Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tuyên Quang quan tâm, chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ theo "Di chúc' của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 27/7/2020 10:21 Lượt xem: 774

          Trong “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt đối với những liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, Người viết: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng  xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỉ niệm ghi sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với những người may mắn còn được trở về nhưng đã vĩnh viễn để lai một phần cơ thể của mình nơi chiến trường Người căn dặn:“Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên dành sự quan tâm đối với gia đình thương binh, liệt sĩ:“Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét[1]. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến thương binh, liệt sĩ không phải là một đối tượng chung chung mà Người chỉ ra những công việc hết sức cụ thể đối với từng nhóm đối tượng cần chăm lo riêng biệt. Đó đều là những người đã có những đóng góp hy sinh cho Tổ quốc, nhưng sự hy sinh, cống hiến ở mỗi người, mỗi nhóm đối tượng là khác nhau và vì thế từ nội dung, mức độ, cách thức chăm sóc, quan tâm chăm lo giúp đỡ đối với từng đối tượng cũng khác nhau.
          Quan tâm, chăm lo cho những người đã cống hiến, hi sinh xương máu của mình cho Tổ quốc là nghĩa vụ, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc. Trong các kỳ Đại hội Đảng, từ Đại hội VI (1986) đến nay, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng”[2].Tại Đại hội XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công ; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân[3]. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã không ngừng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Những chính sách này đã được luật hóa thành hai pháp lệnh: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng).
          Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi vinh dự là “Thủ đô Khu Giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến” được Đảng và Bác lựa chọn nơi ở, chỉ đạo kháng chiến trong những giai đoạn quan trọng của cách mạng. Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 đối tượng chính sách, trong đó có 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, gần 3.000 thương binh, bệnh binh, trên 4.000 gia đình liệt sĩ,  gần 3.000 người bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin[4]. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của địa phương.
          Trong những năm qua, Tuyên Quang đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng đúng, đủ, kịp thời. Lãnh đạo các cấp của tỉnh thực hiện việc thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Quốc khánh 2/9[5]. Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức đón tiếp và phục vụ đại biểu thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", đại biểu thân nhân gia đình liệt sĩ được tặng Huân chương Độc lập về đón nhận Danh hiệu và dự Lễ kỷ niệm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
          Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần “Tự lực cánh sinh”, “Thương binh tàn nhưng không phế” các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình, chính sách cụ thể để hỗ trợ thương binh, các gia đình có công với cách mạng không ngừng phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định, sung túc và vươn lên làm giàu. Phát huy truyền thống cách mạng, bản chất bộ đội Cụ Hồ, những gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực, tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương. Điển hình như tấm gương ông Đào Xuân Chiến, thương binh hạng 2/4 thôn Nậm Kép, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) chăn nuôi trâu và trồng rừng, thu lãi 100 triệu đồng/năm[6]; bệnh binh Phạm Xuân Du, thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành cùng gia đình đi đầu trong chuyển đổi cây cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như chè, cam vào thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả cùng nhiều tấm gương thương, bệnh binh khác trên địa bàn tỉnh đã góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng nông thôn mới.
          Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị về thực hiện chính sách đối với người có công, việc tổ chức rà soát và tiến hành cấp đổi thẻ BHYT cho các đối tượng đảm bảo chính xác, kịp thời. Hiện nay, 100% đối tượng chính sách là người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở y tế thuận lợi nhất. Công tác quản lý, chăm sóc các nghĩa trang liệt sỹ, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sỹ ở các địa phương đã đi vào nền nếp, ổn định, thường xuyên phục vụ tốt việc thăm viếng, tri ân của các cơ quan, đoàn thể và Nhân dân. Tỉnh Tuyên Quang đã dành sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang, sạch đẹp. Toàn tỉnh hiện có 92 công trình ghi công liệt sỹ đó không chỉ là nơi để thân nhân, gia đình và Nhân dân đến tri ân, tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập cho dân tộc mà còn là nơi để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, giáo dục lòng biết ơn và tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng trên quê hương.
          Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản “Di chúc” thiêng liêng, bất hủ. Trong đó, vấn đề chăm lo đời sống các gia đình thương binh, liệt sĩ được thể hiện rất sâu sắc bằng tất cả tấm lòng yêu thương con người, tinh thần nhân văn cao cả của vị lãnh tụ suốt đời hết lòng vì nước, vì dân. Thực hiện lời căn dặn trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, Tuyên Quang đã và đang thực hiện tốt công tác ý nghĩa này nhằm khẳng định bản chất nhân văn của chế độ ta đồng thời tri ân sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hi sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân.
 
Thạc sĩ Bùi Trung Dũng
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2011, tập 15, tr.616
[2]Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb CTQG, HN,2006, tâp 47, tr.558
[3]Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, HN,2011, Tr.136
[4] Báo cáo Sở Lao động TB và XH tỉnh Tuyên Quang: Báo cáo đánh gíá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019
[5]Năm 2019, số quà tặng là 35.050 suất, số tiền hơn 6.300 triệu đồng. Trong đó, Quà của Chủ tịch nước 16.689 suất, số tiền 3.465 triệu đồng; Quà của tỉnh 18.361 suất, số tiền 2.835 triệu đồng; Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà 70 đối tượng người có công với cách mạng tiêu biểu, số tiền: 49 triệu đồng; Tặng quà của tỉnh cho 5 tập thể,7 thương binh, bệnh binh đang điều dưỡng tại 05 Trung tâm điều dưỡng NCC, số tiền 25,6 trđ.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8004564

Đang Online : 2130