Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Ngày Đăng: 2/6/2020 13:55 Lượt xem: 1085

          Việt Nam là một quốc gia có biển. Biển Việt Nam không chỉ có tiềm năng tài nguyên phong phú mà còn có vị trí địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, biển, đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, không chỉ giúp đất nước ta làm giàu từ biển mà còn làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vùng biển nước ta có diện tích khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiềm gần 30% diện tích biển Đông. Bờ biển nước ta dài 3.260km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Vùng biển nước ta có 3.000 hòn đảo lớn nhỏ được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả nước có 28/63 tỉnh, thành phố có biển, với 125 huyện ven biển, trong đó có 12 huyện đảo.
          Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới biển, đảo vì vậy người thường xuyên đến thăm nhân dân các địa phương vùng biển và quân chủng hải quân. Người đã nhiều lần tới Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và thăm các đảo như đảo Tuần Châu, đảo Hòn Rồng, đảo Cồn Cỏ, đảo Cô Tô, đảo Vạn Hoa, đảo Bạch Long Vĩ… Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề biển, đảo được thể hiện trong các bài nói, bài viết của Người với nhân dân, chiến sỹ vùng biển nơi Người đến thăm.
          Vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo      
          Trước khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh đã có hành trình đi khắp 5 châu, 4 biển để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Hành trình đó giúp Người nhận thức rất rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo.
          Hồ Chí Minh đánh giá rất cao tiềm năng kinh tế của biển đối với sự phát triển của đất nước. Trong bài phát biểu tại phiên họp Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khóa III, tháng 4 năm 1962, Người khẳng định sự giàu có của biển nước ta: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt / Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”1. Người nói biển là “biển bạc” vì biển nước ta có tiềm năng, tài nguyên rất phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt; có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế du lịch.
          Không những thế, theo Hồ Chí Minh “bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng”2 đối với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng. Với bờ biển chạy dọc từ Bắc tới Nam theo chiều dài đất nước, biển, đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng-an ninh của đất nước, hình thành nên tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Lịch sử Việt Nam cho thấy trong các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta thì có tới 2/3 các cuộc bắt đầu từ hướng biển. Vì vậy, khi nói về vị trí chiến lược quan trọng của biển, Hồ Chí Minh ví biển như mặt tiền, như “cửa trước” của “ngôi nhà Việt Nam”. Trong bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển, vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ ẩn núp ở miền biển để phá phách.”3.
          Lời căn dặn giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
          Biển, đảo Việt Nam có vị trí vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng của Tổ quốc, Người nhắc nhở: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”4. Để làm được điều đó, theo Hồ Chí Minh cần phải thực hiện nhiều “nhiệm vụ quan trọng”. Mỗi một cơ quan, tổ chức, mỗi một cá nhân, người dân đều có những trách nhiệm và những nhiệm vụ riêng, nhưng vai trò tiên phong trước hết đặt lên vai mỗi người dân sống ở địa phương có biển và các chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam. Theo Người, nhân dân miền biển phải là người “bảo vệ bờ biển” phải “là người canh cửa cho Tổ quốc”5. Bởi vì, nếu không giữ được biển thì người bị thiệt hại đầu tiên chính là đồng bào miền biển. Đối với quân chủng hải quân, Người nói “Nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”6. “Là chiến sỹ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”7. Năm 1955, nhân dịp Hải quân nhân dân Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cán bộ và chiến sỹ hải quân. Trong thư, Người dành những lời khen ngợi cho những thành tích vẻ vang về xây dựng chiến đấu của bộ đội hải quân, đồng thời không quên nhắc nhở bộ đội hải quân phải “nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc”, “ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu” quyết tâm bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc.
          Những lần đến thăm đảo Cồn Cỏ, Hàm Rồng và các đảo khác, Hồ Chí Minh đều thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống cho các anh em cán bộ chiến sỹ như đảm bảo nước ngọt, sắm đài tin tức cho anh em nghe, nhắc nhở anh em tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống và sinh hoạt. Người cũng luôn căn dặn các cán bộ, chiến sỹ phải “học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”8. Người không chỉ quan tâm, chăm lo đời sống chiến sỹ trên các hải đảo của Tổ quốc mà còn thường xuyên cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sỹ. Người chỉ rõ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, các lực lượng vũ trang phải biết đoàn kết, dựa vào nhân dân.
          Khắc ghi lời Bác dặn
          Khắc ghi lời Bác dạy về bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến việc phát huy lợi thế của đất nước về biển, đảo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của kinh tế biển, phát triển kinh tế ở hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế9. Đến Đại hội lần thứ VIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của các vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc10. Xác định phát triển kinh tế biển và tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới, tại Đại hội lần thứ IX, Đảng ta chủ trương: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo… Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển11. Phát triển quan điểm của Đại hội IX, Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế12. Nhằm phát huy lợi thế kết hợp với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, Đại hội lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biến tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền của biển. Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”13.
 Trong tình hình mới, nhất là khi Trung Quốc có nhiều hành động đe dọa đến chủ quyền biển đảo của nước ta trên biển Đông, Đảng ta tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong việc xử lý các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay, đó là phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo, không bị kích động, xúi giục gây xung đột vũ trang, chiến tranh; giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Do vậy, đối với vấn đề biển Đông, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển đang trở thành nhiệm vụ nặng nề, đặt trước nhiều thách thức khó khăn. Trong tình hình đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững14.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”15.
          Như vậy, qua các kỳ đại hội, Đảng ta đều thể hiện quan điểm thống nhất, gắn phát huy lợi thế kinh tế biển kết hợp với kiên quyết giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Quan điểm này chính là sự kết thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thể hiện sự phát triển năng lực tư duy lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó cũng là ý chí, nguyện vọng, sự đồng lòng chung sức của nhân dân Việt Nam thể hiện quyết tâm giữ vững vùng biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh.

 Thạc sĩ Lê Thị Hồng Hạnh
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2004, tập 10, tr.543
2-Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hn, 2008, tập 8, trang 46
3-Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2004, tập 8, tr.151
4-Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc giá, Hn, 2008, t8, tr.46
5-Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2004, tập 8, tr.151
6-Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t8,Nxb Chính trị quốc gia, 2009,  tr46
7-Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t8,Nxb Chính trị quốc gia, 2009, tr310
8-Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, t7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.249
9-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia, HN.1996, tr68
10-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, HN.1996, tr57
11-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2001, tr.181-182
12-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.225
13-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.125
14-Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 95.
15-Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2018, tr. 72, 73.
 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8694216

Đang Online : 12