Nghiên cứu - Trao đổi

Công tác tư tưởng trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang trong cách mạng tháng Tám 1945

Ngày Đăng: 16/8/2016 16:17 Lượt xem: 612

            Tuyên Quang là quê hương cách mạng, thủ đô khu giải phóng, thủ kháng chiến, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng thời, đây cũng là một trong những địa phương sớm giành được chính quyền trong cả nước (ngày 22/8/1945), góp phần làm lên thắng lợi đó có vai trò đặc biệt của công tác tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Mỏ Than và Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động công tác tư tưởng nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, quần chúng nhân dân đã tạo dựng được sự thống nhất cao về tư tưởng, tổ chức, hành động từ đó bảo đảm phát huy có hiệu quả sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
          Thứ nhất, công tác tư tưởng tập trung tuyên truyền, giáo dục, nêu gương nhằm giác ngộ quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến, trình độ dân trí thấp nên công tác tuyên truyền, giáo dục, nêu gương luôn được coi trọng với mục đích giác ngộ, động viên, khích lệ quần chúng nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái tham gia phong trào cách mạng.
          Trong giai đoạn chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, thông qua nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, vận động các giai cấp, tầng lớp tham gia biểu tình, mít tinh, chống khủng bố, đấu tranh đòi độc lập, dân tộc, dân chủ. Bên cạnh đó, công tác giáo dục, nêu gương của chính những người đi tuyên truyền là các đồng chí đảng viên kiên trung đã khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân, lòng căm thù giặc sâu sắc.
          Tại Tuyên Quang, nhiều đồng chí cán bộ cách mạng được điều về địa phương hoạt động nhằm mở rộng sự ảnh hưởng của Đảng trong nhân dân. Tháng 6-1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch (Hai Cao) và một số đồng chí khác tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, khích lệ nhân dân hưởng ứng phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Bằng những hoạt động thiết thực, các đồng chí đảng viên đã hòa nhập vào quần chúng, đặc biệt là những cuộc đấu tranh của công nhân, giác ngộ họ nêu cao tinh thần yêu nước, đứng lên đấu tranh chống sự áp bức của chủ mỏ. Từ đây, lực lượng cách mạng ở Tuyên Quang được mở rộng cả về phạm vi và quy mô tổ chức, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng sâu rộng trong tầng lớp nhân dân lao động Tuyên Quang.
          Với hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, nêu gương, công tác tư tưởng đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giác ngộ các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đồng thời phân hóa, cô lập kẻ thù, bồi dưỡng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Thứ hai, các tổ chức cơ sở Đảng thường xuyên bám sát tình hình thực tế và sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự thống nhất về tư tưởng và định hướng trong hành động.
          Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tác động đến hầu hết các nước thuộc địa, phụ thuộc. Ở Việt Nam, Pháp thực hiện chính sách kinh tế thời chiến, bóc lột nhân dân hết sức tàn bạo, chúng đẩy mạnh bắt phu, bắt lính nhằm phục vụ chiến tranh. Đồng thời với các chính sách phản động, bọn phát xít quân nhân thuộc địa điên cuồng chống phá cách mạng. Chúng truy lùng cán bộ, đảng viên, đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng đang phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định chuyển sang hoạt động bí mật, phát triển lực lượng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.
          Ở Tuyên Quang,  mặc dù phong trào đấu tranh của nhân dân thị xã đã phát triển, cơ sở quần chúng được mở rộng song chưa có tổ chức cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Trước tình hình đó, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 20-3-1940, chi bộ Mỏ than được thành lập tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến). Đồng chí Đào Duy Kỳ Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã thay mặt cho Xứ ủy công nhận và giao nhiệm vụ cho chi bộ. Chi bộ Mỏ than gồm 07 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (tức Hồng lớn), Bùi Văn Đức (tức Đức Kim), Lương Hải Bằng (tức Lương Văn Hải), Trần Hải Kế và Vũ Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm bí thư.
          Vừa thành lập nên chi bộ Mỏ Than hoạt động gặp nhiều khó khăn song luôn là lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh ở địa phương. Bằng nhiều hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt chi bộ đã củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, cổ vũ phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời khiến lực lượng phản động ở địa phương hoang mang.
