Học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Xây dựng nền văn hóa mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày Đăng: 4/5/2018 14:53 Lượt xem: 16521

Nền văn hoá mới theo quan điểm Hồ Chí Minh chứa đựng nhiều nội dung phong phú, rộng lớn, liên quan tới các vấn đề như ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường; chống chủ nghĩa cá nhân, luôn biết đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết; quyền làm chủ, bình đẳng, tự do, hạnh phúc.
Xây dựng nền văn hóa mang tính dân tộc:
Theo Hồ Chí Minh “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1].
Người yêu cầu những người làm công tác văn hoá, văn nghệ phải học lịch sử để hiểu truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, người cán bộ văn hoá còn phải hiểu được quần chúng nhân dân, vì nhân dân chính là chất liệu cho những sáng tạo của họ. Người căn dặn: “Nghệ thuật của ông cha ta hay lắm, tốt lắm; cố mà giữ gìn”, ”Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”[2]. Người còn chỉ dẫn Chinh phụ ngâm, Kiều, những câu hò, lời ca, điệu lý ví dặm quen thuộc và những vốn cổ đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn nghệ dân tộc như ngâm thơ, hát tuồng, chèo, hát ví, hát dặm…
Nhấn mạnh quan điểm về “tính dân tộc”, truyền thống dân tộc trong xây dựng nền văn hoá mới, Người cũng chỉ ra trong truyền thống đó có mặt tích cực, có cả mặt tiêu cực. Người chỉ ra mặt hạn chế trong xây dựng nền văn hóa nước ta: “Việc phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh "phục cổ" một cách máy móc) và học tập văn hoá tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn) cũng chưa làm được nhiều”[3].
Xây dựng nền văn hoá mới mang tính dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là nền văn hoá đóng kín, thu mình trong phạm vi dân tộc mà văn hoá phải đặt trong mối quan hệ, giao lưu với văn hoá các nước khác trên thế giới, “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới”[4]. Xây dựng nền văn hoá dân tộc phải trên cơ sở học tập, tiếp thu một cách sáng tạo, chứ không phải bắt chước nước khác, phải chiếm lĩnh tầm cao của tinh hoa nhân loại và vươn tới cao hơn, bằng chính thành tựu của mình, cốt cách dân tộc mình và đóng góp vào sự phong phú của kho tàng văn hoá nhân loại.
Xây dựng nền văn hoá mang tính khoa học:
Nền văn hoá truyền thống Việt Nam được kết tinh những giá trị cơ bản, độc đáo, đặc sắc. Bên cạnh đó, nền văn hoá nước ta được xây dựng trên nền văn hoá nông nghiệp còn mang nhiều hạn chế: Trình độ khoa học thấp kém, lề lối sản xuất chưa được cải tiến nhiều, cách thức làm việc chưa khoa học, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu… Để bù đắp những thiếu hụt về giá trị khoa học của nền văn hoá truyền thống Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hoá Việt Nam mang tính khoa học, đưa nền văn hoá Việt Nam bước vào thời đại mới. Xây dựng nền văn hoá khoa học xã hội chủ nghĩa trước hết “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc”[5] cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu.
Năm 1947 để chuẩn bị cho những tư tưởng lớn về xây dựng nền văn hoá dân tộc, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đời sống mới” nhằm hướng dẫn cán bộ và nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá mới. Người đã chỉ ra bản chất của việc xây dựng đời sống mới chính là việc ứng xử một cách hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại như một quy luật kế thừa văn hoá: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ (…) Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý (…) Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm (…) Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”[6].
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng một nền văn hoá mang tính khoa học và phải xây dựng một xã hội chủ nghĩa, trong xã hội đó mọi người sống yêu thương nhau, ứng xử có văn hoá, mọi người được sống cuộc sống ấm no.
Xây dựng nền văn hoá mang tính khoa học, nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Một nền văn hoá mang tính khoa học là nền văn hoá tiến bộ, đã là nền văn hoá tiến bộ phải hướng vào mục tiêu phục vụ cao cả của đất nước.
Xây dựng nền văn hoá mới mang tính khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, là sự kế tục những giá trị nội sinh của nền văn hoá truyền thống đồng thời có xác lập giá trị mới.
Xây dựng nền văn hoá mang tính đại chúng:
Theo Hồ Chí Minh nền văn hoá mang tính đại chúng là nền văn hoá mang tính nhân văn nhằm phục vụ quảng đại nhân dân. Văn hoá phải trở về với thực tại đời sống sinh hoạt của quần chúng nhân dân, phải miêu tả cho thật hay, thật chân thực và hùng hồn. Hồ Chí Minh nhắc nhở những người cầm bút phải xác định rõ chủ đề, mục đích, đối tượng để tìm ra những cách nói, cách viết cho đúng, cho phù hợp để quần chúng tiếp thu. Nội dung phản ánh cần chân thật, phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, tính chân thật là cốt lõi làm cho bài viết, bài nói có sức hấp dẫn mọi người.
Xây dựng nền văn hoá dân tộc mang tính đại chúng, theo Hồ Chí Minh, văn hoá còn phải đánh giá nhìn nhận cho đúng vai trò chủ thể sáng tạo lịch sử, sáng tạo văn hoá của quần chúng nhân dân. Người nói: " Những câu tục ngữ, những câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng. Các sáng tác ấy rất hay mà lại ngắn, chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Các cán bộ văn hóa cần phải giúp những sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý"[7].
Tại Hội nghị văn hoá ngày 30/10/1958, Hồ Chí Minh đã nghiêm túc chỉ ra đó là tình hình: "Phải thấy rằng nói chung văn hóa của ta còn loanh quanh trong thành phố, chỗ dễ ăn, chứ chưa đến chỗ đồng bào Mèo, đồng bào Mán"[8]. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phát triển văn hoá dân tộc đồng đều trong cả nước, làm sao cho tất cả quần chúng nhân dân trong nước đều được hưởng thụ sản phẩm văn hoá của dân tộc mình.
Tính đại chúng trong xây dựng nền văn hoá dân tộc còn thể hiện ở chỗ quần chúng nhân dân còn là những người kiểm nghiệm, đánh giá sản phẩm văn hoá. Do đó phải "Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại"[9].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Văn hóa là mục tiêu phấn đấu vươn tới những giá trị cao đẹp cho cuộc sống. Văn hóa là nền tảng, là động lực, là sức sống của sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mọi hoạt động sống của con người. Những quan điểm về xây dựng nền văn hóa mang tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự chỉ dẫn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhận thức và giải quyết những vấn đề văn hóa đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay./.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thủy
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh              
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, t.3, tr.458 
[2] Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb tácphẩm mới, H.1985, tr 168-176
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.10, tr.514
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.7, tr.40
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.7, tr.40
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.5, tr.112-113
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.11, tr.559
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.11, tr.559
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2011,t.8, tr.208

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 7997036

Đang Online : 510