Nghiên cứu - Trao đổi

Sự cần thiết phải xây dựng bài tập tình huống đối với phần học những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa và phần học quản lý hành chính nhà nước

Ngày Đăng: 12/8/2016 15:22 Lượt xem: 502

         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: ‘lý luận với thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”; “lý luận phải liên hệ với thực tế” (trích Hồ Chí Minh, 1995, tập 9, tr. 292), “Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (trích Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr.496). Như vậy giữa lý luận và thực tiễn luôn có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các phần học trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, trong đó có phần học  Những vấn đề cơ bản về Hệ thống Chính trị, Nhà nước và Pháp luật xã hội chủ nghĩa; Quản lý hành chính nhà nước. Đây là hai phần học có lý luận gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội; gắn liền với quá trình các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động Quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng.
         Để thực hiện được phương châm giảng dạy lý luận gắn liền với thực tiễn, thực tiễn góp phần làm sáng tỏ lý luận trong quá trình giảng dạy hai phần học trên cần có nhiều phương pháp và cách thức khác nhau. Tuy nhiên một phương pháp mang lại hiệu quả nhất đó là thông qua việc giải quyết các tình huống cụ thể đã và đang sảy ra trên thực tế trong quá trình quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
         Thực tế trong quá trình giảng dạy hai phần học trên tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị hành chính cho thấy, khi giảng viên chủ động đưa những tình huống thực tế phù hợp vào trong nội dung bài giảng đã tạo nên sự sôi nổi, hứng thú, tranh luận và chủ động đưa ra cách giải quyết tình huống giữa các học viên trong lớp. Từ đó học viên nắm được lý luận một cách hiệu quả hơn thông qua việc giải quyết tình huống đó. Đồng thời qua đó cũng phát hiện ra những vướng mắc, khó khăn và cách làm hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tình huống đó trên thực tế. Ví dụ: thông qua việc giải quyết tình huống cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai học viên sẽ nắm được quy trình, đối tượng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo luật Đất đai năm 2013, qua đó cũng nắm được những khó khăn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai.
         Mặt khác việc giải quyết tình huống cụ thể  trên thực tế cũng phát hiện ra những bất cập, lỗi thời, không phù hợp của tài liệu (giáo trình) đang nghiên cứu trong chương trình. Ví dụ: Tình huống về kết hôn; Giám hộ …giáo trình vẫn sử dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, vì vậy trong tình huống giảng viên giúp học viên nắm được quy định mới của pháp luật về kết hôn; giám hộ … theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
         Ngoài ra việc sử dụng những tình huống thực tế trong quá trình lên lớp còn giúp giảng viên nâng cao khả năng sử dụng tốt, có hiệu quả các phương pháp tích cực trong giảng dạy như: Phương pháp làm việc nhóm, hỏi đáp … Qua đó tạo nên hiệu quả học tập của lớp học, tránh sự nhàm chán đối với học viên.
         Chính vì thế, việc tiến tới xây dựng bài tập tình huống trong giảng dạy đối với hai phần học trên là một yêu cầu cần thiết và cấp bách. Để bài tập tình huống phát huy đúng và đủ vai trò của mình, thiết nghĩ cần phải:
         Thứ nhất, mỗi bài tập tình huống đưa ra phải được xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật về nội dung, trình tự, thủ tục và đối tượng áp dụng. Đây là một yêu cầu mang tính pháp lý đảm bảo các tình huống đưa ra phải nằm trong sự dự liệu của pháp luật, phù hợp với các quy định của pháp luật và yêu cầu phải được giải quyết.
         Thứ hai, những tình huống trong bài tập tình huống phải đã và đang xảy ra trong thực tế. Nghĩa là trên thực tế đã có những tình huống tương tự mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoặc đang vận dụng các chính sách, quy định của pháp luật để giải quyết. Đặc biệt những tình huống đó phải mang tính phổ quát, điển hình như: tình huống về tiếp công dân; tính huống về khiếu nại, tố cáo; tình huống về xử lý vi phạm hành chính …
         Thứ ba, những tình huống đó phải phù hợp với nội dung lý luận mà học viên đang nghiên cứu, cần làm rõ. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản khi tiến hành xây dựng bài tập tình huống nói chung và bài tập tình huống của hai phần học trên nói riêng. Nếu tình huống thực tế được xây dựng không phù hợp với nội dung lý luận mà học viên đang nghiên cứu thì không tạo ra được hiệu quả bài học cũng như không phát huy được vai trò của tình huống thực tế.
         Thứ tư, trong quá trình xây dựng tình huống phải lựa chọn và xây dựng tình huống theo hướng tích cực, đảm bảo tuân thủ theo đúng tinh thần chủ trương, đường lối của Đảng. Bởi lẽ trên thực tế trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước có rất nhiều tình huống phức tạp nảy sinh, những tình huống có sự quan tâm của nhiều người, mang tính chất nhạy cảm … Vì thế khi xây dựng tình huống cần có sự lựa chọn theo chiều hướng tích cực để đảm bảo sự hài hòa, tránh mâu thuẫn.
         Tóm lại, với vai trò không nhỏ của các tình huống trong thực tiễn giảng dạy đã đặt ra vấn đề cần phải xây dựng bài tập tình huống đối với phần học “Những vấn đề cơ bản về Hệ thống Chính trị, Nhà nước và Pháp luật XHCN” và phần học “Quản lý hành chính nhà nước” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không đơn giản cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và sự phối hợp của các khoa phòng trong nhà trường, đặc biệt là khoa Nhà nước và pháp luật trong quá trình xây dựng và thực hiện bài tập tình huống.
                                  Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
                                     Khoa Nhà nước và pháp luật

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290076

Đang Online : 45