Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với cách mạng Việt Nam trong 72 năm qua

Ngày Đăng: 6/11/2020 8:26 Lượt xem: 900

          Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua yêu nước, Lời kêu gọi đã có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi hy sinh gian khổ của dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Trải qua hơn 7 thập kỷ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác cùng với nhiều bài nói chuyện, bài viết của Người trở thành những quan điểm chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước,là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
          Trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan điểm mới: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”[1]. Đây là quan điểm thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư tưởng của Người về thi đua, thể hiện cách nhìn sâu rộng và là một sự phát triển mới về thi đua. Với quan niệm “Thi đua là yêu nước”, Bác đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng mới. Theo Người, thi đua không chỉ là hoạt động sáng tạo, tích cực trong lao động, trong công việc hằng ngày, mà nó trở thành hoạt động tư tưởng và tinh thần, của lòng yêu nước, là biểu hiện của tinh thần đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và tinh thần quốc tế cao cả.
          Theo Người mục đích thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể, là khơi dậy, phát huy được tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người đều hăng hái, tích cực, sáng tạo, ngày càng làm được nhiều điều tốt hơn trong xã hội.
           Nội dung cốt lõi về thi đua yêu nước trong tư tưởng của Người là toàn diện, thi đua trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, nội dung thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân.
           Để thực hiện hiệu quả nội dung thi đua đó phải có cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước phù hợp. Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng; trong quá trình thi đua, Người thường lưu ý, phải coi trọng sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm. Từ những sáng kiến và kinh nghiệm trong từng ngành, lĩnh vực, ở một địa phương, cơ quan, đơn vị… sẽ được phổ biến, lan rộng ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, cho đến cả nước; phải coi những sáng kiến, kinh nghiệm là tài sản vô giá, cần được phát huy và phổ biến: “Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”[2].
            Người chỉ rõ phương châm thi đua yêu nước là:  “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Thi đua để tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết lại đẩy mạnh thi đua.
             Về lực lượng thi đua, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng của phong trào thi đua yêu nước là toàn thể nhân dân: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”[3].
            Dưới sự soi sáng của tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm qua, trong mỗi giai đoạn cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước luôn gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, làm cho phong trào có nội dung và khí thế sôi nổi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu, giành được những thành tựu to lớn, góp phần đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.
             Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”  và “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu" (01/3/1950),… đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần vẻ vang sứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
            Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam(1954 - 1975):Thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về "Ðẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước" (26/1/1961), ở miền Bắc, các ngành, các cấp đã phát động nhiều phong trào thi đua, tiêu biểu như: Phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt"... Các phong trào này đã tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tích cực, lao động, sản xuất và chiến đấu góp phần quan trọng đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ.Ở miền Nam, các phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công,” “Dũng sĩ diệt Mỹ", “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” diễn ra sổi nổi, đã phát huy được truyền thống yêu nước, anh hùng, tạo nên niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
          Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nướcđến nay: Tư tưởng thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”…Và gần đây cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả bốn phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, giai đoạn 2019-2025”.
          72 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo, định hướng các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Trải qua 9 kỳ Đại hội thi đua yêu nước, phong trào thi đua yêu nước đã lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, không quản hy sinh gian khổ, sẵn sàng đem hết trí tuệ, sức lực phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X với niền tin tất thắng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục góp sức đưa đến những kết quả thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t5, tr 407
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, t7, tr 404
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, t7, tr 556

 
Thạc sĩ Phùng Thị Hà - Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
Thạc sĩ Trình Thị Thu Thảo - 
Giảng viên khoa xây dựng Đảng 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8004785

Đang Online : 107