Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc

Ngày Đăng: 22/11/2017 14:0 Lượt xem: 878

        Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là một trong những di sản tư tưởng quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta. Mục tiêu của đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng con người thoát khỏi sự nô dịch, áp bức, bất công. Đoàn kết phải là một chiến lược lâu dài chứ không phải  là vấn đề mang tính sách lược nhất thời. Sự đoàn kết đó phải được thực hiện một cách toàn diện, trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một số vấn đề mang tính định hướng rút ra từ thực tiễn cách mạng nhằm thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, người cộng sản muốn làm cách mạng thắng lợi phải đoàn kết, tập hợp được tất thảy mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào tín đồ các tôn giáo.
        Trước tiên, phải tôn trọng tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Ngay từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề này. Người nhắc nhở các hội viên lớp huấn luyện quân tuyên truyền cách mạng phải “tránh phạm đến phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân” và nên “tìm hiểu phong tục tập quán nghiêm túc chấp hành điều kiêng"[1]. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, chiến sĩ, đảng viên phải học tập nghiên cứu phong tục, tín ngưỡng của nhân dân.
        Bên cạnh đó, phải chống âm mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết lương giáo của các thế lực phản động. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo, chia rẽ quần chúng tín đồ với cán bộ cách mạng. Để cho mọi người hiểu rõ và bà con giáo dân an tâm, năm 1947, Người viết thư cho giám mục Lê Hữu Từ nêu rõ lập trường, quan điểm của mình: “Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế. Nhưng không vì vậy mà bài xích, nghi kị, đối đầu nhau, cần phải tôn trọng tự do tín ngưỡng”[2].
        Theo Hồ Chí Minh, muốn đập tan âm mưu chia rẽ lương giáo thì phải tích cực tuyên truyền giải thích rõ ràng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để đồng bào các tôn giáo hiểu và làm theo.  Người khuyên đồng bào hãy cảnh giác chớ mắc mưu kẻ địch tuyên truyền lừa bịp và “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”[3].
        Ngoài ra, để thực hiện chính sách đoàn kết tôn giáo, theo Hồ Chí Minh ta phải chấp nhận sự khác biệt, khai thác điểm tương đồng trong các tôn giáo. Người chú ý khai thác sự tương đồng giữa chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, giữa lý tưởng của người cộng sản với mong muốn ước vọng của tín đồ tôn giáo chân chính, giữa  tư tưởng nhân văn của các vị giáo chủ với những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học. Đồng bào các tôn giáo phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, vì mục tiêu độc lập dân tộc và giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi sự áp bức, nô dịch. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải đem lại cơm ăn, áo mặc và tự do tín ngưỡng cho quần chúng có đạo. Người chỉ rõ: “Nguyện vọng của đồng bào giáo dân là “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. Muốn như thế thì phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải đảm bảo tín ngưỡng tự do”[4].
        Hồ Chí Minh luôn tôn trọng và đánh giá cao vai trò, uy tín của hàng ngũ giáo sĩ, nhà tu hành, đặc biệt là những người đứng đầu các tôn giáo với quần chúng tín đồ. Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp gỡ đại biểu các tôn giáo, kêu gọi họ lãnh đạo tín đồ cùng hợp tác với Chính phủ để lo cho nền độc lập nước nhà. Tháng 10-1945, Hồ Chủ tịch đã cử phái đoàn Chính phủ lâm thời về Phát Diệm dự lễ tấn phong giám mục Lê Hữu Từ, đồng thời mời giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao của Chính phủ. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chủ tịch với các chức sắc tôn giáo.
        Chính bằng thái độ trân trọng, tin tưởng với tinh thần cầu thị, chủ trương đoàn kết dân tộc mà Người đã quy tụ được nhiều chức sắc có uy tín lớn trong các tôn giáo. Nhiều tín đồ, chức sắc Công giáo được giao trọng trách trong Chính phủ như: Giám mục Lê Hữu Từ, ông Ngô Tử Hạ được mời làm Cố vấn tối cao của Chính phủ, linh mục Phạm Bá Trực là Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Hà là Bộ trưởng Kinh tế, bác sĩ Vũ Đình Tụng là Bộ trưởng Y tế… tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng khối đoàn kết tôn giáo.
        Hồ Chí Minh rất coi trọng việc khai thác các giá trị nhân bản có trong các tôn giáo, coi đó là điểm tương đồng với đạo đức, truyền thống dân tộc để thu hút tập hợp và xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Người ca ngợi tấm lòng bác ái cao cả của Chúa Giêsu, tinh thần đại từ bi cứu độ chúng sinh của Đức Phật Thích Ca và tấm lòng nhân nghĩa của Khổng Tử. Đồng thời, Người khẳng định: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau. Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”[5]. Có lẽ chính vì vậy, một nhà báo phương Tây đã viết: “Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”[6].
         Trên cơ sở nắm vững lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ những bài học lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời, qua những hoạt động phong phú của cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Những tư tưởng của Người về nội dung và phương pháp đoàn kết tôn giáo là cơ sở hoạch định chính sách đối với tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
 Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

[1]Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 1993, tr.122 
[2] Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ thành phố Hồ Chí Minh, 1988,tr.69 
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 8, tr.290-291 
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 10, tr.606
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, tr.197
[6] Phạm Văn Đồng (1990): Hồ Chí Minh – một con người, một dân tộc, một thời đại, Nxb ST, Hà Nội, 1990, tr.19
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8371413

Đang Online : 3037