Nghiên cứu - Trao đổi

"Niềm tin được xây dựng từ hành động" (Kỳ 1)

Ngày Đăng: 29/7/2024 13:50 Lượt xem: 206


          Trong tác phẩm: Dân vận (10/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”[1]. Khắc ghi lời Bác dạy, dân vận khéo không chỉ bằng phương pháp tuyên truyền hiệu quả mà còn bằng chính hành động thực tiễn “miệng nói, tay làm” của người cán bộ ở cơ sở. Từ những hành động đó, sẽ làm gương và lan tỏa, lôi cuốn mọi người làm theo, góp phần giúp công việc thành công. Đó cũng là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhường, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Phai Tre B, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - một trong những tấm gương sáng trong công tác dân vận khéo, với sự nhiệt huyết và tận tâm, chị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng cộng đồng đoàn kết và phát triển.
***
          Kỳ 1: Làm cho dân hiểu, dân tin...
           Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nam Định, năm 2008 chị Nhường “bén duyên” và theo chồng về làm dâu ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ngày đó, mọi thứ vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện. Lên miền sơn cước, chị Nhường rất ấn tượng bởi những bản làng ở trên này thưa thớt, hẻo lánh, đồng bào chủ yếu là người Nùng, người Dao, người Tày... Cách sống của đồng bào cũng giản dị, mang nhiều tập tục; nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, đồng bào tự túc lấy hầu hết mọi nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, từ cái ăn đến cái mặc nhưng sự đoàn kết và tình cảm gắn bó, chân thành là điều mà chị cảm nhận rõ nét nhất.
           Năm 2010, chị bắt đầu tham gia công tác xã hội, với cố gắng và nỗ lực của bản thân, chị Nhường được kết nạp vào Đảng. Năm 2014, chị được bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn, công việc mới với những yêu cầu mới khiến chị Nhường vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm. Với đặc thù vùng miền, bà con nơi đây chủ yếu sinh sống ở các nếp nhà sàn, được dựng chủ yếu bằng những nguyên vật liệu sẵn có trên rừng. Tầng trên để ở và sinh hoạt, tầng dưới tận dụng chăn nuôi, buộc trâu bò dưới gầm sàn, nuôi lợn, gà, vịt cũng dưới gầm nhà sàn...một cách tự nhiên. Công tác vệ sinh khác như nhà tiêu, chuồng nhốt riêng trâu bò xa nơi sinh hoạt chưa được chú trọng, do đó có hiện tượng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống ở nhiều gia đình. Đồng thời, do thói quen sinh hoạt từ lâu nên bà con cứ tiện đâu vứt rác đó, chính vì vậy có thời điểm sau khi ở làng có đám hiếu, rác thải đổ ra suối khiến dòng chảy bị ứ đọng, nhiều dòng suối bị nghẽn vì rác thải đã bốc mùi khó chịu và ảnh hưởng rất xấu tới môi trường.
          Trước tình hình đó, chị Nhường nhận thấy, nếu cứ để rác thải bừa bãi, nuôi nhốt gia súc, gia cầm không phù hợp thì sẽ làm môi trường sống, sinh hoạt bị ô nhiễm và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bà con. Nghĩ như vậy nhưng khi bắt tay vào thay đổi thì lại cả một câu chuyện khó khăn, bởi thay đổi một thói quen không phải là dễ. Lý do là bởi với người dân nơi đây, nếp sống ấy đã bao đời nay, từ đời này qua đời khác đều như vậy và ngay cả trong gia đình nhà chồng chị cũng sinh hoạt như thế. Đồng thời, một trở ngại lớn với chị là do không biết tiếng địa phương (tiếng Dao và Tày), nên chị Nhường gặp không ít khó khăn khi đi tuyên truyền. Thế nên, mỗi lần đi tuyên truyền tới các hộ dân là người Dao, người Tày, chị lại nhờ một đồng chí biết tiếng đi cùng, tuy nhiên, nhiều khi ý tưởng của chị muốn truyền tải tới bà con lại không được như mong muốn của chị. Khó khăn chồng chất khó khăn cũng bởi chị là người trẻ, lại ở địa phương khác tới, vì thế chưa có tiếng nói đủ uy tín để động viên bà con làm theo - điều này khiến chị Nhường rất trăn trở và suy nghĩ...
 
Chị Nhường trong một buổi tuyên truyền cho bà con về vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh

          Muốn tuyên truyền hiệu quả, ngoài việc nói miệng thì cần phải bằng hành động cụ thể. Chị Nhường quyết định thay đổi từ trong chính nếp nhà của mình trước. Ban đầu, gia đình nhà chồng cũng không hưởng ứng, chị cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong chính gia đình của mình. Thế nhưng, để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình về lâu dài, chị kiên quyết làm và động viên mọi người thực hiện theo. Trước hết, chị vận động mọi người trong gia đình thay đổi thói quen nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gần sàn bằng cách xây dựng chuồng nuôi nhốt và chăn thả gia súc, gia cầm cách xa với nơi ở. Tuy nhiên, chuồng nuôi nhốt phải đảm bảo yêu cầu về an toàn vì đó là tài sản lớn của gia đình. Chị động viên chồng giúp sức để thiết kế và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ không chỉ nói miệng mà phải bằng việc làm cụ thể. Với rác thải, chị lên rừng lấy cây rồi nhờ mẹ chồng đan thành cái giỏ to để đựng rác, chị để 2,3 cái giỏ ở những nơi phù hợp trong nhà, vận động mọi người trong nhà ý thức giữ vệ sinh sạch sẽ, bỏ rác đúng nơi quy định. Rác thải nào tiêu hủy được chị dồn lại, ủ hoặc gom cùng lá cây khô để đốt làm phân bón, rác thải nào không phân hủy được, chị đào hố sâu và chôn xuống.

