Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kinh nghiệm tìm hiểu và vận dụng những điểm mới của các văn bản Luật có hiệu lực bổ sung kiến thức vào bài giảng của khoa nhà nước - pháp luật

Ngày Đăng: 8/8/2016 10:20 Lượt xem: 315

          Thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành “Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính”,Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức triển khai ngay khi chương trình mới này có hiệu lực1/8/2014. Sau gần hai năm thực hiện chương trình mới với tư cách là một giảng viên của nhà trường – người trực tiếp thực hiện, đưa nội dung Chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đến học viên, cá nhân giảng viên nhận thấy bộ giáo trình đã được chỉnh sửa, bổ sung, với nhiều nội dung mới đáp ứng tốt hơn việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Riêng hai phần học những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa và những vấn đề cơ bản về quản lý hành chính nhà nước do khoa Nhà nước – Pháp luật đảm nhiệm có nhiều chuyên đề khác nhau. Trong tất cả các chuyên đề đó chuyên đề nào cũng có những nội dung liên quan ít nhiều đến những văn bản luật.Cụ thể, có chuyên đề liên quan đến hơn 10 văn bản luật như bài 5 nội dung cơ bản một số luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong phần học III, những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN.
           Trong khi những văn bản luật do nhà nước ban hành thường được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc có thêm những văn bản luật mới ra đời thay thế cho những văn bản luật cũ là một tất yếu khách quan. Vấn đề đặt ra là có phải là cứ khi nào có một văn bản luật mới ra đời, thay thế hay sửa đổi, bổ sung liên quan đến những chuyên đề trong chương trình giảng dạy trung cấp lý luận chính trị thì Học viện lại ban hành bộ giáo trình mới để thay thế hay không?  Câu trả lời chắc chắn là không . Vậy, nhiệm vụ truyền tải nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế của những văn bản mới vào từng chuyên đề cụ thể thuộc về đội ngũ giảng viên nói chung của nhà trường, song với đội ngũ giảng viên của Khoa Nhà nước – Pháp luật thì đây là một hoạt động thường xuyên để đảm bảo tính logic, tính cập nhật, tính thời sự của bài giảng. Ngoài nội dung chính giáo trình đã đề cập, việc “Tìm hiểu những điểm mới các văn bản luật có hiệu lực bổ sung kiến thức vào bài giảng của Khoa Nhà nước – Pháp luật” được thực hiện như thế nào? Với tư cách là một giảng viên đã, đang và sẽ tiếp tục phải nghiên cứu nội dung đó để đưa kiến thức vào từng chuyên đề cụ thể, cá nhân giảng viên mạnh dạn đưa ra một số cách thức vận dụng hoạt động đó như sau (ví dụ vận dụng tìm hiểu những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực 1/1/2015 vào giảng bài 5 nội dung cơ bản một số luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam trong phần học III, những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật XHCN):
          - Thứ nhất, khi giảng đến ngành luật có liên quan đến văn bản luật cụ thể, việc đầu tiên là giảng viên phải giới thiệu một cách khái quát nhất về văn bản luật mới được ban hành (có thể là sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc cũng có thể là văn bản mới thay thế toàn bộ), trong đó việc đầu tiên phải trình bày là văn bản này do chủ thể nào ban hành, ngày tháng năm ban hành, hiệu lực của văn bản đó, những nội dung khái quát nhất về những điểm mới nổi bật của văn bản. Ví dụ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
            Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014.
Bao gồm 9 chương và 133 điều, so với luật cũ giảm 4 chương, tăng 23 điều. Luật này thay thế luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2015. Một số điểm mới nổi bật:
          1.Thứ nhất: Nâng độ tuổi kết hôn
          2. Thứ hai: Chính chức cho phép mang thai hộ
          3. Thứ ba: Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng khi kết hôn
          4. Thứ tư: Không cấm kết hôn đồng giới
