Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong đào tạo lý luận chính trị

Ngày Đăng: 25/10/2017 9:24 Lượt xem: 1013

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác huấn luyện cán bộ. Người từng nói: "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Theo Người: cách mạng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học, làm nghề gì phải thông thạo nghề đó.
           Hồ Chí Minh cho rằng: huấn luyện thì phải "huấn" và "luyện". "Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc" (1). Để huấn luyện thực sự hiệu quả, trước hết cần phải thiết thực, chu đáo trong công việc huấn luyện. Tức là, phải nắm chắc các câu hỏi và câu trả lời trước khi thực hiện huấn luyện. Cần xác định được câu hỏi: Huấn luyện ai? Tức là đối tượng huấn luyện, gồm cán bộ, hội viên của các đoàn thể, huấn luyện các ngành chuyên môn của chính quyền và huấn luyện nhân dân. Sau khi xác định được đối tượng huấn luyện, phải xem: Ai huấn luyện? Theo Hồ Chí Minh, không phải ai cũng làm được nhiệm vụ huấn luyện. Người làm nhiệm vụ huấn luyện là người phải thạo nghề nghiệp, phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Để phù hợp với thực tế luôn vận động, biến đổi, người huấn luyện phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phải gắn lý luận với thực tế thì mới làm tốt nhiệm vụ huấn luyện. Về nội dung huấn luyện, cần chú ý: Huấn luyện gì? Có nhiều nội dung cần phải huấn luyện, đó là huấn luyện lý luận, công tác, văn hóa, chuyên môn (nghề nghiệp), chính trị gồm thời sự và chính sách. Vậy huấn luyện như thế nào? Theo Người, trong huấn luyện cần thiết thực chu đáo chứ không nên tham lam. Lấy người ở cấp dưới lên huấn luyện rồi để họ tiếp tục huấn luyện cho cấp dưới nữa. Trong huấn luyện phải gắn lý luận với thực tế, huấn luyện phải đúng nhu cầu và phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng cho người được huấn luyện. Về tài liệu để huấn luyện bao gồm: tài liệu của Chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm thành công cũng như thất bại do những người đi học mang đến: những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ.
Trong huấn luyện, phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học cho cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: học tập ở trường của đoàn thể phải biết tự động học tập. Phải hiểu "Học để làm gì?", "Học để tu dưỡng tư tưởng; Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; Học để tin tưởng; Học để hành". Trả lời cho câu hỏi: Học ở đâu? Bác từng nói: học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.
          Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ, trong đào tạo học viên lý luận chính trị - hành chính và các chương trình bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, cán bộ quản lý và giảng viên nhà trường cần xác định rõ một số yêu cầu sau:
          Thứ nhất, cán bộ quản lý và giảng viên nhà trường phải thông thạo nghề của mình và phải thường xuyên học tập để hành nghề cho thật tốt. Xác định là những người làm công việc huấn luyện cán bộ, giảng viên nhà trường cần phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc theo lời dạy của Hồ Chí Minh. Phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm tốt các nội dung huấn luyện theo chức năng, nhiệm vụ của nhà trường và công việc được giao của mỗi người, nhằm làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội dung quy định tại chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các chương trình bồi dưỡng cán bộ theo quy định của Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính quốc gia.
          Hai là, trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, phải thiết thực, chu đáo, nghĩa là phải nắm được nhu cầu để huấn luyện đúng nhu cầu của cán bộ cơ sở. Không được "hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực, chu đáo"(2) như Bác Hồ từng phê bình công tác huấn luyện cán bộ. Cần lưu ý: Đối với cán bộ làm việc trong các cơ quan hành chính thì phải thông thạo công việc hành chính. Giảng dạy lý luận chính trị cần phải thiết thực, không dạy theo cách học thuộc lòng mà phải hướng dẫn cách vận dụng lý luận vào giải quyết công việc thự tế ở cơ sở. Một trong những nguyên tắc quan trọng mà giảng viên cần thực hiện là phải gắn lý luận với thực tế. Người từng dạy: " Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành mù quáng. Lý luận không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"(3). Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là để ứng dụng vào thực tế, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng phân công chứ không phải chỉ thuộc sách  "cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia" nhưng nhiệm vụ được giao thì lại không hoàn thành. Đó là những lời dạy sát thực nhất đối với giảng viên Trường Chính trị - những người trực tiếp làm công việc huấn luyện cán bộ.
          Thứ ba là, việc mở các lớp huấn luyện cán bộ, không nên mở các lớp quá đông. Theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các lớp đào tạo trung câp lý luận chính trị - hành chính mở tại các trường chính trị tỉnh, thành phố không được quá 70 học viên. Số lượng học viên đông quá, như Bác Hồ từng phê bình là tham làm nhiều, làm không chu đáo, không đảm bảo chất lượng huấn luyện.
         Thứ tư là, trong đào tạo học viên lý luận chính trị - hành chính phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng cho học viên. Đồng thời phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học. Mỗi học viên phải xác định rõ mục đích, động cơ của việc học tập, tự mình có ý chí, nghị lực trong học tập, sẵn sàng lĩnh hội tri thức để áp dụng vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ. Khắc phục tình trạng lười học lý luận chính trị - một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay.
          Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ trong nhà trường, đồng thời đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị, nâng cao chất lượng dạy học trong Trường Chính trị hiện nay là giải pháp thiết thực nhất góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng "về tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến', "tự chuyển hóa" trong nội bộ", góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
                                                       
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Phó Hiệu trưởng
Ghi chú:
( 1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H, 2011, t6, tr359
( 2). Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H, 2011, t6, tr356
( 3). Hồ Chí Minh -Về vấn đề trí thức và cách mạng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 57).
                                                                      

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8372122

Đang Online : 3746