Ngày cuối tuần lao động dọn dẹp vệ sinh của bà con tổ dân phố thôn Phai Tre B
 
           Kiên trì và bền bỉ, thay đổi từ chính trong gia đình mình trước, hành động đó của chị Nhường đã khiến bà con chú ý. Thấy hiệu quả, một vài hộ trong thôn cũng đã bố trí xây dựng chuồng nuôi nhốt trâu bò, chăn nuôi lợn gà cách xa nơi sinh hoạt của gia đình. Nhiều gia đình đã ý thức được việc làm nhà tiêu hợp lý, dù chưa thực sự “hiện đại” nhưng cũng đã đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, sự chuyển biến rõ nét nhất là ở nhiều gia đình đã biết để rác đúng nơi quy định. Đến thời điểm hiện nay, mỗi hộ gia đình đã có thùng đựng rác, khoảng 60% bằng rổ hoặc xô nhựa, tuy nhiên thùng rác theo tiêu chuẩn chưa nhiều...nhưng việc vứt rác bừa bãi đã không còn, hoặc nếu có nhưng ít. Sau mỗi đám cưới, đám hiếu dù có lượng rác thải ra nhiều nhưng bà con đã chủ động thu gom rác vào các bao tải và mang ra thùng rác công cộng.
          Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải, tận dụng những chế phẩm từ tự nhiên để làm phân hữu cơ bón cây cũng được bà con chú ý. Nhiều nhà đã phân loại rác phù hợp ngay trong căn bếp của mình, điều này vừa không lãng phí, vừa giúp có nguồn nguyên liệu chăm cây. Rác thải được xử lý đúng quy định, những dòng suối được “trả lại” sự trong lành và yên ả. Ngày cuối tuần chị Nhường còn vận động mọi người tham gia lao động, thu dọn rác ở xung quanh nhà, ngoài đường tạo cảnh quan sạch sẽ, hạn chế muỗi, vắt, rắn... Chị Nhường nhận thấy, để bà con thấy được lợi ích, thì người cán bộ cần phải làm trước, chủ động và xắn tay vào làm để nêu gương, từ quần áo, vệ sinh cá nhân đến việc bỏ rác thải đúng quy định, đảm bảo môi trường sống trong lành, sạch sẽ. Điều này trước hết mang lại lợi ích cho bản thân mình, sau đó giúp cho bà con nhận thức được vấn đề về vệ sinh môi trường. Có thể thấy, việc thay đổi một thói quen vốn không phải dễ dàng, đó vừa là sự nhận thức, vừa là hành động thực tế. Với hành động tích cực của trưởng ban công tác mặt trận, đã giúp bà con thay đổi thói quen trong tham gia các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, phân loại rác thải... đây cũng là một sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng và thiết thực thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
           Không chỉ đảm bảo công tác giữ vệ sinh thôn xóm, chị còn làm mẫu trong việc hướng dẫn bà con trồng hoa màu. Thường trên vùng cao, người dân chỉ trồng 2 vụ, vụ thứ 3 hầu như đất đai để không, cỏ mọc um tùm. Rau ăn hằng ngày mùa nào thức đó, phụ thuộc lớn với các loại rau trên rừng. Chị Nhường có lẽ là người đầu tiên đưa cây bắp cải, cây su hào, rau cải ngọt và một số loại cây vụ đông vào trồng, chăm sóc trong vườn nhà. Rau hợp thổ nhưỡng, khí hậu nhanh chóng bén rễ và phát triển tốt. Đến thời điểm thu hoạch, ngoài đủ phục vụ dư dả cho gia đình, chị còn mang biếu một số gia đình trong thôn. Thấy chị trồng được rau ăn, lại là loại rau ngon, năng suất, ít được trồng thời điểm đó và chỉ mua được qua những buổi chợ phiên, cho nên nhiều người đến học hỏi kinh nghiệm. Chị Nhường nhiệt tình hướng dẫn cách làm, cách chăm sóc cũng như mua giống cây rau chất lượng cho bà con. Từ thời điểm đó, ngoài trồng rau màu, chị Nhường còn hỗ trợ bà con trong thôn biết cách trồng và bảo quản hạt đỗ tương không bị mối mọt, sử dụng được lâu dài. Cũng từ những hành động cụ thể đó, chị Nhường đã góp phần nhỏ bé của mình vào thay đổi “nhận thức” cho bà con, từ việc giữ gìn vệ sinh đến trồng trọt các loại rau màu của vụ 3. Qua đó, không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm tươi rau củ ngon, an toàn mà còn giúp nhiều hộ gia đình chủ động khắc phục được tình trạng khan hiếm rau xanh, phụ thuộc vào thiên nhiên. Với sự nỗ lực, trách nhiệm và nhiệt tình cùng những hoạt động thiết thực, chị Nhường được bà con trong xóm tin tưởng, quý mến, năm 2016 chị được tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016-2021.
********


Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận cơ sở
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 6, tr.232, 233

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8669220

Đang Online : 74