vào sản xuất và đời sống. Qua đó, phát huy khả năng sáng tạo của toàn dân, phát huy năng lực, thế mạnh của đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH- HĐH, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
 
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng  
 
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,tr161

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8009138

Đang Online : 2026