Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Vai trò của thanh niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 27/3/2018 9:48 Lượt xem: 681

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội[1]. Người đã chỉ ra tuổi thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, sống động nhất, như mùa xuân trăm hoa đua nở, tràn đầy nhựa sống. Đối với mỗi quốc gia, thế hệ trẻ chính là “tiền vốn”, là nguồn lực quan trọng để dựng xây đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thế hệ trẻ với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dành muôn vàn tình thương yêu mà còn gửi gắm niềm tin tưởng sâu sắc khi đặt trọn tương lai của dân tộc vào họ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh vai trò của thanh niên được thể hiện ở những nội dung sau:
          Thứ nhất, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước; là lực lượng to lớn, đội quân xung kích trên mọi mặt trận của cách mạng.
           V.I Lênin cho rằng: “Ai nắm được thanh niên người đó làm chủ thế giới. Chính vì vậy cần có những phương pháp thiết thực để thực sự đưa thanh niên vào hoạt động từ đó phát huy được tính sáng tạo của mình để họ góp sức mình cho Tổ quốc”. Thấm nhuần tư tưởng đó nên ngay từ rất sớm trong quá trình hoạt động, truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn đối tượng đầu tiên là thanh niên.
          Cuối năm 1924, từ Liên Xô, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã, hướng dẫn cho họ về phương pháp tổ chức và hoạt động. Đánh giá vai trò quan trọng của thanh niên đối với đất nước, năm 1925, trong thư “Gửi thanh niên An Nam”, Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[2]. Từ khát vọng và bằng niềm tin của chính bản thân mình vào những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên, ý thức được sứ mệnh lịch sử của họ đối với vận mệnh nước nhà, Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn thức tỉnh một dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên. Người đã hướng vào thanh niên, đưa họ đến với cách mạng cùng một tâm niệm: “Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy, thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc[3]
          Mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam đó là sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Người sáng lập vào tháng 6-1925. Thông qua tổ chức các lớp học, Người đã trực tiếp thuyết giảng, bồi dưỡng cho nhiều thanh niên về lòng yêu nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường giải phóng dân tộc, đồng thời lựa chọn những thanh niên xuất sắc gửi đi đào tạo tiếp ở những trường huấn luyện của Quốc tế Cộng sản. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò to lớn, xung kích của thanh niên. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, tinh thần cách mạng, sự nhiệt tình phấn đấu, sự gan dạ và những tấm gương hi sinh dũng cảm của tuổi trẻ đã góp phần to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
          Sau năm 1954, đất nước tạm chia cắt thành hai miền, với hai nhiệm vụ cách mạng khác nhau. Tình hình mới của sự nghiệp cách mạng cần có sự chung sức, đồng lòng của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dũng cảm tiến lên, hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu. Người động viên thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích của mình “các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt “ba sẵn sàng”, xung phong hiến dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, cho Tổ quốc và CNXH. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, hàng triệu đoàn viên và thanh niên thực hiện: “sẵn sàng chiến đấu”, “sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang”,“sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”.
          Tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ bùng lên mạnh mẽ ở cả hai miền Bắc và Nam khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thi đua chiến đấu, lao động sản xuất, học tập thanh niên đều lập nhiều thành tích to lớn. Sự trưởng thành và những chiến công lập được của thanh niên cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thật xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là những thanh niên trong “thời đại anh hùng” - những thanh niên mang hoài bão, khát vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, vượt mọi khó khăn, xông pha mọi thử thách, luôn ở tuyến đầu, luôn ngẩng cao đầu vững bước đi lên vì lý tưởng cao đẹp nhất.
          Thứ hai, thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ đi trước để thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời là người dìu dắt thiếu niên, nhi đồng.
          Trong tư tưởng và tầm nhìn của Hồ Chí Minh, thanh niên là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng; là những người giữ vai trò quyết định trong việc kế thừa, bảo vệ và phát triển truyền thống yêu nước vẻ vang, bản sắc văn hóa dân tộc mà các thế hệ cha anh đi trước để lại. Sự kế tục giữa các thế hệ nối tiếp nhau vốn là quy luật phát triển của xã hội loài người. Con người ta sinh ra ai cũng lớn lên, già đi rồi lại trở về với cát bụi, do đó việc “bàn giao” thế hệ là tất yếu xảy ra. Nhưng một điều không thể phủ nhận là thế hệ sau bao giờ cũng được chuẩn bị tốt hơn, tài giỏi hơn và có trách nhiệm lớn hơn thế hệ trước.
          Thanh niên cũng đóng vai trò là cầu nối, kế thừa giữa các thế hệ trước và định hướng, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai đó là các cháu nhi đồng. Theo Hồ Chí Minh: “vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng[4]cho nên Người luôn căn dặn thanh niên: “Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo[5]. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc và sự thắng lợi, phát triển của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào việc giáo dục thanh niên. Bởi vậy, việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết[6]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên Việt Nam thế hệ sau đã tiếp bước thế hệ trước, với sức trẻ của tuổi thanh xuân đã không ngừng nỗ lực phấn đấu góp phần to lớn vào công cuộc giữ nước và dựng nước.
          Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng toàn diện thanh niên, đồng thời tạo mọi điều kiện cho thanh niên được phát huy tài năng, sức lực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên. Nghị quyết khẳng định: “Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng[7]; “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người[8]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) Đảng ta cũng đã khẳng định:“Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
          Thanh niên Việt Nam hôm nay đã và đang được sống, lao động và học tập trong một môi trường thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát triển và cống hiến. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI (2017) nhận định: “..cùng với sự phát triển của đất nước, thanh niên có sự phát triển toàn diện, trình độ học vấn được nâng lên, tầm vóc và thể trạng được cải thiện. Tỷ lệ thanh niên được đào tạo ngày càng tăng nhanh trong cơ cấu lực lượng lao động. Phần lớn thanh niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, phát huy truyền thống cách mạng, thể hiện rõ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có hành động thiết thực, cụ thể vì cộng đồng”[9]
          Tháng 3 trở về cùng với không khí nhiệt huyết và sôi động của thế hệ trẻ luôn khắc ghi trong tim lời Bác dạy:
                                                                                  “Không có việc gì khó
                                                                                   Chỉ sợ lòng không bền
                                                                                   Đào núi và lấp biển
                                                                                   Quyết chí ắt làm nên”
          Tự hào là những thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, mỗi đoàn viên thanh niên luôn giữ vững ý chí, vượt mọi khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến sức trẻ của mình vào sự nghiệp chung của đất nước./.
Thạc sĩ Triệu Thị Bạch Vân
           Khoa Lý luận Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H.2011, tập 4, tr. 194
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H.2011, tập 2, tr. 144
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, - Sự thật, H.2011, tập 9, tr.178
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H.2011,tr.298
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H.2011, tr.298
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H.2011, tr.622
[7] Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy-BCH Trung ương khóa X, Nxb CTQG, HN.2008, tr.35
[8] Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy-BCH Trung ương khóa X, Nxb CTQG, HN.2008, tr.41
[9] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, tr.2

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8371399

Đang Online : 3023