Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động thanh niên

Ngày Đăng: 22/3/2018 8:1 Lượt xem: 1999

          Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất chú trọng đến công tác vận động thanh niên. Người coi đây là nhiệm vụ cốt lõi của cách mạng. Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn quan tâm đến thanh niên, có chiến lược và sách lược nhất quán để tập hợp, vận động họ tạo ra lực lượng cách mạng to lớn và đã góp phần vào những thắng lợi có ý nghĩa dân tộc và thời đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
           Về vai trò và tầm quan trọng của công tác vận động thanh niên, Hồ Chí Minh chỉ rõ thanh niên “Là những người tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội”[1]. Hồ Chí Minh coi việc đào tạo, bồi dưỡng những con người thuộc thế hệ trẻ và vận động họ tham gia công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa là chiến lược to lớn và lâu dài.
          Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng và vận động thanh niên, coi đó là công việc có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người, giáo dục vận động thanh niên là để tổ chức, tập hợp họ thành lực lượng to lớn tham gia cuộc cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên quan trọng hơn là thực hiện được chiến lược “trồng người”, tạo nên lực lượng trẻ để nối tiếp, kế tục trung thành lớp cha anh, phấn đấu đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Giáo dục tốt, vận động tốt sẽ tạo ra lớp người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội”[2], làm cho lý tưởng của lớp cách mạng đàn anh trở thành hiện thực.
          Về mục đích của công tác vận động thanh niên, Hồ Chí Minh là nhà cách mạng hành động, ở Người luôn nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, do đó Người ít đề cập đến vấn đề mục đích giáo dục và vận động thanh niên với tư cách là những bài phát biểu, những ý kiến riêng biệt. Bằng cách này cách khác, hình thức này hình thức khác Người thể hiện quan điểm của mình một cách rất giản dị, rất thực tiễn.
          Khi mới gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy thực trạng thanh niên Đông Dương: Họ thiếu sự tổ chức, không được giáo dục, vận động: “... Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức! ... thanh niên của chúng ta đang làm gì? Nói ra thì buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ đã xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi !”[3]. Người cho rằng nếu như có tổ chức, có vận động thì Đông Dương sẽ vùng dậy: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”[4]. Dó đó, bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.
          Năm 1952, khi đang tiến hành chống thực dân Pháp, Người muốn thông qua giáo dục vận động để nâng cao nhận thức của thanh niên. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra. Và cuối cùng thanh niên phải là người “xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất”[5].
          Như vậy, theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc giáo dục và vận động thanh niên là để họ có nhận thức đúng, tư tưởng đúng, tình cảm đúng và cuối cùng là hành động đúng; đóng góp nhiều nhất sức mình vào sự nghiệp cách mạng chung. Ở tầm khái quát, chiến lược thì mục đích của giáo dục, bồi dưỡng và vận động thanh niên là “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, để thanh niên làm tròn vai trò “là người chủ tương lai của nước nhà”.
          Về nội dung công tác vận động thanh niên, điều trước tiên Hồ Chí Minh quan tâm là thanh niên phải tiếp thu và xây dựng, rèn luyện được những giá trị cao quý của đạo đức cộng sản. Người nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của công nhân”[6].
          Hồ Chí Minh khẳng định, đối với thanh niên việc “học” rất quan trọng. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng: Thanh niên có học tập mới cứu được dân được nước, như những thanh niên đầu tiên sang Trung Quốc được tập hợp trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, học tập tại các lớp huấn luyện chính trị. Sau này, một bộ phận thanh niên  về nước hoạt động, trở thành lực lượng nòng cốt thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần to lớn đưa cách mạng đến thành công. Khi đất nước đã có độc lập tự do, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục vận động thanh niên học tập: “Ngày nay ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập[7]. Học để kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, học để có đủ trình độ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
          Như vậy, trau dồi đạo đức cách mạng và ra sức học tập nâng cao trình độ là những nội dung cơ bản, cốt lõi mà Hồ Chí Minh chú trọng trong công tác vận động thanh niên.
          Với những đối tượng cụ thể, Người lại có những nội dung vận động rất cụ thể. Những nội dung Hồ Chí Minh vận động thanh niên chỉ cho chúng ta phải kết hợp chặt chẽ những nội dung chung và rất cụ thể. Phải căn cứ vào các đối tượng cụ thể để đề ra những nội dung vận động phù hợp. Thanh niên thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần... cần có những nội dung vận động đặc trưng phù hợp với nhiệm vụ, tính chất nghề nghiệp, năng lực vào sở trường của họ.
          Phương châm công tác vận động thanh niên được Hồ Chí Minh chỉ rõ: Giáo dục và vận động thanh thiếu niên là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội... Trước hết Người khẳng định sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng và vận động thanh niên, nhi đồng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
          Đối với thanh niên, trách nhiệm trước hết thuộc về Đảng: “Trung ương và các cấp Đảng bộ địa phương sẽ săn sóc hơn nữa đến công tác của Đoàn, để phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”[8].
          Người còn chỉ rõ cần có sự kết hợp đồng bộ hài hoà giữa gia đình, nhà trường  và xã hội trong giáo dục thiếu niên nhi đồng: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội”[9].
