TUYÊN TRUYỀN

Hương vị Tháng Ba

Ngày Đăng: 11/4/2018 16:9 Lượt xem: 289

          Tháng ba về, khi tiết trời vẫn còn se se lạnh, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, vạn vật khoác lên màu áo tươi xanh, căng tràn nhựa sống cũng là lúc bà con dân tộc Tày Na Hang đón chào một vụ mùa mới với bao niềm tin, hi vọng. Tháng Ba về, mang theo những điều tươi mới, cùng với đó là những món ăn ngon lạ, hấp dẫn trên mảnh đất vùng cao này.
          Bánh trứng kiến: Khi những giọt mưa lất phất bay ngoài hiên, là lúc những cánh hoa xoan mỏng manh rơi rụng ngoài thềm. Chính vào mùa này, mùa lá xanh bạt ngàn đến nhức mắt, mùa những đứa trẻ vùng cao lom khom trên những triền đồi tìm măng, mùa khói nương thơm thơm, cay cay nơi sống mũi, mùa hoa gạo đỏ rực một góc trời…là mùa bà con dân tộc vào rừng tìm trứng kiến.
          Sự khéo léo, ý nhị của người dân với núi rừng được thể hiện ở cách lấy tổ kiến. Thường người ta chỉ chặt những cành nhỏ nơi kiến làm tổ chứ không phải đốn cả cây. Trứng kiến được nhặt sạch, có thể đem về làm bánh, chế biến thành món ăn…
          Bánh trứng kiến cũng thật đặc biệt. Lá để gói bánh là lá non của cây ngõa. Trứng kiến sau khi được rang khô, nêm nắm muối, tỏa hương thơm phức sẽ được dùng làm nhân bánh. Bánh được đồ trong những chiếc chõ gỗ truyền thống của người Tày. Bột nếp trắng dẻo được bọc trong lá vả thơm đậm chất núi rừng quê hương. Ăn bánh là ta cảm nhận được vị ngọt bùi, thơm, béo ngậy của trứng kiến.

 
Món bánh trứng kiến
          Rau bò khai: Bò khai là một loại rau không thể không nhắc đến khi tháng Ba về. Rau có mùi đặc trưng đúng như cái tên của nó. Rau bò khai có nhiều công dụng đặc biệt: hạ sốt vào mùa hè hoặc chứng đau tê thấp vào mùa lạnh; chữa bệnh các chứng như: đái rắt, đái vàng, phù thận... Rau bò khai dùng để nấu canh, xào thịt bò, xào tỏi mang đến hương vị đặc trưng bởi mùi vị của nó khiến ai thưởng thức rồi có thể mê đắm, nhớ mãi.
 
Món rau bò khai
          Măng: Núi rừng Na Hang phong phú về các loại măng: măng nứa, măng vầu, măng đắng, măng ngọt, măng sặt… Tháng Ba về, những đứa trẻ háo hức dậy thật sớm giắt túi vải bên hông thoăn thoắt lên đồi măng. Đâu đó, ẩn hiện những bông hoa gạo bập bùng trong sương sớm. Tiếng bước chân lạo xạo trên nền lá rừng rụng sau mưa. Mùi ngai ngái của đất ẩm xộc lên cánh mũi. Lúc này, trên nền đất ẩm, là những mầm măng mới nhú. Với mỗi đứa trẻ vùng cao, khi xế chiều về nhà trên vai đeo túi vải đựng đầy măng, túi quần đựng đầy những quả rừng là niềm vui khôn xiết. Măng có thể đem nấu canh xương, xào, luộc chấm mẻ đều ngon. 
 
Măng Sặt
          Mỗi một dân tộc, mỗi vùng đất có những sự khác biệt về văn hóa ẩm thực. Đối với dân tộc Tày ở huyện vùng cao Na Hang, mỗi mùa, mỗi tháng trong năm đều có những món ăn riêng. Những sản vật tháng ba đã góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của bà con dân tộc nơi đây.
 
 Thạc sĩ  Nguyễn Thanh Thủy
 Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8008990

Đang Online : 1878