Nghiên cứu - Trao đổi

"Niềm tin được xây dựng từ hành động" (Kỳ 2)

Ngày Đăng: 29/7/2024 13:57 Lượt xem: 18

          Trong tác phẩm: Dân vận (10/1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”[1]. Khắc ghi lời Bác dạy, dân vận khéo không chỉ bằng phương pháp tuyên truyền hiệu quả mà còn bằng chính hành động thực tiễn “miệng nói, tay làm” của người cán bộ ở cơ sở. Từ những hành động đó, sẽ làm gương và lan tỏa, lôi cuốn mọi người làm theo, góp phần giúp công việc thành công. Đó cũng là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nhường, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố Phai Tre B, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - một trong những tấm gương sáng trong công tác dân vận khéo, với sự nhiệt huyết và tận tâm, chị đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng cộng đồng đoàn kết và phát triển.
***

Kỳ 2: Học dân, hiểu dân, lắng nghe dân
          Được sự quan tâm của tổ chức, chị Nhường được tham gia học tập các lớp bồi dưỡng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, về công tác dân vận... những kiến thức quý báu ấy đã giúp chị Nhường rất nhiều khi vận dụng vào thực tiễn. Cùng với sự nhiệt tình và trách nhiệm, chị Nhường vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó có Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Lăng Can khen thưởng vì thành tích trong thực hiện Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Với chị đó không chỉ là sự động viên kịp thời, là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân mà còn là động lực để chị hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
­Nhớ lại thời điểm chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được bắt đầu. Được trực tiếp nghiên cứu văn bản, chị Nhường nhận thấy xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa to lớn làm thay đổi và mang lại sức sống mới cho nông thôn, cho đời sống của Nhân dân. Ghi sâu lời Bác dặn “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng”[1]. Do đó, để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cần phải đem “tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Đồng thời, bất kỳ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thực hành. Đặc biệt, người cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể cần cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công việc rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều vướng mắc còn tồn đọng.
          Thế nhưng, từ chủ trương đúng đắn và đi vào thực tế gặp không ít khó khăn. Để người dân hiểu và làm theo thì cần sự tuyên truyền và giúp nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc tham gia xây dựng nông thôn mới, cũng như huy động được các nguồn lực của địa phương. Nhiều tiêu chí còn khó khăn thực hiện, trong đó có xây dựng đường giao thông nông thôn - với đặc thù địa phương, giao thông còn khó khăn gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống bà con. Do đó, xây dựng đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quyết định để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.
          Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm và vận động Nhân dân cùng chung tay, góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành tiêu chí này. Với phương châm “Việc gì dễ thì làm trước, khó làm sau”, chị Nhường đã đến từng gia đình nắm bắt hoàn cảnh để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp dân hiểu được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, vẫn còn một số hộ gia đình thiếu tinh thần hợp tác, gây khó khăn cho công việc chung. Có những hộ đi tuyên truyền một lần chưa thông, chưa xuôi, chị kiên trì đi nhiều lần. Có thời điểm đi tuyên truyền nhưng nhiều gia đình không chịu gặp, đi nhiều lần họ mới chịu nói chuyện song kết quả thì lại không như mong muốn, họ kiên quyết không thực hiện bởi việc đó làm ảnh hưởng tới lợi ích của gia đình họ. Vậy làm cách nào để giải quyết khó khăn đó? Một mặt, vẫn phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vì sao cần xây dựng đường giao thông nông thôn. Mặt khác, cần có sự khéo léo trong vận động, trong việc tuyên dương những gia đình hiến đất làm đường để lan tỏa sự tích cực.  Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, đầu tàu, gương mẫu vận động anh em, họ hàng thực hiện trước để làm gương. Sau khi bàn bạc cùng gia đình, chị Nhường đã mạnh dạn và đi tiên phong trong việc hiến đất làm đường. Một phần đất vườn của gia đình với chiều dài là 25 m ×1,5m chiều rộng được chị hiến đất để làm đường ngõ xóm. Thời điểm vận động, tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, với bản thân chị cũng là khoảng thời gian gặp phải nhiều khó khăn bởi sự đánh giá mang tính chủ quan của một số người, thậm chí cả người trong gia đình như cho rằng chị “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, toàn làm việc đâu đâu... Thế nhưng, những lời nói đó không vì thế khiến chị nản lòng, chùn bước, chị luôn cố gắng để vừa hoàn thành việc nhà, vừa đảm bảo công việc chung. Chị nhận thức rõ những việc chị làm không phải chỉ vì lợi ích của bản thân mà vì sự thay đổi của thôn xóm. Đồng thời, trong thực hiện công việc chị Nhường luôn theo dõi, đôn đốc, khuyến khích bà con. Chị cũng nhiệt tình tham gia lao động xây dựng đường giao thông cùng bà con. Sự đồng lòng của nhân dân được đền đáp khi con đường mới được mở rộng khang trang, sạch đẹp, cũng từ khi có con đường mới, mọi việc trở nên thuận lợi hơn: mùa mưa không lo bùn bẩn, “mùa vàng” thóc lúa được vận chuyển về nhanh chóng; đường mới cũng trở thành “động lực” cho nhiều gia đình dành dụm sắm sửa xe máy để đi lại thuận lợi; từng bước chân hối hả trên con đường mới theo mọi người đi học, đi làm...
 
