Nghiên cứu - Trao đổi

Vận dụng lý luận của Mác và Ph.Ăngghen về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình Việt Nam

Ngày Đăng: 21/6/2016 9:38 Lượt xem: 365

Chủ nghĩa Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX đã góp phần rất quan trọng đưa sự phát triển lý thuyết nữ quyền, lý thuyết giới sang một giai đoạn phát triển mới, bằng việc đưa ra sự lý giải có đầy đủ căn cứ khoa học và phù hợp với thực tiễn lịch sử về nguồn gốc, nguyên nhân của sự bất bình đẳng nam - nữ và từ đó chỉ ra con đường thực hiện bình đẳng giới.
Theo quan điểm của C.Mác thì nguồn gốc của bất bình đẳng giữa nam và nữ là sự bất bình đẳng trong phân công lao động xã hộiPh. Ăngghen cho rằng, sự phân công lao động đầu tiên trong lịch sử là sự phân công giữa đàn ông và đàn bà trong việc sinh đẻ con cái; sự áp bức giai cấp đầu tiên cũng là sự áp bức của đàn ông với đàn bà[1]. Chừng nào lao động của nữ còn không được coi là ngang bằng với lao động của nam giới, chừng nào công việc nội trợ gia đình còn mất tính chất xã hội và trở thành công việc riêng tư trong nội bộ gia đình thì chừng đó địa vị của phụ nữ vẫn còn thấp kém hơn địa vị của nam giới và người vợ trở thành đầy tớ trong gia đình, không được tham gia công việc sản xuất xã hội. Trong lịch sử xã hội loài người kể từ khi chế độ mẫu quyền sụp đổ, địa vị của người phụ nữ luôn thấp kém so với địa vị của nam giới về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá…
Từ việc xác định nguồn gốc phát sinh và phát triển của sự bất bình đẳng giữa nam - nữ về phân công lao động xã hội, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa của sự bất bình đẳng nam - nữ là sự áp bức của đàn ông đối với đàn bà về mặt kinh tế. Ph. Ăngghen đã viết “tình trạng không bình quyền giữa đôi bên, do những quan hệ xã hội trước kia để lại cho chúng ta, tuyệt nhiên không phải là nguyên nhân, mà là kết quả của sự áp bức đàn bà về mặt kinh tế[2]. Như vậy, kết luận của chủ nghĩa Mác trong vấn đề này là khi cơ sở kinh tế của xã hội biến đổi thì tính chất của mối quan hệ nam - nữ về mặt xã hội cũng sẽ biến đổi.
Không chỉ dừng lại ở nguyên nhân kinh tế- nguyên nhân quyết định nhất mà chủ nghĩa Mác còn chỉ ra những nguyên nhân thuộc về nhận thức chính trị, văn hoá (đặc biệt là phong tục tập quán), tôn giáo đối với gia đình dẫn đến sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Điều quan trọng hơn nữa là chủ nghĩa Mác còn đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam - nữ như một trong những nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Để thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ, chủ nghĩa Mác chỉ ra rằng: phải phát triển lực lượng sản xuất. Vì theo các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác chỉ có phát triển lực lượng sản xuất ở trình độ cao- đại công nghiệp cơ khí, mới tạo đủ điều kiện thực hiện sự phân công lao động xã hội, mới làm cho toàn bộ nữ giới trở lại tham gia nền sản xuất xã hội và đó chính là điều tiên quyết để thực hiện giải phóng phụ nữ.
Không chỉ làm thay đổi căn bản phân công lao động xã hội, trong phạm vi gia đình sự phân công lao động xã hội cũng phải thay đổi căn bản theo hướng giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ trong công việc gia đình, giải phóng họ ra khỏi công việc bếp núc, nội trợ. Để làm được điều đó một mặt phải thực hiện “xã hội hoá” một số chức năng của gia đình (tổ chức đời sống của gia đình); mặt khác phải thực hiện sự phân công lao động hợp lý giữa nam và nữ trong gia đình để cùng chia sẻ.

Nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác về bình đẳng giới, nhất là con đường thực hiện bình đẳng giới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, cụ thể: Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam với mong muốn xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới với mục đích xây dựng hành lang pháp lý nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, xác định trách nhiệm của gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Tại Điều 18, Điều 33 và  Điều 41 quy định các nội dung, trách nhiệm của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới và hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình; Bên cạnh đó, ngày 24/12/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 
Từ các chính sách trên chúng ta có thể nhận khái quát vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới trên các phương diện:
Một là, gia đình là chủ thể đầu tiên, có ý nghĩa quyết định về thực hiện bình đẳng giới trong phân công lao động gia đình tạo tiền đề cho phân công lao động xã hội.
Trong không ít gia đình Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhận thức không đúng đắn về vai trò giới trong phân công lao động gia đình, nhiều người cho rằng công việc nội trợ là thiên chức của phụ nữ. Sự bất bình đẳng này có nguyên nhân từ tàn dư trong nhận thức của xã hội phong kiến để lại (các quan hệ gia đình, tôn ti trật tự, nề nếp gia phong...). Vì vậy, những công việc trong gia đình như: Chăm sóc con cái, người già, người đau ốm; giặt giũ, đi chợ, nấu ăn; dọn dẹp nhà cửa... thường do phụ nữ đảm nhiệm. Chính những công việc này đã chiếm rất nhiều thời gian, sức lực của phụ nữ. Do đó, hạn chế các cơ hội tham gia vào phân công lao động xã hội của phụ nữ. Điều này dẫn đến, nhóm phụ nữ không trực tiếp lao động tạo thu nhập cho gia đình thì địa vị thấp kém và không có tiếng nói ngay trong gia đình của mình. Mặt khác, nhóm phụ nữ được tham gia vào phân công lao động xã hội thì họ luôn phải đối mặt với áp lực công việc ngoài xã hội và công việc gia đình. Việc kết hợp hài hòa giữa chăm sóc gia đình, nuôi dạy con với nâng cao địa vị xã hội là khó khăn lớn đối với phụ nữ ngày nay.
Muốn thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, nam giới - chủ thể đầu tiên trong thực hiện bình đẳng giới phải sẵn sàng chia sẻ việc nhà với giới nữ hoặc  xã hội hóa công việc gia đình (thuê người giúp việc) tạo điều kiện phụ nữ có cơ hội tham gia vào phân công lao động, phát huy khả năng của mình, trực tiếp tạo thu nhập cho gia đình. Từ đó, phụ nữ được tiếp cận và có quyền kiểm soát các nguồn lực, có tiếng nói trong gia đình, mang lại cho phụ nữ sự tự tin và nâng cao địa vị của họ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
 Hai là, gia đình có vai trò quyết định trong đầu tư các nguồn lực trên cơ sở bình đẳng giữa nam và nữ
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo nên quan niệm “trọng nam, kinh nữ”,“định kiến giới” đã ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ người Việt. Nó làm cho không ít gia đình Việt Nam có nhân thức về đầu tư nguồn lực (vật chất và tinh thần) không bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Những quyết định đầu tư nguồn lực cho người chồng và con trai thường nhiều hơn cho vợ và con gái, nhất là vùng sâu, xã, vùng dân tộc thiểu số. Hậu quả là tình trạng thất học, không được chăm sóc sức khỏe ở trẻ em gái cao hơn so với trẻ em trai, người vợ ít được đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe hơn so với người chồng...Vì vậy, khi tham gia vào phân công lao động, giới nữ thiệt thòi hơn giới nam.
Để khắc phục tình trạng này, gia đình phải là nơi đầu tiên xóa bỏ định kiến giới, làm thay đổi các quyết định đầu tư bất bình đẳng giữa nam và nữ. Việc đầu tư các nguồn lực của gia đình bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái sẽ tạo cơ hội cho nam giới và nữ giới cùng được học tập nâng cao trình độ (văn hóa, nghề nghiệp), tiếp cận thông tin và khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe. Từ đó, tạo điều kiện cho nữ giới có đủ khả năng về tri thức, sức khỏe tham gia phân công lao động xã hội. Đồng thời, người vợ có học vấn cao và hiểu biết xã hội rộng sẽ tác động tốt đến việc nuôi dạy con, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên gia đình,…Do đó, phân bổ nguồn lực trên cơ sở bình đẳng giới ngay trong mỗi gia đình góp phần thực hiện bình đẳng giới trong xã hội có một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ba là, xây dựng gia đình không có bạo lực - tiền đề quan trọng tiến tới bình đẳng giới 
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực gia đình. Trong gia đình, người phụ nữ có vị thế và quyền lực không ngang bằng với nam giới, không có quyền tham gia vào các quyết định của gia đình, khiến họ dễ bị bạo lực do nam giới gây ra. Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Hậu quả của bạo lực gia đình có ảnh hưởng trực tiến đến tinh thần, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em. Do vậy, hướng tới gia đình không có bạo lực là một trong những mục tiêu của bình đẳng giới. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi thành viên gia đình phải tôn trọng các quyền cá nhân của các thành viên khác đã được pháp luật công nhận. Mặt khác, mỗi thành viên gia đình phải được đối xử công bằng. Mọi hành vi phân biệt dựa trên cơ sở giới đều phải xóa bỏ. 
Có thể nói, Lý luận về bình đẳng giới của C. Mác, P.Ăngghen ra đời cách đây hơn một thế kỷ nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được Đảng, Nhà nước ta vận dụng một cách sáng tạo vào cách mạng Việt Nam, thông qua việc phát huy vai trò của gia đình trong thực hiện bình đẳng giới để hướng tới xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
  Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận
 

[1] C.Mác và Ph. Ăngghen, Sdd, tập 21,Tr.218
[2]C.Mác và Ph. Ăngghen, Sdd, tập 21,Tr.218

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290268

Đang Online : 237