          Hồ Chí Minh rất chú trọng việc vận động thanh niên tham gia học tập, Người đề ra phương châm học tập phải toàn diện: “Nói chung thanh niên... phải ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá, trước hết phải rèn luyện và thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa”[10].Vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh đề ra phương châm cho thanh niên là phải học tập cả chính trị và tri thức khoa học.
          Một phương châm quan trọng Hồ Chí Minh yêu cầu trong giáo dục và vận động thanh niên là phải thiết thực:  “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội”[11]. Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn và phải vận dụng kiến thức vào lao động sản xuất. Người nói: “Chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa. Vì vậy cho nên các cháu trong lúc học tập về lý luận thì cũng phải kết hợp với thực hành... và tất cả các ngành khác đều phải :
          - Lý luận kết hợp với thực hành.
          - Học tập kết hợp với lao động”[12].
          Hệ thống phương châm giáo dục và vận động thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh vừa toàn diện, vừa cụ thể. Đó thực chất là những tư tưởng chỉ đạo cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân trong công tác giáo dục và vận động thanh thiếu niên, để họ trở thành những người hữu ích cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
          Về phương pháp tổ chức vận động thanh niên, Hồ Chí Minh cho rằng, tiềm năng của thế hệ trẻ vô cùng to lớn, nhưng để hiện thực hoá các tiềm năng đó, trước hết phải tập hợp họ lại trong một tổ chức cách mạng. Người chỉ rõ, hạt nhân để đoàn kết, tập hợp thanh niên, đồng thời là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, động viên thanh niên phải là Đoàn thanh niên cộng sản.
          Để chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc thành lập Đoàn thanh niên, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh đã dành riêng một chương nói về tổ chức thanh niên cộng sản và giới thiệu tôn chỉ, mục đích của Đoàn. Với sự chuẩn bị tích cực về cơ sở lý luận và tổ chức của Hồ Chí Minh và các vị cách mạng tiền bối, chỉ một năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 26-3-1931, Đoàn Thanh niên cộng sản được thành lập.
          Về chức năng, nhiệm vụ của Đoàn, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đoàn thanh niên vừa là tổ chức gần gũi Đảng, lại là lực lượng tích cực, xung phong gương mẫu thực hiện những chủ trương và chính sách cách mạng, là lực lượng kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là nguồn bổ sung thường xuyên đảng viên trẻ cho Đảng, là người trực tiếp giúp Đảng giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thanh niên, vận động thanh niên đi theo lý tưởng của Đảng
          Đối với thanh niên, phải vận động họ tham gia các phong trào như: Thực hiện “Đời sống mới”, “Thi đua ái quốc”, “Thanh niên ba sẵn sàng”... Những phong trào này gắn với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và nhiệm vụ cụ thể của thanh niên trong từng ngành nghề, từng lĩnh vực hoạt động.
          Kết hợp với các phong trào, Hồ Chí Minh đưa ra những khẩu hiệu vận động ngắn gọn, súc tích, thôi thúc thanh thiếu niên: “Việc gì khó có thanh niên,  Ở đâu khó có thanh niên”[13], “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”[14].
          Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác lãnh đạo. Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo cũng phải có phương pháp trong tổ chức vận động thanh thiếu niên. Người nói, cán bộ lãnh đạo “Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của các lớp thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết các vấn đề một cách thiết thực”[15]. Đối với tổ chức Đoàn phải tìm ra được hình thức, cách thức... tổ chức mới, thích hợp: “Đoàn phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc... Muốn củng cố và phát triển, thì Đoàn phải liên hệ rộng rãi chặt chẽ với các tầng lớn thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập  của thanh niên, phải tránh thành kiến hẹp hòi, cô độc”[16].
          Ngoài ra, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương. Người khuyên cán bộ làm công tác thanh niên: “... các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”[17].
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động thanh niên có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Thanh niên đã, đang và sẽ noi theo tấm gương của Người, phát huy tinh thần nhiệt huyết, xung kích của tuổi trẻ, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.
 
 Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
 Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.12, tr.247
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.12, tr.612
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.1, tr.144
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.1, tr.144
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.13, tr.470
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.13, tr.89
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.9, tr.178
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.10, tr.439
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.10, tr.175
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.12, tr.19
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.9, tr.265
[12] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.11, tr.400
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.12, tr.18
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.6, tr.440
[15] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.13, tr.91
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.10, tr.439
[17] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, T.6, tr.251

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7999447

Đang Online : 2921