Nghiên cứu - Trao đổi

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - động lực quan trọng để Tuyên Quang phát triển

Ngày Đăng: 8/8/2016 15:45 Lượt xem: 317

        Tuyên Quang là tỉnh miền núi với 22 dân tộc anh em sinh sống. Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế như tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; hệ thống giao thông thuận lợi; nguồn nhân lực dồi dào; có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng... Đặc biệt Tuyên Quang còn là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, đã từng là "Thủ đô Khu giải phóng", "Thủ đô Kháng chiến". Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, văn hóa, xã hội cùng với những cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng đã góp phần tạo điều kiện cho Tuyên Quang có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành mục tiêu đưa tỉnh thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra. Hiện nay, Tuyên Quang đang quyết tâm phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong vài năm gần đây, Tuyên Quang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.131 doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc công ty nhà nước với số vốn đăng ký gần 10.503 tỷ đồng; trên 150 chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc doanh nghiệp. Có 152 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 25.200 tỷ đồng. Một số dự án trọng điểm đã và đang được doanh nghiệp triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang và Tập đoàn FLC.
          Sở dĩ Tuyên Quang có được sự bứt phá như vậy, ngoài những tiềm năng sẵn có, tỉnh đã chú trọng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, ban hành nhiều cơ chế chính sách để thu hút thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Để có một môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn, có sức cạnh tranh so với các địa phương khác, không những chỉ đòi hỏi phải giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, an toàn xã hội mà còn phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục những yếu kém về kết cấu hạ tầng, xóa bỏ các rào cản về đầu tư, đặc biệt là hệ thống chính sách về đầu tư minh bạch, nhất quán. Giải quyết tốt các vấn đề trên là một nhiệm vụ khó khăn không chỉ ở Tuyên Quang mà còn đối với nhiều địa phương khác. Song với sự nỗ lực cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Tuyên Quang bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Trong ba năm gần đây, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2013, tỉnh đạt 48,98 điểm đứng thứ 63/63 tỉnh thành, năm 2014 đạt 55,2 điểm, tăng 13 bậc so với năm 2013 và vươn lên đứng thứ 50/63 tỉnh thành phố, ra khỏi nhóm các tỉnh có chất chượng điều hành thấp. Qua công bố kết quả chỉ số PCI năm 2015, Tuyên Quang đạt 56,81 điểm, tăng 2 bậc so với năm trước và đứng thứ 48/63 tỉnh thành. Do vậy có thể khẳng định niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Tuyên Quang.
          Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, với các chỉ tiêu tiêu như: tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm từ 2016 đến 2020 đạt trên 8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD; giá trị sản xuất công nghiệp trên 17.600 tỷ đồng, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đảng bộ tỉnh tập trung vào ba khâu đột phá gồm đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch.
          Để đạt được các mục tiêu trên, Tuyên Quang đang nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp. Trong đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được chú trọng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Sau khi Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 được ban hành, Tuyên Quang đã tích cực triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 17- NQ/TU, ngày 27/5/2016 về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đặt ra:
          Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh khoảng 2.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 1.500 doanh nghiệp; Giảm tối thiểu 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; Giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ số thành phần tăng bình quân 0,2 - 0,9 điểm/năm, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp hạng ở các tỉnh đứng đầu trong nhóm thứ hạng khá.
            Có thể nói rằng, việc ban hành Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, đáp ứng sự mong chờ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và đây sẽ là động lực cho doanh nghiệp phát triển khi các nhiệm vụ và giải pháp được thực thi với sự quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Để các mục tiêu đề ra sớm trở thành hiện thực, các giải pháp trọng tâm được triển khai tập trung vào các nội dung như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; Đẩy nhanh việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử; Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.
          Khi Nghị quyết 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) được ban hành và đi vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung công tác cải cách hành chính, trọng tâm nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp của các cấp, ngành và trách nhiệm của người đứng đầu, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Để các dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện rà soát công tác quy hoạch dự án, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với mục đích, công năng sử dụng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ của nhà đầu tư, trên tinh thần đảm bảo sự phù hợp với yếu tố cảnh quan, môi trường. Bên cạnh đó các ngành, chính quyền thành phố Tuyên Quang và các huyện có dự án đầu tư tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, triển khai công tác giải phóng mặt bằng và các phương án tái định cư hợp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Các cấp, ngành tiên phong trong việc nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính năng động của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp xúc tiến đầu tư tại chỗ; tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục duy trì tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân để chính quyền các cấp, các nhà quản lý và doanh nghiệp cùng gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.  Các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trong cung cấp, sử dụng dịch vụ, hàng hóa để thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư tại chỗ. Bên cạnh đó, tỉnh còn duy trì hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp trong việc tiếp cận với chính sách ưu đãi, tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp ở Tuyên Quang cũng đã xây dựng kế hoạch, giải pháp hoạt động cho phù hợp, từng bước xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo tại địa phương.
         Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh ở Tuyên Quang là minh chứng rõ nhất để khẳng định: Cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chính là động lực cho sự phát triển doanh nghiệp ở Tuyên Quang, đáp ứng sự mong đợi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Tỉnh Tuyên Quang cam kết đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư trên chặng đường phát triển và cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
                                                                    
 Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
Phó Hiệu trưởng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290252

Đang Online : 221