Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG XÂY DỰNG LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012

Ngày Đăng: 7/6/2016 17:27 Lượt xem: 545

Vấn đề đưa nông dân vào làm ăn tập thể được Hồ Chí Minh đề cập rất sớm, có thể nói đồng thời với việc Người đề ra đường lối phát triển nông nghiệp. Theo Bác vấn đề đưa nông dân vào làm ăn tập thể trước hết là giải pháp tăng cường sức mạnh cho nông dân để họ làm ăn có hiệu quả hơn. Nó là con đường tất yếu đối với bất cứ một nền kinh tế nào. Tuy nhiên, đưa nông dân vào làm ăn tập thể còn thu được kết quả thứ hai là, qua làm ăn tập thể, từng bước xóa bỏ được tình trang người bóc lột người trong nông thôn.
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh đã dành một chương nói về hợp tác xã rất đầy đủ từ lịch sử phát triển, căn cứ lý luận, các loại hình hợp tác xã và cách thức tổ chức hợp tác xã. Thật bất ngờ khi đọc phần viết về cách tổ chức hợp tác xã vì nó rất phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật về tổ chức hợp tác xã kiểu mới của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, Bác viết “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng mỗi hợp tác xã. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy hợp tác xã. Cũng không phải có hợp tác xã này thì không lập được hợp tác xã kia”[1]
Hồ Chí Minh cho rằng, muốn nông nghiệp phát triển đầy đủ và nông dân thực sự no ấm, hạnh phúc thì “nông thôn phải kinh qua hai cuộc cách mạng: cải cách ruộng đất là một cuộc, cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đối công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hóa nông nghiệp”[2]. Trong vấn đề đưa nông dân vào làm ăn tập thể, Hồ Chí Minh đã nêu rõ:
Về mục đích tổ chức đưa nông dân vào làm ăn tập thể sẽ phát huy được sức mạnh tập thể nhằm cài thiện đời sống nông dân làm cho nông dân no ấm.
Về nguyên tắc tổ chức tổ đổi công và hợp tác xã theo Hồ Chí Minh nguyên tắc hàng đầu là tự nguyện, Bác viết : “Một là, không được cướng ép ai hết.
Hai là, làm sao cho những gia đình trong tổ đổi công đều có lợi...
Ba là, tổ đổi công thì phải có tổ trưởng hoặc ban quản trị. Quản trị phải dân chủ”[3]
Về phương pháp tổ chức hợp tác xã theo Người phải:
Một là, chớ ham làm mau, theo Bác: Trước khi mở rộng quy mô hợp tác xã phải chuẩn bị thật tốt tư tưởng và vật chất, tuyết đối không nên nóng vội, phải coi trọng chất lượng. Làm đến đâu phải chắc đến đấy, rồi phát triển ra dần. Khẩn trương những hết sức thận trọng
Hai là, phải thiết thực
Ba là, phải làm từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao; phong trào hợp tác hóa phải đi từ thấp đến cao...Chú ý phát triển tổ đổi công, đưa tổ đổi công từng vụ, từng việc lên thường xuyên, đưa tổ đổi công lên bình công, chấm điểm, củng cố và phát triển hợp tác xã và đi dần từ hợp tác xã cấp thấp lên hợp tác xã cấp cao.
Về củng cố và phát triển tốt hợp tác xã theo Người điều rất quan trọng là: các cơ quan nhà nước, các cấp ủy Đảng, các nông trường quốc doanh phải giúp đỡ phong trào hợp tác xã. Người quan niệm “Chính phủ cố gắng phục vụ lợi ích của hợp tác xã”[4]
Để hiện thực hóa, thể chế hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời tạo hành lang pháp lý cho loại hình kinh tế này hoạt động và phát triển phù hợp với tình hình hiện nay, ngày 20 tháng 11 năm 2012 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hợp tác xã thay thế Luật Hợp tác xã năm 2003. Với mục tiêu nhằm khuyến khích và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các hợp tác xã hiện có hoạt động theo đúng bản chất hợp tác xã. Hoạt động nhằm tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. Luật Hợp tác xã năm 2012 có một số điểm mới so với luật Hợp tác xã năm 2003, những điểm mới này chính là sự thể chế hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể.
Thứ nhất, về các loại hình hợp tác xã
Tại khoản 1,2 điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012 đưa ra khái niệm hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã là: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.
“Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý Liên hiệp hợp tác xã”.
Như vậy, Luật này làm rõ hơn bản chất hợp tác xã là tổ chức kinh tế thuộc thành phần kinh tế tập thể; quản lý dân chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng sở hữu hợp tác xã; số lượng tối thiểu 07 thành viên mới được thành lập hợp tác xã. 
Thứ hai, về cách thức tổ chức hợp tác xã theo hướng đi từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao
Tại khoản 3 điều 3 của Luật hợp tác xã xác định: “Khi hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp.”
Thứ ba, về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã
Một là, tự nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và không ai, tổ chức nào có quyền ép buộc, cụ thể: “Nguyên tắc tổ chức tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã” được đề cập ngay trong phần khái niệm về hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 7 luật này quy định “Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã. Hợp tác xã tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi liên hiệp hợp tác xã.” khi có hoặc không còn nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Hai là, thể hiện nguyên tắc “hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kết nạp rộng rãi thành viên, hợp tác xã thành viên” tại khoản 2 điều 7 luật này.
Ba là, tổ chức hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã phải có Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã
Luật hợp tác xã năm 2012 sử dụng khái niệm “Hội đồng quản trị” thay khái niệm “Ban quản trị”; “Chủ tịch hội đồng quản trị” thay khái niệm “Trưởng ban quản trị”. Hội đồng quản trị tối thiểu có 03 thành viên, tối đa có 15 thành viên. Khái niệm “Giám đốc” hay “Tổng giám đốc” thay khái niệm “Chủ nhiệm”. Ngoài ra còn bổ sung khái niệm “Kiểm soát viên”
Thứ tư, về sự đảm bảo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước được quy định tại Điều 5, Điều 6 cụ thể: bổ sung nội dung “Nhà nước bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác” và làm rõ hơn 6 danh mục chính sách hỗ trợ; 02 danh mục chính sách ưu đãi chung cho các loại hình hợp tác xã; đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trên, còn được hưởng thêm 5 mục ưu đãi nữa về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động; tín dụng; vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Như vây, mặc dù tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hổ Chí Minh về phát triển kinh tế tập thể đã ra đời cách đây hằng chục thập kỉ với những tư tưởng hết sức ngắn gọn, dễ hiểu nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị về cả lý luận và thực tiễn, thực sự là nền tảng tư tưởng, kim chi nam cho hành động cách mạng của Đảng, Nhà nước ta.
                                                    Phạm Thị Huệ
                                                        Trưởng khoa Dân Vận
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,2002, t.2,tr.318
2.Sđd,t8,tr.76
[3] Sđd,t7,tr.539-540
[4] Sđd,t10,tr.415

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8372628

Đang Online : 4252