Nghiên cứu - Trao đổi

Đổi mới phương pháp giảng dạy bài 5, bài 6, bài 7 thuộc phần I.1 Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, một số vấn đề đặt ra

Ngày Đăng: 2/11/2016 9:34 Lượt xem: 466

     Đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề cốt lõi của công tác đào tạo, bồi dưỡng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang.

     Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin: "Thực sự chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công tác giáo dục lý luận chính trị; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". [1]
Trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị-hành chính Bài 5 "Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân", Bài 6 "Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội", Bài 7 "Liên minh công - công - trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" thuộc phần I.1 "Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin". Đây là những bài chứa đựng nội dung kiến thức của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học; là một trong ba bộ hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự hoàn thiện chủ nghĩa Mác ở cả ba phương diện: triết học, kinh tế chính trị, lý luận chính trị- xã hội. Nội dung cơ bản mà những bài này nghiên cứu là lý luận chính trị - xã hội của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản; nghiên cứu quy luật và tính quy luật chính trị-xã hội trong giai đoạn chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
     Xuất phát từ đặc điểm tri thức và vai trò của bộ môn, những năm qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy phần I.1 "Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin” nói chung và Bài 5, Bài 6, Bài 7 nói riêng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy được trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang quan tâm. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều buổi toạ đàm về đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập được tổ chức thực hiện từ các khoa, phòng… đã đem lại những bước chuyển biến lớn.
     Qua kết quả mà nhà trường đã đạt được trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, qua khảo sát thực trạng dạy học Bài 5, Bài 6, Bài 7 thuộc phần I.1 và tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của các giảng viên, tôi xin trao đổi về một số vấn đề đặt ra đối với giảng viên nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy Bài 5, Bài 6, Bài 7 nói riêng và phần I.1 nói chung ở trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang.
     Thứ nhất : Giảng viên phải được đào tạo đúng chuyên môn.
Trước hết, giảng viên giảng dạy Bài 5, Bài 6, Bài 7 thuộc phần I.1 phải có trình độ chuyên môn sâu về bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học; phải có sự hiểu biết nhất định ở các lĩnh vực liên ngành như chính trị học, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế… Và đặc biệt giảng viên phải thấm nhuần các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 
     Thứ hai: Giảng viên phải nắm chắc kiến thức tổng thể của phần học, nội dung của từng bài học.
     Các phạm trù, khái niệm, quy luật trong Bài 5, Bài 6, Bài 7 là một hệ thống tuần tự, lôgic, chặt chẽ và có mối liên hệ biện chứng với nhau. Phạm trù sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản, là phạm trù trung tâm để triển khai toàn bộ nội dung phần học.
     Mỗi một bài học đều chứa đựng nội dung kiến thức đặc thù. Vì vậy, muốn bài học đạt hiệu quả cao thì giảng viên phải nắm chắc kiến thức. Chỉ khi nắm chắc kiến thức, giảng viên mới có thể xây dựng ý tưởng về sự tương tác sư phạm, lựa chọn phương pháp và thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp. Điều đó như sự định hướng để hoạt động dạy học tuân theo theo quy luật, trình tự.
     Để nắm chắc được nội dung tri thức, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ giáo trình, các tài liệu chuyên ngành và liên ngành đòi hỏi giảng viên phải tham khảo các tác phẩm kinh điển. Đây là tài liệu gốc, điểm xuất phát cho hệ thống tri thức của môn học. Chính các tác phẩm kinh điển sẽ là chìa khoá mở toàn bộ nội dung tri thức liên quan đến bài học. Tác phẩm kinh điển mang tính lý luận và trừu tượng cao nên đòi hỏi giảng viên phải trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, say mê mới có thể hiểu thấu đáo. Thực hiện điều này yêu cầu giảng viên phải có sự đầu tư chuyên môn sâu, say mê nghiên cứu, học tập qua sách vở, tài liệu và từ chính thực tiễn cuộc sống.
     Thứ ba: Giảng viên phải nắm được bản chất của từng phương pháp dạy  học và phương tiện dạy học trong quá trình giảng dạy.