          5. Thứ năm: Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn
          6. Thứ sáu: Áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đìnhvà một số điểm mới khác.
          - Thứ hai, chỉ vận dụng những điểm mới có liên quan để truyền tải nội dung của giáo trình đã đề cập. Giảng viên cần phải có sự phân biệt giữa giảng ngành luật trong chương trình giảng dạy khác với hoạt động tuyên truyền nội dung của một văn bản luật mới được được ban hành. Việc tuyên truyền một văn bản luật sẽ bắt đầu từ việc trình bày đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản luật đó cho đến những nội dụng cụ thể của văn bản. Nhưng trong chương trình giảng dạy lý luận chính trị giảng viên phải vận dụng một cách linh hoạt những nội dung giáo trình đề cập, nội dung nào có liên quan đến điều luật mới sẽ đưa vào và phân tích thêm. Cụ thể: tại mục 2.1. bài 5 tr. 231. Về các điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam thì một số điều kiện về kết hôn có sự thay đổi:
           - Độ tuổi kết hôn: luật mới đã nâng độ tuổi kết hôn
          Về độ tuổi kết hôn Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Khoản 1, Điều 8) đã nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước sang tuổi 18 (17 tuổi + 1 ngày) như quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Như vậy, Luật mới quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên.
          – Về giới tính: Không cấm kết hôn đồng giới
Về hôn nhân đồng giới, Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định cấm kết hôn đồng giới, và vì cấm nên đi kèm sẽ có chế tài, xử phạt.
          Nay, theo luật mới, từ 01/01/2015, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính - Khoản 2 Điều 8”. Đây cũng được coi là một bước tiến nhỏ trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.
          – Việc đăng ký kết hôn: bổ sung Chính phủ quy định việc kết hôn ở vùng sâu, vùng xa. Như vậy việc đăng ký kết hôn được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Hay tại mục 5.2.2. những trường hợp ly hôn theo luật định:
          - Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn
          Luật Hôn nhân và gia đình mới năm 2014 cũng bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn tại Điều 51.
         Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ…
          - Thứ ba, giảng viên chủ động nghiên cứu văn bản đưa nội dung vào bài và chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung truyền tải. Khoa chuyên môn khó có điều kiện để hội thảo về từng văn bản liên quan đến từng chuyên đề khi có sự thay đổi (sửa đổi, bổ sung hay thay thế). Tuy nhiên, hoạt động này thường xuyên được đề cập đến trong sinh hoạt khoa định kỳ (hàng tháng), nhưng đó chỉ là nội dung nhắc nhở chung, vấn đề cụ thể từng văn bản phân tích ra sao, đưa vào bài giảng thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng nghiên cứu, vận dụng của từng giảng viên.
          - Thứ tư, để có tính thuyết phục và độ tin cậy cao trước khi lên lớp một chuyên đề có nội dung văn bản luật mới giảng viên trực tiếp giảng chuyên đề đó nên trao đổi và thống nhất lại với lãnh đạo khoa về những nội dung văn bản luật mới dự kiến sẽ trình bày trước lớp. Thông qua đó cũng là điều kiện để lãnh đạo khoa kiểm duyệt và nắm được nội dung, tinh thần giảng viên trong khoa sẽ dự kiến trình bày. Nếu có thể lãnh đạo khoa cho ý kiến, góp ý trực tiếp để giảng viên thuận lợi hơn trong quá trình truyền tải nội dung văn bản pháp luật mới vào giảng dạy.
          Để tìm hiểu và vận dụng những điểm mới các văn bản luật mới có hiệu lực bổ sung kiến thức vào bài giảng của Khoa Nhà nước – Pháp luật một cách có hiệu quả thì việc mỗi giảng viên nên nghiên cứu toàn văn điểm mới của văn bản, lựa chọn những nội dung phù hợp đưa vào chuyên đề có liên quan, thống nhất nội dung văn bản mới định trình bày với lãnh đạo khoa như những định hướng trên là rất cần thiết.
 
     Nguyễn Thị Mai
Khoa Nhà nước – Pháp luật.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290257

Đang Online : 226