Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tuyên ngôn độc lập - Giá trị lịch sử và thời đại

Ngày Đăng: 1/9/2016 16:42 Lượt xem: 541

          Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn độc lập có giá trị lịch sử to lớn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn độc lập
Nguồn: http://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/4152-ho-chi-minh-va-tuyen-ngon-doc-lap.html
 
           Toàn văn bản "Tuyên ngôn độc lập" chỉ có 1120 từ, sắp xếp trong 49 câu, nhưng hàm chứa một nội dung to lớn và sâu sắc. Đó là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng đã đem lại một biến đổi chưa từng có trong lịch sử nhằm xây dựng một xã hội tương lai không có áp bức lột , đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến  trở thành một nước tự do độc lập.
          "Tuyên ngôn độc lập" mang giá trị lịch sử và thời đại to lớn, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
          Thứ nhất, "Tuyên ngôn độc lập" là sự nối tiếp truyền thống yêu nước của dân tộc, thể hiện khát vọng độc lập tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta"[1]. Truyền thống yêu nước được thể hiện ở tình yêu quê hương, đất nước, là sự khẳng định lịch sử riêng và bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, khẳng định về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia..., truyền thống yêu nước này chính là những tư tưởng nền tảng, tư tưởng nội sinh góp phần hình thành nên tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do được khái quát trong bản Tuyên ngôn bất hủ.
          "Tuyên ngôn độc lập" là kết quả của sự phấn đấu, hy sinh, bất khuất của dân tộc Việt Nam hơn 80 năm qua, là kết tinh thành quả của tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do và độc lập ấy"[2].
          Thứ hai, "Tuyên ngôn độc lập" đã đặt cơ sở pháp lý cho sự ra đời nhà nước  Việt Nam mới -  nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc .
          Sau khi giành được chính quyền trong cả nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của nhà nước Việt Nam mới, qua đó biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập của mình. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng nhà nước hợp hiến và hợp pháp. Đồng thời là cơ sở để các nước trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền được hưởng tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời qua đó đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý dân chủ và tiến bộ của loài người trong thời đại ngày nay.
          Thứ ba, "Tuyên ngôn độc lập" là sự tiếp nối hành trình đấu tranh vì quyền con người, quyền của dân tộc và sự phát triển, tiến bộ của nhân loại.
          Trong "Tuyên ngôn độc lập" Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Và người khẳng định:  "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được"[3].  Như vậy, Người đã nâng quyền tự nhiên của con người lên quyền dân tộc và gắn chặt chẽ quyền con người với quyền dân tộc. Với  bản "Tuyên ngôn Độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc.  Đây chính là sự khẳng định về con đường của cách mạng Việt Nam, đó là giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc khỏi áp bức bất công.
           Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi to lớn của tình hình trong nước và thế giới, những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần của "Tuyên ngôn Độc lập", dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững nền độc lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: "Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa" [4].
          Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm thực hiện, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện nhất quán trong từng chủ trương và chính sách phát triển. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện"[5].  
          Tóm lại, "Tuyên ngôn độc lập"  thực sự là một bản Tuyên ngôn bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kết tinh yếu tố truyền thống của dân tộc với yếu tố thời đại, đây là mốc son chói lọi, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.
                                                                  Phùng Thị Khánh Lệ
                                                         Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
 
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004 t.6, tr.171
[2] Hồ Chí Minh toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, 2004, t.4, tr.4
[3] Hồ Chí Minh toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, 2004, t.4, tr.1
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.147 .
    [5] Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb Hồng Đức, 2014, tr.7 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8372447

Đang Online : 4071