     Để giảng dạy thành công, bên cạnh việc nắm chắc nội dung bài học là điều kiện cần thì việc nắm chắc bản chất của từng phương pháp dạy học là điều kiện đủ. Trước tiên giảng viên phải nắm được bản chất, ưu, nhược điểm và đặc điểm của từng phương pháp dạy học. Làm được điều này, giảng viên sẽ chủ động trong việc lựa chọn phương pháp, với mỗi đơn vị kiến thức khác nhau, giảng viên sử dụng một phương pháp phù hợp, kết hợp sử dụng phương pháp cho hợp lý. Tuy nhiên, muốn có phương pháp dạy học tốt, giảng viên phải cập nhật và bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp dạy học tích cực.
     Bên cạnh việc nắm vững và hiểu biết sâu sắc về phương pháp dạy học tích cực, giảng viên còn phải biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện dạy học hiện đại, hiểu rõ cấu tạo, tính năng và nguyên lý hoạt động của nó. Không những thế, giảng viên còn phải biết sáng tạo, chế tạo ra đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp cho từng bài giảng. Các đồ dùng, phương tiện dạy học do giảng viên tự chế đơn giản, dễ sử dụng, đem lại hiệu quả sư phạm rất lớn vì nó thiết thực, gần gũi với cả giảng viên, học viên.
     Thứ tư:  Giảng viên phải nắm chắc tất cả các quy trình trong giảng dạy và tuân thủ, áp dụng các quy trình đó vào trong bài giảng. Từ việc xác định mục tiêu bài giảng, xác định nội dung dạy học, đến thiết kế bài giảng và thực hiện bài giảng trên lớp. Các quy trình chính là sự đúc rút, tổng kết từ thực tiễn dạy học. Vì vậy, nó là sự định hướng, dẫn đường để hoạt động dạy học đi đúng quy luật, trình tự. Hiểu rõ về nội dung các quy trình và áp dụng vào trong bài giảng là thể hiện sự tôn trọng quy luật dạy học, tôn trọng đối tượng học viên và cũng phản ánh năng lực sư phạm của giảng viên.
     Thứ năm: Giảng viên luôn tổng kết thực tiễn để bổ sung vào bài giảng.
     Mác và Ăngghen trong quá trình xây dựng nên học thuyết của mình cũng luôn luôn khẳng định rằng học thuyết của các ông là thuyết học mở, đòi hỏi thế hệ sau phải không ngừng bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng không nằm ngoài xu thế đó, nó cũng đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không ngừng vận động biến đổi, đòi hỏi lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng phải liên tục được tổng kết, hoàn thiện để soi sáng và chỉ đạo thực tiễn.
     Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải luôn nghiên cứu quán triệt lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nội dung các Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.
     Thứ sáu: Giảng viên phải có tâm huyết với nghề, phải có tinh thần tiên phong trong đổi mới phương pháp dạy học.
     Giảng viên giảng dạy Bài 5, Bài 6, Bài 7 thuộc học phần I.1 không chỉ là những chiến sỹ cộng sản trung thành với sự nghiệp cách mạng, với lý tưởng của Đảng mà còn là những người say mê, yêu nghề, yêu ngành và cống hiến hết mình vì hoạt động nghiên cứu khoa học, luôn có tinh thần tiên phong vượt qua mọi rào cản để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Để thực hiện điều đó, đỏi hỏi giảng viên phải luôn luôn trăn trở với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nỗ lực hết mình vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà.
     Thứ bảy: Bên cạnh việc không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giảng viên còn phải lấy học viên là động lực để tiến hành đổi mới phương pháp. Học viên ở các trường Chính trị mang tính đặc thù, đều là những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan đơn vị và trải qua quá trình sâu sát với thực tiễn. Hơn nữa, rất nhiều đối tượng học viên cũng là những thầy cô giáo, đã và đang tham gia công tác giảng dạy. Thông qua sự tương tác thầy - trò cả giảng viên và học viên đều có thể học hỏi lẫn nhau, bổ sung cho nhau để hoạt động giảng dạy ngày càng hoàn thiện.
     Sự đồng tình, ủng hộ của học viên chính là nguồn cổ vũ, động lực rất lớn để giảng viên tiếp đổi mới phương pháp dạy học. Vì vậy, tâm huyết và tinh thần tiên phong trong đổi mới của giảng viên có sự gắn bó chặt chẽ với thái độ tích cực, chủ động của học viên. Quan hệ giữa giảng viên và học viên, giữa người dạy và người học là quan hệ biện chứng, chặt chẽ, là sự thống nhất giữa hai chủ thể trung tâm của quá trình dạy học.
     Trên đây, tôi đã mạnh dạn trao đổi về một số vấn đề đặt ra đối với giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy Bài 5, Bài 6, Bài 7 thuộc phần I.1. Đây không chỉ là những vấn đề đặt ra đối với giảng viên đang giảng dạy Bài 5, Bài 6, Bài 7 thuộc phần I.1 mà còn là yêu cầu chung đối với tất cả giảng viên đang giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Với bề dày lịch sử và những kết quả đã đạt được trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tầm quan trọng của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho tỉnh nhà./.
 
                               Thạc sĩ Dương Thúy Ngọc
                                      Giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh 
 
 
[1] Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; 2015, tr.136

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289979

Đang Online : 8