Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

75 năm tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập" - Giá trị lịch sử và ý thời đại

Ngày Đăng: 1/9/2020 16:48 Lượt xem: 747

          1.“Tuyên ngôn độc lập” - Những giá trị lịch sử
          Thứ nhất, trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định những giá trị thiêng liêng của quyền con người và từ đó nâng lên thành quyền của các DÂN TỘC.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn lại những câu mở đầu trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng của nước Mỹ và nước Pháp. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776 khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1]. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"[2]. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh lại viện dẫn lời trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới của hai quốc gia lớn Mỹ và Pháp để mở đầu cho bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của cách mạng Việt Nam. Việc trích dẫn những câu nổi tiếng của hai bản Tuyên ngôn này cũng sẽ là một dẫn chứng quan trọng về mặt lý luận bởi đó là những lẽ phải không ai chối cãi được và từ quyền con người được khẳng định, Người nâng lên thành “quyền của các dân tộc”. Dân tộc nào dù có văn minh, lạc hậu thì cũng đều có những quyền thiêng liêng ấy đó là: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những “lẽ phải” là tất yếu, là thuộc về chân lý mà không ai có thể tự cho mình cái quyền chối cãi lại được. Quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người là thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm và chỉ có thể thực hiện được quyền bình đẳng dân tộc, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của các dân tộc trên thế giới mới đảm bảo thực hiện quyền con người một cách thực sự.
          Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập đã nêu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và những khẳng định về nền độc lập, quyết tâm gìn giữ nền hòa bình độc lập của dân tộc Việt Nam.
          Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thông qua các cao trào cách mạng (1930-1931; 1936-1939) cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ về lực lượng do vậy “khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Cộng hòa dân chủ”. “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập.Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa”. Đó là thực tế lịch sử vô cùng oanh liệt, hào hùng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
          Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký ở Việt Nam, những đặc quyền mà Pháp yêu cầu ở Việt Nam đã không còn có hiệu lực. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Đó là một sự khẳng định cho tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân ta, không chỉ đứng lên đấu tranh giải phóng mình mà còn góp phần trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại chống phát xít. Do vậy “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sự khẳng định ấy thể hiện ý chí và khát vọng của cả một dân tộc quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của dân tộc, đó cũng là sự thể hiện rõ nét truyền thống đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.
          Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tức là tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới về sự hiện hữu của một nhà nước mới, một giá trị mới, thành quả của cuộc cách mạng giành chính quyền. Từ đây, Chính phủ lâm thời Việt Nam đã có được một địa vị hợp pháp trong điều hành, quản lý đất nước và Việt Nam với Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng về quyền của các dân tộc có giá trị đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý tiến bộ của loài người.
          2. “Tuyên ngôn độc lập” - Ý nghĩa thời đại
          Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời đại, khi những tư tưởng, quan điểm của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, sự thống nhất biện chứng giữa quyền độc lập dân tộc và quyền sống của mỗi con người. Lịch sử đã cho thấy, khi đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, nhân quyền sẽ bị chà đạp nghiêm trọng. Hiện nay, tình hình khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang tác động mạnh mẽ tới nhiều quốc gia, dân tộc; nhiều vấn đề đang nảy sinh yêu cầu các quốc gia cần giải quyết như: Vấn đề nợ công, thất nghiệp, sự biến động về chính trị, chiến tranh can thiệp, nội chiến; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế... tất cả những điều đó cho thấy tính phức tạp của tình hình và quan hệ quốc tế. Cũng từ đó, các dân tộc đều có quyền bình đẳng, quyền độc lập tự do Hồ Chí Minh đề cập trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 mãi nguyên giá trị, vẫn đã đang và sẽ mãi là chân lý lớn của thời đại.
          Với Việt Nam, sau 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, góp phần tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức với những âm mưu diễn biến hòa bình, các chiêu bài dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ở nước ta; những diễn biến phức tạp về việc xâm phạm, tranh chấp chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay giữa các nước có liên quan… hơn lúc nào hết chúng ta thấy được tinh thần của Tuyên ngôn độc lập để Việt Nam tiếp tục kiên định lập trường trước sau như một trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đó chính là sự kế thừa và tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, của những giá trị mà Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Vì thế, các thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn tự hào về những thành quả cách mạng của cha ông đã giành được, đồng thời phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đem hết tâm trí và sức lực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
          Sau khi giành được độc lập, nhiệm vụ bảo đảm quyền con người, đặt quyền con người ở vị trí trang trọng thể hiện ngay từ bản Hiến pháp 1946. Đến bản Hiến pháp năm 2013, Điều 14 nêu rõ: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đồng thời, Hiến pháp mới ghi nhận thêm nhiều quyền như quyền sống, quyền không bị tra tấn, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền tự do kinh doanh “trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”… Trên cơ sở Hiến pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Đến nay pháp luật về quyền con người đã khá đầy đủ và nhìn chung tương thích với những nguyên tắc, quy định của Luật Nhân quyền quốc tế. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã và đang ngày càng chủ động và tham gia tích cực tại Liên Hợp quốc về quyền con người, đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, tham gia vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư…
          Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Ngày hôm nay, tinh thần đoàn kết ấy tiếp tục được khẳng định:“Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Tinh thần, cũng như sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ nét từ những ngày đầu năm 2020 đến nay khi toàn dân quyết tâm đoàn kết thống nhất, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước “chống giặc và chiến thắng giặc Covid-19”. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài. Tình hình đó, đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải đoàn kết từ Trung ương đến cơ sở, vừa ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
          Sau 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau 35 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn những giá trị độc lập, tự do; quyền con người và quyền của mỗi dân tộc; phát huy sức mạnh đoàn kết mà Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, quan hệ quốc tế vừa có những thuận lợi vừa có nhiều thách thức hiện nay, đây chính là điểm tựa chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr.1
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr.1
[3] Văn kiện ĐH ĐB toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN.2016, tr. 158

 
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8694215

Đang Online : 11