Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hiện phong trào "Tết trồng cây" theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày Đăng: 30/1/2020 8:25 Lượt xem: 493
Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người năm xưa, đến nay Tết trồng cây đã trở thành một phong trào tốt đẹp của đất nước và dân tộc.
Ngày 28/11/1959, lấy bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân số 2082, chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Sau khi phát động phong trào, Tết Nguyên đán năm 1960 Bác là người đầu tiên và gương mẫu thực hiện. Bác đã trồng cây đa tại công viên Thống Nhất (nay là Công viên Lênin) vào ngày 11/1/1960, mở đầu cho phong tục mới vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Với Bác, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.
Tết Nguyên Đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết đón xuân. Người chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều"; "Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia"1. Chúng ta đã có các phong trào “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tết trồng cây làm theo lời Bác”,“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Bên cạnh lợi ích kinh tế, Bác khẳng định, phong trào Tết trồng cây cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng. Bác chỉ rõ, nếu phong trào trồng cây phát triển mạnh, đất nước ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng tươi tốt, mà rừng chính là thành lũy vững chắc của thế trận quốc phòng. Thực tế trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, những hàng cây xanh tươi dọc theo các con đường quốc lộ, tỉnh lộ, các bờ kênh, bờ mương… là những tấm lưới ngụy trang khổng lồ, giúp cho bộ đội phòng không của ta cơ động tiêu diệt máy bay Mỹ.
Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức Tết trồng cây. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ Tết trồng cây với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”2. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”3. Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó.
Trong bài viết cuối cùng của mình về Tết trồng cây ngày 5/2/1969, Bác nhắc tới “ích lợi to lớn cho kinh tế quốc phòng” của việc trồng cây gây rừng, và nhắc nhở “đồng bào các địa phương phải biến đồi trọc thành vườn cây”. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/2/1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác đã tự tay trồng một cây đa trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Cho đến tận ngày nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong trào tốt đẹp của dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về.
Thực hiện lời dạy của Bác về Tết trồng cây, hằng năm cứ vào dịp gặp mặt đầu xuân năm mới, Trường chính trị tỉnh Tuyên Quang lại phát động phong trào Tết trồng cây trong cán bộ, giảng viên và duy trì hiệu quả hoạt động Tết trồng cây dịp đầu xuân. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên nhà trường về việc trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Tích cực xây dựng cảnh quan môi trường tại cơ quan trong sạch, lành mạnh, tạo không gian xanh trong nhà trường. Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động Tết trồng cây dịp đầu xuân, nhà trường luôn nghiên cứu, lựa chọn trồng các loại cây phù hợp với cảnh quan nhà trường, điều kiện thổ nhưỡng, kết hợp hài hòa giữa trồng cây bóng mát với cây ăn quả, cây cảnh, phù hợp với quy hoạch chung của cơ quan. Phát huy vai trò của Công đoàn, chi đoàn thanh niên nhà trường trong việc nhận trồng và bảo vệ cây xanh, chăm sóc vườn hoa, đảm bảo cho cây phát triển tốt. Phong trào tết trồng cây do nhà trường phát động hàng năm đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên, góp phần tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, cơ quan văn minh.
Một mùa xuân mới lại về, nhớ lại lời dạy của Người năm xưa, chúng ta càng thấy ý nghĩa và giá trị lớn lao từ lời dạy của Bác. Những lời phát động về Tết trồng cây của Bác Hồ từ năm 1959 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, giúp chúng ta thêm hiểu được nhiều hơn ý nghĩa sâu xa của phong trào Tết trồng cây, để cùng chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn ./.
TLTK:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr 388.
(2),(3) Sđd, tập 12, trang 536, 437.
Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
Khoa Nhà nước và pháp luật
Tin mới nhất:
- ❧ 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: Thi đua phải là vì yêu nước -
- ❧ Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
- ❧ Không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh -
- ❧ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở huyện Lâm Bình -
- ❧ Tự soi để nhận diện các loại “bệnh cá nhân” -