Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
HỒ CHÍ MINH- NGUỒN CẢM XÚC KHÔNG BAO GIỜ CẠN
Ngày Đăng: 11/5/2016 7:41 Lượt xem: 610
Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, là hình tượng đẹp, kỳ vĩ nhất trong văn học và nghệ thuật. Người đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, là nguồn cảm xúc không bao giờ cạn trong mỗi chúng ta. Ta bắt gặp trong con người Bác hình ảnh, tư tưởng của một nhà hiền triết, nhà thơ, nhà văn, nhà nghệ sĩ dân ca, những người đem lại nguồn cảm xúc cho nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp của Bác là sự kết tinh những giá trị truyền thống và dân tộc, kết hợp tinh hoa nhân loại để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Ảnh nguồn: baobinhphuoc.com.vn
Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vĩ đại cho văn học và nghệ thuật. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, thời niên thiếu của Người đã được chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan và đã nung nấu ý chí tìm đường cứu nước. Từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Văn Ba đã trở thành một thủy thủ. Sau này, vào năm 1960, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết " Người đi tìm hình của nước". Bài thơ là một trong những tác phẩm xây dựng thành công nhất hình tượng Bác Hồ: "Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi…Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre…". Và hình ảnh đêm xa nước đầu tiên của Người: " Sóng vỗ dưới thân tàu, đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở…". Có một không gian biển cả mênh mông, bầu trời xa lạ không chỉ đêm đầu tiên mà suốt cả hành trình Bác cùng với con tàu lênh đênh ngoài khơi xa. Những câu thơ đầy cảm xúc, nhuốm màu nhớ thương, lo lắng…
Trong cuộc hành trình đó, vào thời điểm giữa chiến tranh thế giới thứ nhất, ta lần lượt gặp Người là người coi vườn, quét tuyết, hầu bàn, rửa ảnh và thợ đốt lò. Những việc ấy Người làm hết sức thanh thản vì Người đang đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống. Và đó là khởi nguồn để Chế Lan Viên viết: " có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn có nhớ/ giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya…" Những câu thơ lấy cảm hứng từ lòng khâm phục, yêu kính và ngưỡng mộ Bác.
Đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, chính ở Pháp giữa 1917 và 1923, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một nhà xã hội chủ nghĩa tích cực. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là một niềm cổ vũ lớn đối với Người, và Người đã đứng về phía những người cộng sản Pháp khi họ rút khỏi Đảng xã hội. Đó chính là một bước ngoặt lớn dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.Trong suốt chặng đường gian nan ấy, bằng trí óc mẫn tiệp, sáng suốt, Người đã trở thành nhà chính trị, quân sự, ngoại giao lỗi lạc, xuất sắc nhất. Người biết kết hợp một cách khôn khéo, tài tình chiến thuật với ngoại giao, kiên trì thương lượng, nắm chắc thời cơ trước mọi tình huống, lãnh đạo dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi: giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Và tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 02/9/1945, Người đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh được lưu lại đẹp nhất trong trái tim người Việt Nam qua bài thơ Nắng Ba Đình của Nguyễn Phan Hách: "…Ta đi trên quảng trường/Bâng khuâng như vẫn thấy/ Nắng reo trên lễ đài/ Có bàn tay bác vẫy/Ấm lòng ta biết mấy/Ánh mắt bác nheo cười/Lồng lộng một vòm trời/ Sau mái đầu của Bác…"
Nhà văn Sơn Tùng là một trong số nhiều người đã dành trọn cuộc đời để viết về Bác. " Búp sen xanh" là một tác phẩm được yêu mến nhất. Họa sĩ Lê Duy Ứng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã lấy máu của mình để vẽ chân dung Bác. Nhiều nhà điêu khắc đã dựng tượng đài về Bác trên khắp mọi miền quê hương, đất nước, nhưng quan trọng hơn, Bác là tượng đài lớn trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, là " mặt trời chói đỏ" trong mỗi người Việt Nam như cách nói của Viễn Phương trong bài thơ Viếng Lăng Bác.
Có nhà phê bình văn học từng có nhận xét tinh tế rằng Tố Hữu đến với hình tượng lãnh tụ bằng cảm hứng sử thi lãng mạn. Trong thơ Tố Hữu, Người hiện lên rất đỗi giản dị, thân thương và cũng rất lạc quan, lãng mạn: "… Nhớ ông cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ Người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lưng đèo/ Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…"; Và:" Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút. Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời/ Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười/ Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi…"
Hồ Chí Minh giữa đời thường vừa gần gũi, thân tình, vừa thiêng liêng, cao cả. Hình tượng ấy thể hiện trong cảm xúc của nhà thơ Minh Huệ trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ: " Anh đội viên thức dậy / Thấy trời khuya lắm rồi/ Mà sao Bác vẫn ngồi/ Đêm nay Bác không ngủ…". Qua nhân vật anh đội viên, ta nhận ra tình cảm của nhà thơ với Bác hết sức nồng nàn, tôn kính, đó cũng là tình cảm của bao người chiến sỹ cách mạng trước tình thương bao la của lãnh tụ đối với chiến sỹ. Khi Bác bận quần áo nâu trên đồng lúa là cảm hứng để Nguyễn Văn Dinh viết: " Giữa đồng làng Bác kéo gầu giai/ Nước lan theo nụ cười hiền hậu…", và có lúc Bác như một ông Tiên: " Nhịp võng chao đều dưới mái hiên/ Sóng chừng cũng thức với ông Tiên/ Gió vào phơ phất chòm râu bạc/ Bác ngắm trăng khuya rọi xuống thềm…". Đó là người Vân Kiều đã lấy chữ Hồ làm họ của mình, là hoa râm bụt được mang từ làng Sen lên tận đồn Cha Lo để nhớ Bác: Râm bụt Làng Sen lên biên giới/ Cha Lo đỏ thắm bốn mùa hoa…"( Hoa râm bụt ở Cha Lo- Nguyễn Văn Dinh)
Rất nhiều tác phẩm về Bác sống mãi với thời gian, mang đậm giá trị nhân văn và nghệ thuật: đó là bài thơ Đôi dép Bác Hồ của Tạ Hữu Yên, đã được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc, đó là bài hát Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, là biết bao bài hát, vở kịch, bộ phim…về Bác. Trong tim chúng ta, Người mãi mãi là nguồn cảm xúc không bao giờ cạn. Tháng Năm này, nhớ Bác, cảm xúc về Bác lại dâng trào trong mỗi chúng ta./.
Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Phó Hiệu trưởng
Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Phó Hiệu trưởng
Các tin liên quan:
- ❧ 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc: Thi đua phải là vì yêu nước -
- ❧ Những bài học trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh -
- ❧ Không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh -
- ❧ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở huyện Lâm Bình -
- ❧ Tự soi để nhận diện các loại “bệnh cá nhân” -