Con đường mới với cột đèn năng lượng Mặt trời thắp sáng đường quê

          Nhiệt tình, tận tâm với công việc, khéo léo trong vận động quần chúng, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Bí quyết để chị Nguyễn Thị Nhường - người có “thâm niên” giữ cương vị Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận thôn hoàn thành các nhiệm vụ, đó là cần phải “học dân, hiểu dân, lắng nghe dân”. Để “hiểu dân”, chị đã cố gắng học tiếng của đồng bào dân tộc Dao, Tày nơi đây. Với chị, việc biết thêm được tiếng dân tộc, chị Nhường thấy “tự tin” hơn khi về với cơ sở, khi tiếp xúc với bà con. Dù giao tiếp không được trôi chảy như người bản địa nhưng vốn từ hiện nay cũng đủ để chị trao đổi các công việc để bà con hiểu hơn và nhờ đó công tác tuyên truyền của chị cũng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chị cũng cố gắng tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi dân tộc để khi đến tuyên truyền chị không chỉ với vai trò là người cán bộ xã mà còn như người trong gia đình, để chia sẻ cả những niềm vui, những nồi buồn. Nhiều gia đình chị phải đến rất nhiều lần vận động, nói chuyện, như “mưa dầm thấm đất” mãi họ mới mở lòng và chia sẻ với chị. Với tinh thần “dân vận khéo”, chị đã khéo léo cùng tổ hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cộng đồng, giúp các bên hiểu nhau hơn và tìm ra giải pháp hợp lý, tạo nên một môi trường sống hòa thuận và yên bình. Chị cũng luôn quan tâm đến những hộ gia đình khó khăn, vận động các nguồn lực để hỗ trợ họ về vật chất và tinh thần. Bằng những hành động cụ thể như vận động quyên góp, kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, chị đã mang lại niềm vui và hy vọng cho nhiều người dân. Bên cạnh đó, chị còn vận động, khuyến khích và hỗ trợ các em nhỏ trong học tập, giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện.
 
Chị Nhường (người bên trái, đeo khẩu trang) cùng bà con trong thôn giúp hộ gia đình có người ốm đau bệnh tật, làm có ruộng
 
          Chị tâm sự rằng, mỗi lần về với cơ sở, được trao đổi với bà con, cùng với với tinh thần cầu thị, chị Nhường lại tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý cho bản thân. Hiểu và lắng nghe những tâm tư của bà con, chị càng thấy rõ trách nhiệm của mình, phải làm sao để góp phần giúp đời sống bà con ngày một thấm khá hơn, tốt đẹp hơn. Cùng làm, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung nên khi nhìn thấy thành quả đạt được, từ sự vận động, tuyên truyền được bà con hiểu, tin và làm theo, mang lại lợi ích thiết thực, với chị -  đó là niềm vui lớn nhất...
******

Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận cơ sở
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 6, tr.232

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8283479

Đang Online : 1533