          Nhằm đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng, Ban Cán sự Đảng Tuyên Quang được thành lập giữa năm 1941 gồm 03 đồng chí, đồng chí Trương Đình Dần (tức Điều) được chỉ định làm bí thư Ban Cán sự, đồng chí Đào Văn Thại (tức Lê Đồng, tức Chính) và Đỗ Thị Đức (tức Được) là ủy viên. Ban Cán sự Đảng tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng phong trào không chỉ ở Tuyên Quang mà còn ở Hà Giang và một số huyện thuộc Phú Thọ.
          Ngay từ khi ra đời, Ban cán sự Đảng tỉnh đã chủ trương củng cố những cơ sở đã có, xây dựng, phát triển cơ sở mới, vận động đấu tranh để rèn luyện và tập hợp quần chúng. Từ những nhân mối cũ, các đường dây liên lạc được thiết lập trong binh lính khố xanh, khố đỏ, tầng lớp tiểu thương, công nhân đoàn thuyền sắt, thuyền gỗ, xà lan...
          Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 diễn ra do đồng chí Nguyễn Aí Quốc chủ trì. Trên cơ sở phân tích tình hình, hội nghị xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng minh (Việt Minh) với sứ mạng lịch sử là tổ chức, đoàn kết, tập hợp đông đảo các lực lượng quần chúng đấu tranh giải phóng dân tộc.
          Căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941), được sự chỉ đạo của Xứ ủy, Ban cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than thành lập các tổ chức cứu quốc như: Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… số hội viên ngày càng đông đảo. Tổ chức Nông dân cứu quốc phát triển tới các xã. Đồng thời Ban cán sự và Chi bộ Mỏ than tiếp tục củng cố, rèn luyện quần chúng thông qua các phong trào đấu tranh chống Pháp – Nhật.
          Cuối năm 1944, tình thế cách mạng đặt ra yêu cầu cấp bách là phải tăng cường đội ngũ cán bộ cho cách mạng. Phân khu Nguyễn Huệ đã được bổ sung lực lượng (gồm có các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Nguyễn Công Bình, Trần Thế Môn...), lấy Tuyên Quang làm địa bàn hoạt động trọng yếu. Được tăng cường đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài năng và dày dạn kinh nghiệm, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ và đều khắp. Đồng thời với quá trình củng cố và mở rộng cơ sở cách mạng, các tổ chức Việt Minh, đội tự vệ, du kích được thành lập, công tác sắm vũ khí, luyện tập quân sự được tiến hành khẩn trương.
          Như vậy, có thể nói tổ chức cơ sở Đảng ra đời có vai trò quan trọng trong lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở một tỉnh miền núi như Tuyên Quang. Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân tỉnh ta bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh.
          Thứ ba, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt của địa phương trong lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng.
          Đây là nét đặc sắc trong tiến hành công tác tư tưởng của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi cách mạng tháng Tám 1945.
Đầu năm 1945, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam ngày càng chín muồi. Ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Cùng cả nước, Tuyên Quang cũng bước vào thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền ở từng địa phương tiến tới giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Tuy chưa nhận được chỉ thị mới của Trung ương, song căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, chủ trương chung của Đảng, Ban lãnh đạo phân khu Nguyễn Huệ đã quyết định hành động.
Ngày 10-3-1945, tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào) dưới sự chủ tọa của đồng chí Song Hào, phân khu ủy phân khu Nguyễn Huệ đã họp và nhận định: biến động tình hình địch trong khu và các vùng phụ cận cho thấy, có thể Nhật đã đảo chính Pháp, thời cơ đã đến, cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động “bắt mạch” xem phản ứng của địch, nếu thuận lợi sẽ mở rộng hoạt động tiến lên giành chính quyền. Đêm 10-3, cuộc khởi nghĩa ở xã Thanh La diễn ra và nhanh chóng giành thắng lợi, quyền cách mạng được thành lập ngay trong đêm 10-3-1945. Đây là cuộc khởi nghĩa nổ ra sớm nhất trên phạm vi cả nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước vào tháng Tám năm 1945.
         Sau gần 6 tháng tiến hành khởi nghĩa, ngày 22/8/1945 phong trào đấu tranh ở Tuyên Quang đã thắng lợi hoàn toàn, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại của dân tộc ta.
         Tóm lại, công tác tư tưởng trong phong trào cách mạng ở Tuyên Quang đã có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng cả nước. Không thể có thắng lợi trọn vẹn, toàn diện, nhanh chóng, ít tổn thất của cách mạng tháng Tám nếu không làm tốt công tác tư tưởng trong quá trình tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, trước những biến động của tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác tư tưởng theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2016- 2020 khẳng định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đổi mới việc quán triệt, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn kiện của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290082

Đang Online : 51