Nghiên cứu - Trao đổi

Vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp đổi mới đất nước

Ngày Đăng: 31/1/2020 9:35 Lượt xem: 390

          Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, giành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư. Với trọng trách được Đảng và nhân dân giao đồng chí đã thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo tài năng, có tư duy sắc bén, kiên định, quyết đoán, sâu sát thực tiễn, gần gũi với nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng to lớn trong việc đề ra những chủ trương, quyết sách lớn đưa đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống.
          Vai trò nổi bật của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp đổi mới đất nước được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
          Thứ nhất, là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn, thử thách.
          Cuối năm 1985 – đầu năm 1986, nền kinh tế trong nước trì trệ, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết tâm lãnh đạo khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới tư duy và cơ chế chính sách. Tháng 6/1986 đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Với tư duy lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí tiếp tục khẳng định quan điểm đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; phải đổi mới từng bước cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế với những cách làm, bước đi thích hợp; chính sách kinh tế phải gắn liền, đồng bộ với chính sách xã hội; kích thích các đòn bẩy kinh tế, phát huy cao độ vai trò của khoa học – kỹ thuật và công nghệ. Nhận thức được tầm quan trọng của công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với đồng chí Nguyễn Văn Linh và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa V đã chỉ đạo chặt chẽ xây dựng và hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội VI của Đảng.
           Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (12/1986), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư, với tư duy đổi mới đồng chí đã thẳng thắn nêu quan điểm phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật, đặc biệt là chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm để đề ra những biện pháp giải quyết khó khăn. Đồng chí khẳng định, để tiến hành công cuộc đổi mới đạt hiệu quả, Đảng phải có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong từng thời kỳ; tiến hành đổi mới phải toàn diện đảm bảo có nguyên tắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa với hình thức, biện pháp thích hợp, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, ổn định sản xuất và cuộc sống của nhân dân trong thời điểm có nhiều biến động lớn trên thế giới.
          Triển khai thực hiện đường lối đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa tập trung thực hiện những quan điểm có ý nghĩa chiến lược của Đảng, vừa thay đổi phong cách lãnh đạo đảm bảo sâu sát và dân chủ, giải quyết công việc đạt hiệu quả, vừa có lý luận vừa có thực tế để không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều quyết sách quan trọng làm thay đổi tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (05/4/1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân với quy mô hợp lý và ổn định trong 15 năm đã tạo ra động lực mới cho sự phát triển nền kinh tế.
           Bằng trí tuệ của nhà lãnh đạo xuất sắc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng tổ chức lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội  đại biểu lần thứ VI của Đảng. Giai đoạn 1986 – 1990 đất nước dần vượt qua những khó khăn, bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng:
          Về kinh tế, năm 1988, từ một nước phải nhập 45 vạn tấn gạo giải quyết khó khăn về lương thực, sau một năm đã vươn lên đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ và xuất khẩu. Năm 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước. Từ năm 1990, lạm phát được kiềm chế, từ ba con số giảm xuống còn hai con số (67%). Chính trị, xã hội ổn định; phá thế đất nước bị bao vây cấm vận, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới.
           Trong hoạt động đối ngoại, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trực tiếp tham gia thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, giải quyết vấn đề quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị và ổn định trong khu vực, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức ASEAN; nối lại quan hệ với các nước Tây Âu; tạo cơ sở thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, phá thế bị bao vây, cấm vận, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước.
            Như vậy, với nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã góp phần quyết định vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, luôn đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới, để lại dấu ấn đặc biệt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
          Thứ hai, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên quyết đấu tranh chống sự trì trệ, bảo thủ, quan liêu, các hiện tượng tiêu cực, tạo đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
          Trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí không ngừng bổ sung vào kho tàng lý luận của Đảng bằng một loạt các bài viết đăng trên các báo. Từ ngày 25/5/1987 đến 28/9/1990 đã có 27 bài viết đăng trên báo Nhân dân đề cập chủ yếu đến việc chống tiêu cực, nói thẳng, nói đúng sự thật, làm trong sạch bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước. Thông qua các bài viết đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội thể hiện tính công khai, dân chủ. Những bài viết của ông với bút danh N.V.L ngắn gọn, súc tích đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhanh chóng được dư luận xã hội đồng tình, hưởng ứng.
           Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một số bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn chỉ ra những căn bệnh như quan liêu, tham nhũng, lãng phí có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa. Với mong muốn tiến hành đổi mới nhằm xóa bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu; xây dựng cái mới, cái tốt đẹp, qua các bài báo Những việc cần làm ngay đăng trên báo Nhân dân, ông đã kiên quyết phê phán những việc làm tiêu cực, biểu dương những việc làm tốt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiếp tục khẳng định và kiên quyết tiến hành công cuộc đổi mới đi tới thành công.
           Với sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng và trong xã hội, bằng những lập luận khúc triết, rõ ràng những bài viết của đồng chí Tổng Bí thư thực sự đã hấp dẫn, lôi cuốn được sự chú ý của nhân dân, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
           Sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 30 năm qua đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa to lớn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống nhân dân không ngừng nâng lên; thế giới biết đến một Việt Nam hòa bình, ổn định, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế và khu vực, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng lên trên trường quốc tế. Để có được những thành quả đó, chúng ta – thế hệ trẻ hôm nay tưởng nhớ, biết ơn công lao to lớn của các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8284510

Đang Online : 18