Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bài thơ nhỏ - ý nghĩa lớn

Ngày Đăng: 6/12/2017 10:2 Lượt xem: 6444

          Trong thư gửi các họa sĩ năm 1951, Hồ Chí Minh đã viết “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy[1]. Với ngòi bút sắc sảo, linh hoạt, có sức thuyết phục, giàu tính trí tuệ và tính luận chiến, thơ văn của Người đã phục vụ rất lớn cho sự nghiệp cách mạng, tiến công trực diện kẻ thù; thức tỉnh, giác ngộ quần chúng; thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Cuộc đời làm cách mạng của Bác gắn với những áng thơ văn cách mạng, những vần thơ mộc mạc, giản dị như chính tâm hồn Người; điển hình là tập thơ “Nhật ký trong tù”. Giá trị của tập thơ phong phú về nhiều mặt. Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã thâu tóm giá trị của tác phẩm ở hai điểm rất chủ yếu: chất thép và chất tình.
          Đọc ”Nhật ký trong tù”, ta thấu hiểu hơn ý nghĩa sâu sắc mà Bác gửi trong những vần thơ của mình, đặc biệt ”Nghe tiếng giã gạo” - bài thơ thứ 72 (Phiên âm chữ Hán ‘Văn thung mễ thanh’) là bài thơ gợi cho tôi những cảm xúc sâu sắc nhất.
Ngày 29/8/1942, trên đường công tác sang Trung Quốc, vừa qua biên giới Việt Trung, Bác liền bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam, đến ngày 10/9/1943 mới được trả tự do. Sau gần 3 tháng bị giải khắp các nhà lao của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Bác đã viết nên bài thơ này.
                          Phiên âm chữ Hán:
              Văn thung mễ thanh
       Mễ bị thung thì, hẩn thống khổ,
      Ký thung chi hậu, bạch như miên;  
      Nhân sinh tại thế dã giá dạng,
     Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên.
 
