Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Xây dựng phong cách, tác phong của người đứng đầu theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 23/2/2018 13:43 Lượt xem: 575

Là Chủ tịch nước, đứng đầu Nhà nước trong 24 năm, Hồ Chí Minh đã để lại trong lòng người dân Việt Nam một phong cách lãnh đạo mẫu mực, là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo. Phong cách lãnh đạo của Người đã tạo nên một khối đại đoàn kết, là cơ sở để dân tộc Việt Nam giành được những thành quả trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

 



Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở việc giữ vững nguyên tắc dân chủ, tập trung và quyết đoán trong công việc. Ngay từ ngày đầu tiên điều hành Nhà nước non trẻ đầu tiên ở Đông Nam á, những quyết sách Người đưa ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thể hiện trí tuệ thiên tài, mẫn tiệp và cách điều hành dân chủ, tập trung nhằm phát huy sức mạnh của mỗi người và sức mạnh của cả tập thể. Theo Hồ Chí Minh: “một người dù tài giỏi mấy cũng không thể thấy hết được mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện”, vì vậy, cần phải có nhiều người cùng tham gia lãnh đạo. Cùng với dân chủ, tập trung là sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Bác.  Có thể nói, những chính sách lớn của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi mới thành lập dưới sự lãnh đạo của Người đã mang đầy đủ ý nghĩa của một xã hội mới, là những tiền đề quan trọng để kháng chiến kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Với phong cách điều hành dân chủ, quyết đoán nên trước những tình huống khó khăn, phức tạp, đã có những quyết sách kịp thời, giải quyết được những vấn đề quan trọng của đất nước.

Phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh thể hiện sự thận trọng, sâu sát, khoa học đối với công việc. Hồ Chí Minh hiểu rõ xuất phát điểm của nước ta là từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, manh mún với những thói quen tùy tiện, bảo thủ, trì trệ, thiếu kế hoạch…nên trong điều hành công việc phải thận trọng, “đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu”, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Làm việc phải có mục đích chính xác, rõ ràng, chương trình kế hoạch phải sát hợp. Phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và của quần chúng. Lãnh đạo phải kịp thời, thiết thực, có trọng điểm, toàn diện và cụ thể, theo tinh thần “óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời, làm đến nơi đến chốn. Sau mỗi việc phải thường xuyên rút kinh nghiệm, cả những kinh nghiệm thành công và thất bại.

Nói đi đôi với làm là phong cách nổi bật của Hồ Chí Minh. Từ quan niệm: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, cần nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm, nói hay làm dở, nói nhiều làm ít. Theo Bác: “ Trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản là được người ta yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức”, có phẩm chất, năng lực, nói đi đôi với làm. “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã”. Năm 1945, Người kêu gọi toàn dân diệt giặc đói bằng một hành động cụ thể: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói. Chính Người đã làm gương thực hiện trước và phong trào đó lan ra cả nước. Câu chuyện hũ gạo cứu đói của Người trong những tháng ngày ở Chiến khu Việt Bắc là câu chuyện cảm động mà mỗi người Việt Nam đều ghi nhớ. Người đứng đầu một cơ quan, đơn vị không thể nói mà không làm mà cần phải có sự thống nhất giữa nói và làm để làm gương cho cấp dưới.

Gần dân, trọng dân là một đặc điểm xuyên suốt phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh. Người đến với dân, hòa mình với quần chúng nhân dân một cách bình dị, tự nhiên, không hề có sự ngăn cách giữa người lãnh đạo với công dân của đất nước, và dân đến với Người cũng tự nhiên, bình dị như thế. Người luôn sâu sát quần chúng nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng quần chúng, quan tâm đến mọi mặt của đời sống nhân dân. Mọi việc của Người đều thể hiện tư tưởng: Nước lấy dân làm gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Gần dân, trọng dân còn thể hiện ở việc tin dân, lắng nghe ý kiến dân, giải quyết những kiến nghị chính đáng của dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến phê bình của dân và kịp thời khắc phục, sửa chữa. Đối với người đứng đầu, tác phong gần dân, tin dân không chỉ cần thiết trong quan hệ với dân mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Hiểu dân, hiểu cấp dưới là để hiểu chính mình và để rút ra những điều bổ ích bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.

Học tập chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị (từ trưởng phòng trở lên) cần điều hành công việc dân chủ, tập trung, quyết đoán, đồng thời khi giải quyết công việc phải thận trọng, sâu sát, khoa học, nêu cao tấm gương mẫu mực và luôn gần dân, tin dân là cơ sở quan trọng để thành công trong công việc, xứng đáng là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân.
http://www.tuyenquang.gov.vn/

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8371378

Đang Online : 3002