                                         Dịch thơ:
          Nghe tiếng giã gạo
      Gạo đem vào giã bao đau đớn,
      Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
      Sống ở trên đời người cũng vậy,
      Gian nan rèn luyện mới thành công
                                  (Văn Trực, Văn Phụng dịch)
          Bài thơ là những lời tự khuyên mình song có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đó là sự thành công muốn có được phải qua rèn luyện và rèn luyện không ngừng. Vậy tại sao muốn thành công, chúng ta phải “gian nan rèn luyện”?
Hai câu đầu của bài thơ nói về công việc quen thuộc mà đối với những cư dân nông nghiệp nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng đều biết tới: công việc giã gạo. Đây là một công việc thường ngày ở nông thôn, không chỉ dừng lại trong ý nghĩa lao động mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa thâm sâu.
                             “Gạo đem vào giã bao đau đớn
                              Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.
          Bác nói đến một hiện thực thông thường mà ai cũng có thể thấy nhưng có lẽ ít người hiểu được sự “oằn mình”, “đau đớn” của hạt gạo theo từng nhịp chày. Và khi được giã xong, hạt gạo ấy xuất hiện với hình thái mới ”trắng tựa bông”. Đây là hai khâu trong một quá trình, dù là đối lập nhưng là sự đối lập hòa hợp, đi đến thống nhất biện chứng trong một sự vật: bao đau đớn/trắng tựa bông.
Trước cảnh ngộ bị giam cầm trong ngục tối, tâm trạng của người chiến sĩ có khác nào “nỗi đau đớn” của hạt gạo? “Trắng tựa bông” không chỉ mang ý nghĩa so sánh mà còn bao hàm nghĩa ẩn dụ nói lên ý chí kiên cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng được tôi luyện trong khó khăn, gian khổ. Rộng hơn là khát vọng “độc lập, tự do”. Khát vọng ấy muốn thực hiện được phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu của lớp lớp người.
 Hai câu thơ sau thể hiện triết lý sống vô cùng ý nghĩa và đúng đắn:
                               “Sống ở trên đời người cũng vậy
                                 Gian nan rèn luyện mới thành công”.
          Bác đã trực tiếp nêu lên bài học làm người, đó là phải lấy gian nan để rèn luyện ý chí tinh thần. “Gạo trắng tựa bông” vì đã chịu “bao đau đớn”; cũng như người có trưởng thành, có “thành ngọc” thì cũng phải qua quá trình rèn luyện. Bài học sâu sắc này ngụ ý nhắc nhở động viên chúng ta không nên lùi bước, nản lòng trước những khó khăn. Câu thơ chính là minh chứng cho “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Chính từ trong những thử thách và gian khó đó, con người được tôi luyện có bản lĩnh hơn. Chất “ngọc” của người chiến sĩ cách mạng tận trung với nước, hiếu với dân càng đáng trân trọng biết nhường nào!
          Chữ “thành công” Bác nhắc tới trong câu kết cũng mang tính chất triết lý của bài thơ. Để đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc tiếp thu và phát huy tri thức của nhân loại, trong tu dưỡng đạo đức tác phong cũng như trong sự nghiệp chính trị đều phải qua một quá trình phấn đấu lâu dài, vượt qua những khó khăn, gian khổ và cả những hy sinh... thì mới đi đến thành công và thắng lợi.
          Bài thơ ngắn gọn, súc tích, hàm chứa ý nghĩa giáo dục và là một thông điệp chính trị được diễn đạt giản dị, dễ hiểu; đó chính là phong cách nghệ thuật nổi bật của thơ văn Hồ Chí Minh.
          Trong quá trình tìm lại tự do cho dân tộc, Bác đã phải chịu rất nhiều khổ cực, gian khó, đã rất nhiều lần bị bắt giam, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị đánh đập, tra tấn dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ở Người vẫn tràn đầy một tinh thần lạc quan, luôn vững vàng ý chí, một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng - bởi Người luôn nhắc nhở bản thân mình:
                                “Muốn nên sự nghiệp lớn
                                Tinh thần càng phải cao
                        (Bài 1- ‘Nhật ký trong tù’ - Hồ Chí Minh)
          Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” là một trong những bài thơ như thế - tư tưởng ấy, nhãn quan ấy cho thấy cốt cách của người chiến sĩ cách mạng.
Qua những cuốn sách viết về Bác, qua hồi ký, câu chuyện kể của những nhân chứng, thế hệ hôm nay hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả mà Người đã trải qua. Mong muốn đất nước được độc lập, khao khát thấy đồng bào mình được hạnh phúc - với ý chí quyết tâm mạnh mẽ người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã rời bến Nhà Rồng, rời quê hương thân yêu chỉ với hai bàn tay trắng vào ngày 5/6/1911 để thực hiện ước vọng cao cả: tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã phải chống chọi với mùa đông giá lạnh nơi xứ người, làm tất cả mọi việc tưởng như quá sức với sức vóc của người thanh niên ấy, từ đốt lò, cào tuyết, bán báo... nhưng tất cả khó khăn, vất vả ấy được đền đáp khi Người tìm thấy Luận cương của Lênin (7/1920) - tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc và thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh con đường cứu nước ấy là hoàn toàn đúng đắn.
          Trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều đến với chúng ta một cách dễ dàng nếu không có sự cố gắng, không có ý chí rèn luyện. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển, củng cố; cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2]. Do đó, đạo đức cách mạng cần phải được rèn luyện, từ những điều đơn giản, bình dị hằng ngày. Sự thành công của sự nghiệp cách mạng hay của chính bản thân mỗi con người đều phải trải qua quá trình rèn luyện. Bài thơ cho ta thấy sức sống bền bỉ của con người Việt Nam qua những bước thăng trầm lịch sử, dù phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh nhưng vẫn vững vàng và phát triển.
          Hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Hòa chung với sự phát triển của đất nước, thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên đã và đang không ngừng học tập và rèn luyện để trở thành những con người ”vừa hồng vừa chuyên” đem tài năng và nhiệt huyết phục vụ quê hương, đất nước. Chúng ta cảm phục, tự hào vì có những người cán bộ luôn hết lòng tận tụy với dân, với nước, đem tài năng, trí tuệ phục vụ quê hương. Những tấm gương ấy nối dài truyền thống tốt đẹp của tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
          Nhưng, trước những tác động cả về mặt khách quan và chủ quan của tình hình mới, vẫn có và vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thẳng thắn nhận định; Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”’[3]. Nguyên nhân của những hạn chế đó cũng được chỉ rõ, nhưng trước hết xuất phát từ nguyên nhân chủ quan đó là: “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”[4]. Điều đó cho thấy, nếu như không có nghị lực, không có bản lĩnh cách mạng, có ý chí vươn lên, không thay đổi lại mình thì đó là một nguyên nhân khiến họ bị tụt hậu xa hơn với đồng nghiệp và đánh mất đi sự tin yêu của nhân dân.
          Thiết nghĩ, trong cuộc sống này điều quan trọng nhất đó là mỗi người luôn luôn giữ vững ý chí, không ngừng vươn lên để hoàn thiện mình. Vượt qua gian nan, thử thách, bản lĩnh con người được tôi luyện và mới đạt được thành công. Sự thành công của mỗi cá nhân góp phần vào sự thành công của đất nước, cái chung và cái riêng thống nhất với nhau. Bởi sự thành công ấy sẽ góp nên những viên gạch vững chắc để xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Trong đó, thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng chính là điều kiện cho mỗi cán bộ, đảng viên tự mình rèn luyện bản lĩnh chính trị, phòng, chống, đẩy lùi, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng..
          Có thể nói, bài thơ ”Nghe tiếng giã gạo” là sự kết hợp hài hòa, khéo léo của Văn học và Chính trị, đem đến cho ta những hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về văn phong, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời giúp mỗi người - trong đó có cán bộ, đảng viên có thêm bài học sâu sắc về ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thiện bản thân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
         
 Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 7, tr.246
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN.2011, tập 12, tr.612
[3] ĐCS Việt Nam, Văn kiện HN lần thứ tư-BCHTW khóa XII, tr.22
[4] ĐCS Việt Nam ,Văn kiện HN lần thứ tư-BCHTW khóa XII, tr.24,25

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8700972

Đang Online : 3